Con gái Bush kể "Chuyện của Ana"

- Tác giả của cuốn sách - Jenna Bush vốn là một trong hai đệ nhất tiểu thư của nước Mỹ, con gái cựu Tổng thống George Bush. Năm 2006, với vai trò bác sĩ nội trú ở Quỹ nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) Jenna đã tham gia nghiên cứu về đời sống trẻ em tại các nước Mỹ La tinh và Caribe.

Khi tiếp xúc với cộng đồng những người mắc căn bệnh thế kỷ, Jenna đã chú ý đến một cô gái. Ana, người mẹ da màu mới tuổi 17 đã thay mặt nhóm, nói : "Chúng tôi không chết cùng AIDS, chúng tôi đang sống cùng với nó". Và cô chìa chỉ đứa con đang bế bên hông, nói thêm : "Mẹ con tôi chính là những người sống sót". Trong suốt 6 tháng trời, Jenna đã trò chuyện với Ana, tiếp xúc với các thành viên của gia đình cô và những đứa trẻ cùng cảnh ngộ. Chuyện của Ana – Một hành trình của hy vọng (Ana’s Story : a Journey of hope) được viết sau chuyến đi đó. Thuộc thể loại sách không hư cấu (non-fiction), Chuyện của Ana được viết ra một cách chân thực, xúc động và hấp dẫn. Nó gồm 102 trường đoạn, như những mảnh vỡ, khi ghép lại không chỉ là cuộc đời Ana, mà của biết bao đứa trẻ khác đang bị bỏ mặc, khinh rẻ, ngược đãi trên thế giới. Hẳn nhiều người tự hỏi, đệ nhất tiểu thư Jenna Bush tại sao phải đi đến những nơi xa xôi, tiếp cận với cộng đồng những người mang đầy bệnh tật nguy hiểm, rồi về viết sách? Có lẽ câu trả lời nằm ở chính lời bộc bạch của Jenna : "Cảm ơn em, Ana, em đã dạy cho tôi rất nhiều điều về cuộc đời và tình yêu, dạy cho tôi cách sống và biết trân trọng từng khoảnh khắc cuộc sống". Câu chuyện và cuộc đời của Ana giống như một bài ca của hy vọng và bất khuất, được viết ra thật giản dị nhưng lôi cuốn. Bee.net.vn xin trân trọng giới thiệu một số chương từ cuốn sách do NXB Kim Đồng ấn hành sắp xuất bản trong thời gian tới, người dịch: Nhà thơ Hữu Việt. Kỳ I: Tôi không biết mẹ chết vì bệnh gì 1. Ana có một bức ảnh của mẹ. Đó không phải ảnh gốc, mà là một bản sao ảnh màu. Tấm ảnh được cán láng và ép nhựa để bảo vệ lâu dài. Khi lên mười, Ana đã trang trí góc của mình bằng cách đính lên tường những ngôi sao và những bông hoa lấp lánh. Em thường lấy bức ảnh ra xem, khiến các mép của nó bị cong lên và tấm ép plastic mất độ gắn kết, tách ra làm đôi. Trong cả cuộc sống của em, các cô các bác Ana luôn nói trông em giống mẹ. Thỉnh thoảng Ana đứng trước gương, giữ bức ảnh gần bên mặt. Em muốn so sánh mắt em có thật giống mắt mẹ không. Ana hết nhìn mắt mình lại nhìn mắt mẹ cho đến khi những hình ảnh mờ đi mà vẫn không thể nói được mẹ kết thúc ở đâu và em bắt đầu từ đâu. Trong bức ảnh photocopy, mẹ của Ana còn trẻ, mới mười sáu tuổi khi sinh ra em. Mẹ có đôi mắt nâu mở to, tóc nhuộm vàng. Mẹ có làn da mầu cacao, óng ả, mượt mà và sáng bóng. Ana hy vọng người thân của em nói thật, em hy vọng rằng em giống người mẹ xinh đẹp của mình. Mẹ Ana mất đã lâu, lâu đến nỗi em chỉ có thể nhớ những đường nét trên mặt mẹ khi nhìn vào bản sao tấm ảnh đã quăn queo theo thời gian. Ana gài tấm ảnh lên bức tường trong phòng ngủ, ngay nơi đầu giường, để em có thể thấy mẹ trước khi đi ngủ, và nếu em có quên mẹ trông thế nào thì chỉ cần nhìn qua bức ảnh sẽ lập tức nhớ ra. 2. Ana chỉ có một ký ức duy nhất về mẹ. Nó không sống động, mà mờ ảo, thậm chí lẫn lộn. Em nhớ cái mảnh