Con đường Xuân đất nước

Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Một điều đặc biệt nữa, Đại hội lần thứ XI của Đảng vừa thành công tốt đẹp trước thềm Xuân mới. Đại hội XI là dấu son trong trang sử vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta. Đó là dịp nhìn lại 25 năm đổi mới đất nước, mà những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên, được thế giới đánh giá rất cao, coi đó như một kỳ tích. Đó là dịp nhìn lại 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được Đại hội lần thứ VII của Đảng thông qua. Đó là dịp Thủ đô Hà Nội cùng đồng bào cả nước vừa long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hồn thiêng sông núi như dồn tụ về trong những ngày Đại lễ. Sông Hồng bay lên trong ráng đỏ. Cờ đỏ sao vàng năm cánh, cờ búa liềm rực rỡ trên những đường cây xanh ngút ngát Hồ Gươm, lồng lộng bay trong nhịp hát kết đoàn! Đó là dịp chúng ta tự hào đứng ở tầm cao lịch sử sau vừa tròn một thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Mới hôm nào bạn bè, đồng chí, người yêu nói với người yêu lời chia tay thế kỷ XX, thoáng chốc đã mười năm. Mười năm ấy, bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc, thế và lực của Việt Nam mạnh hơn rất nhiều. Nước ta đã ra khỏi 'vùng trũng' nước nghèo kém phát triển. Trong vô vàn khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu tác động, đất nước vẫn vững vàng, như con tàu vượt sóng lớn ra khơi. Tăng trưởng kinh tế tuy có chậm lại nhưng vẫn ở mức cao. Kinh tế vĩ mô ổn định. An sinh xã hội bảo đảm. Năm 2010, với cương vị Chủ tịch ASEAN Việt Nam đã hoàn thành nhiều công việc lớn, đóng góp vào sự nghiệp hòa bình và phát triển của thế giới, các nước trong khu vực, và quảng bá hình ảnh Việt Nam với bè bạn năm châu. Kể từ Đại hội Đảng VI, chúng ta đã qua sáu kỳ Đại hội Đổi mới. Ấy là theo cách nói mộc mạc của các đồng chí đảng viên ở cơ sở. Một đại biểu vừa từ Đại hội trở về làng quê của mình, một vùng đất đồng chiêm hồn hậu, nơi có 'câu ca dao với cánh cò bay lả', được hỏi: 'Điều gì mới nhất ở Đại hội này?'. Khó có thể nói trong một vài câu ngắn gọn, anh trả lời bằng những ấn tượng: dân chủ, trí tuệ, sát cuộc sống. Rồi anh nói về những vấn đề mang tính nguyên tắc được bàn thảo và nhất trí cao; bối cảnh tình hình đất nước hiện nay và những vấn đề mới đặt ra cần giải quyết; những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được thông qua, với những bước đi phù hợp, với cách nhìn cho từng chặng đường gần và xa. 'Cụ thể là thế nào? Năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thế thì quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp ra sao? Cơ giới hóa nông nghiệp thực hiện được bao nhiêu phần trăm? Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực, đúng rồi, nhưng có thể nói rõ hơn được không? Cái chiếu chèo làng ta đấy, khôi phục thì tốt rồi, nhưng cải biên mà cứ xới tung lên, cứ như 'giết chèo', thế làm sao văn hóa trở thành động lực?...'. Có rất nhiều, rất nhiều câu hỏi như thế. Dưới khóm tre làng, trong hơi xuân se lạnh, vị đại biểu tạm thời làm báo cáo viên không làm sao có thể thỏa mãn được những câu hỏi đại loại như thế. Nhưng một điều có thể dễ thống nhất rằng: Mọi đường lối, chủ trương của Đảng đều phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Nghị quyết Đại hội là ngọn đèn pha, là ngọn cờ chỉ lối, truyền cho mọi tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng đông đảo sức mạnh, niềm tin để vững bước đi lên. Còn ai làm, làm như thế nào, làm đến đâu, đó là việc lớn, rất lớn: Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống. Ngày nay, kinh tế tri thức, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển nhanh như vũ bão, đòi hỏi bản lĩnh của người lãnh đạo, đòi hỏi sự nhạy bén, sáng tạo, cập nhật thông tin hằng ngày, hằng giờ. Phát triển không chỉ đơn giản là tỷ lệ tăng trưởng và những con số. Điều quan trọng hơn là môi trường để con người có đủ những tri thức, có đủ những kỹ năng sống, để góp phần cùng cộng đồng tạo ra sự phát triển trong một thế giới đa dạng, đang thay đổi nhanh. Có những tác giả lớn trên thế giới khi viết những luận văn khoa học ước mơ rằng, giá mà không in sách, giá mà cuốn sách này được đưa lên mạng, thì tôi sẽ sửa chữa, sẽ bổ sung hằng ngày. Mong bạn đọc yêu quý thông cảm với những điều đã lạc hậu khi các bạn để mắt đến. Vì vậy, tổng kết thực tiễn, bổ sung những nhận thức mới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bổ sung kịp thời những chỉ tiêu mới, với những kiến giải khoa học, giải pháp linh hoạt là công việc thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Bài toán lâu nay thường được ra đề cho cán bộ là xử lý tình huống giúp chúng ta lựa chọn, phát hiện được những cán bộ giỏi, vững về lý luận, có tri thức khoa học và nhạy bén trong hành