Con đường về bến Tam Soa

Tôi về lại Tam Soa vào một ngày tháng Tư nắng lửa, trong dòng cảm xúc miên man giữa hai dòng suy tưởng, một Đức Thọ (Hà Tĩnh) quá khứ hào hùng, một Đức Thọ hiện đại đổi mới, tự nhiên thấy hân hoan lạ.

Người đi xa mấy năm ròng

Chưa ai quên một khúc vòng con đê

Mỗi lần về quê, qua ngã tư chợ Trổ về nhà, vòng quanh theo con đường chạy dọc bờ đê sông La, ông tôi thường đọc câu thơ đó. Giọng thơ mỗi lần một khác, lúc khấp khởi mừng vui, lúc dạt dào nuối tiếc. Tôi đem nỗi thắc mắc đó hỏi ông, chỉ thấy ông cười chỉ tay xuống bến Tam Soa thì thầm “đó là câu thơ trong bài “Con đường về bến Tam Soa” của bạn ông - một người Đức Thọ tài hoa, một nhà thơ xứ Nghệ!

Bến Tam Soa.

Sau này, khi làm công tác văn học nghệ thuật, tôi mới hay người Đức Thọ tài hoa đó là nhà thơ Xuân Hoài. Đó là người mà như nhà văn Hà Quảng đã nhận định: “Một dòng đời chảy qua nhiều thác ghềnh nhưng hồn thơ lọc đi phần cam go, lắng đọng lại một cái gì dung dị và thanh thản, thanh thản của một con người làm chủ được số phận, làm chủ con đường đi của mình” (Hà Quảng - Thanh thản một hồn thơ).

Kể cũng lạ, có rất nhiều danh nhân, văn sỹ quê Đức Thọ luôn khiến tôi nghĩ đến dòng La khi ai đó nhắc đến cuộc đời của họ. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, hai dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố vượt qua bao núi non thác ghềnh rồi gặp nhau ở Tam Soa, hòa vào nhau để làm nên dòng La thơ mộng và êm đềm là một sự ban ơn của tạo hóa đối với vùng quê Đức Thọ. Kể từ Tam Soa, sông như lắng lại, thanh thản xuôi dòng.

Theo phần khảo cứu của tác giả Phan Văn Thắng trong cuốn Làng cổ Việt Nam thì quá trình hình thành vùng dân cư ở Tùng Ảnh là vào khoảng cuối thời Trần, đầu thời Lê, tương ứng với khoảng cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, tức là cách đây khoảng 600 năm. Căn cứ vào gia phả các dòng họ lâu đời nhất của làng thì thủy tổ đều thuộc thời Trần hoặc đầu thời hậu Lê. Họ nào cũng lớn, cũng bề thế, uy nghi và danh tiếng để đời! Thời nào cũng có những bậc hiền tài, tuấn kiệt, góp sức mình vào công cuộc bảo vệ non sông, kiến thiết đất nước.

Xã Tùng Ảnh - nơi sản sinh nhiều hiền tài.

Bởi vì lẽ đó, những lần về quê, dù vội vàng đến mấy, ông tôi cũng muốn cùng con cháu đi đến những ngôi chùa, những mái đình, những nhà thờ lưu niệm của các bậc tiền nhân, những từ đường của các dòng họ khoa bảng để cùng con cháu đọc lại những công trạng lưu danh sử sách. Ông bảo: “Thế đất Tùng Ảnh luôn sản sinh hiền tài. Nơi đây có làng Đông Thái là quê hương của nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc và các nhà khoa bảng. Thời phong kiến có 24 người đỗ tiến sĩ trong tổng số 44 tiến sĩ của huyện Đức Thọ”. Danh nhân nổi tiếng thời xưa mà ông tôi thường nhắc là: Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tiến sĩ Phan Tam Tĩnh, Tổng Bí thư Trần Phú, nhà văn Hoàng Ngọc Phách…

Tôi nể phục trí nhớ tuyệt vời của ông tôi, một cán bộ tiền khởi nghĩa đã từng kinh qua hai cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, hơn 90 tuổi vẫn còn minh mẫn để nhớ gần hết tên tuổi của những người con làm rạng danh quê hương Hà Tĩnh. Với ông, việc Đảng và Nhà nước di dời hài cốt của Tổng Bí thư Trần Phú về an táng tại quê hương Tùng Ảnh năm 1999 là đáp ứng nguyện vọng thiết tha của những người con Hà Tĩnh nói chung và những người đồng chí đã cùng ông vào sinh ra tử.