quá khứ ấy giống như trong một bộ phim đen trắng, những hình ảnh mờ mờ, trượt ngoài tầm nhìn, khó nắm bắt. Trong trí nhớ đầu tiên của em, Ana khi ấy mới ba tuổi. Em đứng giữa lối đi bên ngoài phòng tắm còn mẹ em ở đằng sau cánh cửa, đang than khóc nức nở. “Mẹ ơi,” Ana thì thào qua cánh cửa gỗ. “Mẹ bị làm sao đấy ạ?” Em nghe thấy tiếng mẹ khóc nấc lên rồi cố nén lại. “Mẹ ơi?” Ana đặt tay lên quả đấm và khẽ vặn nó. Em mở cửa, ghé mắt nhìn vào trong. Mẹ em đang vịn một tay vào tường, quay lại nhìn Ana bằng đôi mắt đỏ hoe sưng húp. Tay mẹ run run đưa lên lau những giọt nước mắt chảy dài trên má. “Ana,” tiếng bố em từ phía đằng sau, “làm ơn để mẹ con được yên”. Ana bối rối và hoảng sợ. Mắt của cha em cũng đỏ và người cũng đang khóc. “Em gái Lucía của con,” cha em nghẹn ngào không nói nên lời. Rồi cha hít một hơi thật sâu và nói nhanh: “Em con đã chết.” Nghe thấy những từ đó, nhưng Ana chưa thật hiểu hết. Em còn quá bé để nhận thức được thế nào là sự khổ đau và cái chết. Tất cả những gì em thấy là cha mẹ em đang tan nát trái tim, và nỗi tuyệt vọng của họ khiến em lúng túng và sợ hãi. “Vâng ạ” Ana khẽ đáp, rồi trở bước. Em biết mẹ đi bệnh viện để sinh em gái vào mùa hè. Em cũng biết là Lucía rất yếu nên mẹ phải để em ấy lại bệnh viện. Sáng sáng, mẹ vào viện với Lucía và luôn trở về nhà một mình. Ana chưa bao giờ nhìn thấy đứa em sơ sinh và bây giờ, em sẽ chẳng bao giờ được gặp nó nữa. Lucía chết khi mới được hai tháng tuổi. 3.Cái chết của Lucía là bí mật đầu tiên của Ana. Những ngày đầu tiên đến trường, Ana và chúng bạn bước vào lớp giống như những thủy thủ, mặc bộ đồng phục học sinh bắt buộc theo quy định tại đất nước của em, áo trắng, quần soóc hoặc váy màu xanh nước biển. Khi có ai hỏi: “Cậu có anh hay chị em gái không?” em thường trả lời: “Có, mình có em gái tên là Isabel, nó giống mình như đúc.” Quả thật, Ana có phân vân đôi chút liệu câu trả lời của mình đã đúng sự thật hay chưa. Em hào hứng và cởi mở khi nói về Isabel, nó còn chưa được đến trường vì nhỏ hơn Ana hai tuổi, nhưng em không thích nhắc đến Lucía. Sự tồn tại của Lucía giống như một giấc mơ, riêng tư và chẳng liên quan gì tới em cả. 4. Khi chúng bạn hỏi em về gia đình, Ana chỉ nói những đã qua, dường như quá khứ này thuộc về ai đó. Em thuật lại các chi tiết trong đời, như đọc những bài thơ em đã thuộc ở trường. Nhưng rất nhiều ký ức bị bỏ quên, quá khứ của em giống một miếng pho-mát Thụy Sĩ, đầy những lỗ rỗng bên trong. “Mẹ mất khi tớ mới lên ba,” đó là câu trả lời của Ana về mẹ. Đây là sự thật, bởi trong ký ức thời thơ ấu, Ana chẳng nhớ gì ngoài sự trống rỗng. Em chỉ lặp lại những gì mà người lớn dặn em nói khi được hỏi về mẹ. Ana không hề nhớ mẹ em đã trở nên yếu ớt, xanh xao vài tháng sau cái chết của Lucía. Em không nhớ gương mặt mẹ trở nên hốc hác và xương xẩu; em không nhớ hơi thở của mẹ ngày càng nặng nhọc và chậm chạp, khoảng đứt đoạn giữa những nhịp thở ngày càng dài ra cho đến khi dừng hẳn. Mẹ của Ana đã chết vì bệnh AIDS khi chưa tròn hai mươi tuổi. “Mẹ bị ốm”, Ana nói ngắn gọn khi ai đó gặng hỏi thêm. “Bệnh gì?” “Tớ không biết,” Ana nhắc lại. Đây cũng là sự thật, bởi đó là tất cả những gì em biết trong nhiều năm sau... (Còn tiếp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/2984/2009/07/1714358/