động; cần nhấn mạnh thêm sự quyết đoán, dám chịu trách nhiệm về quyết định, về hành động của mình. Trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng tôi có dịp thưa chuyện một số đảng viên lão thành. Một bác đã được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng tâm sự rằng: Tôi rất chú ý lắng nghe các bài tham luận tại Đại hội. Phải nói là chất lượng các bài rất tốt đồng chí ạ. Có cảm nghĩ rằng đại biểu ấy đã nói hộ những điều mình còn chưa tỏ, mình còn băn khoăn. Năm 1960, tôi đi dự Đại hội Đảng lần thứ III. Hồi đó, nói thật là vốn liếng lý luận của mình còn mỏng, nghe ý kiến phát biểu cũng hiểu bập bõm lắm. Đại để là rất nhiều người bàn về 'chuyên chính vô sản', 'thực hiện công nghiệp nặng một cách hợp lý', 'mở mang phúc lợi công cộng'... nhưng mà cứ thấy chung chung, na ná như nhau. Còn sau nửa thế kỷ, ở Đại hội XI, tôi thấy các ý kiến thường đi vào một nội dung cụ thể, có chính kiến rõ ràng, liên hệ cụ thể, phân tích sâu sắc, và có tính chiến đấu. Giá mà đại biểu làm được đúng như những điều đồng chí ấy nói thì tốt biết bao. Nói đã khó rồi, nhưng bao giờ làm cũng khó hơn nói. Làm đã khó rồi, nhưng khó hơn là để mọi người cùng làm theo - cái đó ta gọi là lãnh đạo, là quản lý, phải không đồng chí nhỉ? Bác Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường tôi nguyên là một cán bộ cao cấp thì bảo: Ở Đại hội Đảng bộ phường, tôi được giao tham luận về chủ đề 'Nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị ở cơ sở'. Tôi đánh vật cả tuần để viết, vậy mà chả làm sao thoát ý được. Theo dõi bài tham luận ở diễn đàn Đại hội XI thấy đồng chí ấy nói mới dễ hiểu, thiết thực làm sao. Có thế mà sao mình không nghĩ ra được nhỉ? Nó là như thế này: Phải nắm thật tốt cái 'chốt' của việc 'nâng cao' chính là sửa đổi lối làm việc, như Bác Hồ đã chỉ ra từ rất sớm; chính là để nghe người dân nói thật với mình, 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra'. Một tổ chức nào đó sinh ra cốt đủ ban bệ, không đem lại lợi ích gì cho nhiệm vụ chung, cho người dân thì chẳng nên để tồn tại làm gì. Một cán bộ nào đó hết ngày này sang tháng khác 'sáng cắp ô đi, tối cắp ô về' chuyên phán theo, nói dựa thì làm sao thuyết phục được quần chúng. Anh con trai bác Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường là một giám đốc trẻ, có bằng tiến sĩ góp chuyện: Bố cháu đêm nào cũng thức rất khuya, chịu khó đọc sách, nghiên cứu tài liệu, tranh luận rất hăng, nhưng viết tham luận chật vật có thể là do thiếu thực tiễn đấy chú ạ. Cháu vừa rồi bảo vệ xong đề tài khoa học 'Chống rủi ro trong xây dựng'. Cụ đọc và góp ý: Rủi ro nó là cái khách quan, làm sao mà chống được. Anh là chủ thể lao động, anh phải đề phòng, phải ứng phó chứ. Người ta vẫn nói 'ứng phó với biến đổi khí hậu đấy thôi'. Ấy đại để là như thế, có độ 'chênh' giữa các thế hệ. Độ 'chênh' ấy sẽ được thu hẹp ở một trình độ dân trí và dân chủ cao; mọi người được cập nhật thông tin nhanh nhất. Những câu chuyện về Đại hội Đảng thật tự nhiên, thật gần gũi như vậy. Một bạn trẻ trong cuộc giao lưu 'Đảng với thanh niên - thanh niên với Đảng' xúc động nhắc tới lời Bác Hồ kính yêu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng ta: 'Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại !'. Có một câu hỏi, ngày nay bạn trẻ phải làm gì để xứng đáng là đội hậu bị vững chắc của Đảng? Bạn trẻ ấy đã tự tin và trả lời không một chút công thức: 'Chúng ta phải bay trên đôi cánh của trí tuệ. Chúng ta cần có nhiều hơn những Ngô Bảo Châu. Mọi người hãy trở về với công việc của mình và đón chào cơ hội mới. Không chậm trễ, bước một bước là ra thế giới rồi!'. Và bạn trẻ xúc động đọc mấy câu thơ Chế Lan Viên trong bài Kết nạp Đảng trên quê mẹ: 'Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác/ Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt/ Đá sỏi, cây cằn sao bỗng thấy thiêng liêng/ Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn/ Bỗng chan chứa bao điều chưa nói hết'. Những điều tâm huyết ấy tôi đã nghe, đã thấy, đã gặp suốt chiều dài đất nước thân yêu. Tôi đã thấy ánh mắt tự tin của những kỹ sư trẻ trên công trường Nhà máy thủy điện Sơn La. Xuân này Tổ máy số một của nhà máy đã phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Tôi đã gặp trong một chiều giá rét giọt mồ hôi trên vầng trán cao rộng người nữ kỹ sư nông học. Chị vừa hoàn thành xuất sắc công trình khoa học tạo ra giống lúa lai hai dòng, phù hợp thổ nhưỡng Việt Nam. Tôi đã từng lặng ngắm gương mặt trầm tĩnh mà rất động, khẩu súng ghì trên vai, anh chiến sĩ hải quân Trường Sa ánh mắt vượt tầm sóng lớn. Tôi cảm bước xuân trên con đường dân tộc đang đi! Con đường lớn. Con đường sáng. Con đường tin yêu. Dẫu còn lắm thác nhiều ghềnh!

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/con-ng-xuan-t-n-c-1.284595