Tôi nhớ mỗi lần đỡ ông bước từng bước chậm rãi lên núi Quần Hội, qua những bậc đá xanh lên đến mộ Tổng Bí thư Trần Phú thắp hương tưởng nhớ tiền nhân, ông đều đứng nhìn ra trên ngã ba sông sảng khoái mà rằng: “26 tuổi soạn thảo Luận cương Chính trị. 27 tuổi hy sinh vì lý tưởng cách mạng với câu nói bất tử “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”, những nhân tài như ông, lịch sử được mấy người! Giờ đưa ông về đây, trên thế đất “thanh long, bạch hổ”, non sông chung tú cho khí thiêng hội tụ lại là điềm lành cho con cháu mai này! Các cháu sau này phải nhớ, lúc đất nước đang chìm trong nô lệ, những năm tháng lịch sử đen tối ấy, cha ông ta đã tìm ra được con đường cứu nước, thì bây giờ, khi đã có trong tay cơ đồ, thế hệ sau phải biết gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của lịch sử bởi hôm nay là lịch sử của ngày mai”.

Quê hương Đức Thọ ngày một đổi mới.

Đức Thọ bây giờ đã sang trang mới! Con đường về bến Tam Soa giờ đây là một cung đường rải nhựa uốn mình dưới tán thông xanh mát soi bóng xuống dòng La thơ mộng, êm đềm. Đời sống dân sinh của các xã ở huyện Đức Thọ đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, hội nghị báo cáo thông qua lần 1 các đồ án lập quy hoạch: Quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng huyện Đức Thọ đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với 19 dự án trên các lĩnh vực đã và đang được triển khai, hứa hẹn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển.

Tôi về lại Tam Soa vào một ngày tháng Tư nắng lửa, trong dòng cảm xúc miên man giữa hai dòng suy tưởng, một huyện Đức Thọ quá khứ hào hùng, một huyện Đức Thọ hiện đại đổi mới, tự nhiên thấy hân hoan lạ. Đức Thọ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa với bao tên làng, tên người đã đi vào lịch sử. Bao con người sinh ra từ mảnh đất này đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu để xây dựng nên quê hương Đức Thọ đi vào tâm thức của muôn người trên vạn nẻo non sông. Và một Đức Thọ hôm nay rợp bóng cờ hoa. Trong không khí vui tươi, phấn khởi ra sức thi đua thực hiện các công trình, phần việc hưởng ứng 120 ngày cao điểm kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2024) đang diễn ra hầu khắp các địa phương trong toàn huyện, tôi bỗng thấy lòng mình như cũng reo vui cùng sông núi quê hương.

Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tôi nhìn lên mộ người lặng yên trên đồi Quần Hội. Dưới những tàng thông reo, tôi như thấy ngời lên, rõ trong nắng bức tường đá hoa cương, dòng chữ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Đó chính là sức mạnh của niềm tin, là trọng trách và sứ mệnh của người cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc.

Và câu nói ấy cũng đã khắc tạc vào trong ý chí, khát vọng, trở thành lý tưởng chiến đấu của biết bao thế hệ, như cách mà nhà thơ Xuân Hoài đã viết “Người đi xa mấy năm ròng/ Chưa ai quên một khúc vòng con đê”. Tôi tin, những ai đã từng về Quần Hội, từng qua Tam Soa, từng lên dâng hương viếng mộ Tổng Bí thư Trần Phú, đều không thể quên được tinh thần ấy, chí khí ấy, để tiếp tục nuôi lớn trong trái tim, trong khối óc của mình những khát vọng mới, hoài bão mới…

Trần Quỳnh Nga

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/con-duong-ve-ben-tam-soa-post264900.html