Cơn khát vàng chưa chấm dứt khi Trung Quốc liên tục mua dự trữ

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mua thêm 29 tấn vàng trong tháng 8, nâng tổng lượng mua từ đầu năm đến nay lên 155 tấn. Kết hợp với động thái giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ về mức thấp nhất trong 14 năm, PBoC dường như đang nỗ lực đa dạng hóa khỏi đô la Mỹ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Washinhton dâng cao.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã mua vàng tháng thứ 10 liên tục, nâng tổng lượng mua từ đầu năm đến nay lên 155 tấn. Ảnh: news.bitcoin.com

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã mua vàng tháng thứ 10 liên tục, nâng tổng lượng mua từ đầu năm đến nay lên 155 tấn. Ảnh: news.bitcoin.com

Cơn khát vàng của Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt với việc PBoC mua vàng tháng thứ 10 liên tiếp để bổ sung vào kho dự trữ ngoại hối.

Theo dữ liệu cập nhật của Cục Quản lý Ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE), PBoC đã mua 29 tấn vàng trong tháng 8, nâng tổng lượng mua từ đầu năm lên 155 tấn. Dữ liệu tháng trước cũng là đợt mua vàng lớn nhất của PBoC kể từ tháng 12.

PBOC đang dẫn đầu làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu Đợt mua vàng hiện tại của ngân hàng này ngang bằng với chuỗi 10 tháng mua liên tục trước đó, kết thúc vào tháng 9- 2019. Hiện nay, dự trữ trữ vàng của PBoC tăng lên mức kỷ lục mới, 2.165 tấn, với khoảng 217 tấn mua thêm kể từ tháng 11 năm ngoái.

Nhiều nhà phân tích dự báo, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng vì nước này muốn củng cố sức mạnh của đồng nhân dân tệ để cạnh tranh với đồng đô la Mỹ với tư cách là tiền tệ dự trữ của thế giới.

“Tôi không nghĩ nỗ lực giảm sự phụ thuộc đồng đô la Mỹ sẽ sớm kết thúc”, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới ngoại hối Oanda, bình luận.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Chantelle Schieven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Capitalight Research, nói rằng bà kỳ vọng Trung Quốc sẽ vẫn là nước mua vàng trong dài hạn như một phần của xu hướng phi đô la hóa lớn hơn.

“Tôi không tin đô la Mỹ sẽ sớm thoái trào, nhưng có một nỗ lực thực sự của Trung Quốc để đa dạng hóa khỏi đồng đô la Mỹ. Và khi bạn bắt đầu tìm kiếm các tài sản thay thế khác, bạn không có nhiều lựa chọn ngoài vàng. Hơn nữa, không có rủi ro chính trị nào với vàng, điều đang trở nên rất quan trọng”, Schieven nói.

Đồng tình với nhận định này, các nhà phân tích của BMO Capital Markets cho rằng, với các căng thẳng địa chính trị hiện nay và mối lo ngại của Bắc Kinh trước sự thống trị của đô la Mỹ, PBoC sẽ tiếp tục mua vàng.

Huang Jun, nhà phân tích của nền tảng giao dịch tài chính FXTM, nói: “Rất có khả năng PBoC sẽ tăng thêm dự trữ vàng. Khi Trung Quốc giảm nắm giữ nợ (trái phiếu) của Mỹ, nước này cần tăng nắm giữ các tài sản khác và vàng là tài sản tín dụng chất lượng cao, hiếm có trong môi trường hiện tại”.

Hồi tháng 6, PBoC cắt giảm lượng nắm giữa trái phiếu chính phủ Mỹ xuống mức thấp nhất trong 14 năm.

Không chỉ Trung Quốc, một số nước cũng đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh trong thương mại và đầu tư quốc tế trong những năm gần đây. Điều này diễn ra khi Mỹ tận dụng vị thế thống trị toàn cầu của đồng đô la để áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với các nước như Nga và Iran.

Theo bà Skylar Montgomery, nhà chiến lược vĩ mô toàn cầu của GlobalData, TS Lombard, vị thế của đô la với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới là “một đặc quyền mang lại cho Mỹ ảnh hưởng đáng kể về chính trị, kinh tế và thị trường”.

“Việc Mỹ vũ khí hóa đồng đô la là một phần lý do tại sao Nga, Trung Quốc và các nền kinh tế mới BRICS khác chạy đua tìm một giải pháp thay thế cho đồng tiền này”, bà Montgomery giải thích.

Sự thành công của cái gọi là “phong trào phi đô la hóa” cho đến nay vẫn chưa được chứng minh – với tỷ trọng thanh toán trên toàn thế giới của đồng bạc xanh đạt mức cao kỷ lục. Các khoản thanh toán thông qua hệ thống chuyển tiền quộc tế SWIFT liên quan đến đồng đô la Mỹ tăng lên mức 46% chưa từng có trong tháng 7, theo Bloomberg.

Các nhà phân tích lưu ý, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương là yếu tố quan trọng hỗ trợ giá vàng khi chỉ số đô la Mỹ (DXY) giao dịch gần mức cao nhất trong 6 tháng, đồng thời, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tiếp tục giữ ở mức cao gần 16 năm, hơn 4,2%. Giá vàng thường chịu áp lực giảm khi đô la tăng giá, khiến chi phí mua vàng của các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác tăng cao.

Nhà phân tích Moya lưu ý, trong khi nhu cầu của các ngân hàng trung ương tiếp tục hỗ trợ thị trường vàng, giá có thể tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.

“Điều mà vàng cần để tăng giá cao hơn là tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lợi suất trái phiếu chính Mỹ giảm xuống”, ông nói.

Theo Kitco News, Business Insider

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/con-khat-vang-chua-cham-dut-khi-trung-quoc-lien-tuc-mua-du-tru/