Con đường màu xanh – lối đi trong 'cơn bão' sụt giảm đơn hàng

Nhờ kịp thời chuyển đổi theo xu hướng bền vững của thế giới và đáp ứng các điều kiện sản xuất xanh của các nhãn hàng quốc tế mà nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể trụ vững trong tình cảnh khó khăn chung của hoạt động xuất khẩu hiện nay.

Tuy nhiên, muốn xanh hóa trong sản xuất thì bản thân mỗi doanh nghiệp không thể tự bơi hoặc tự vẫy vùng. Trong bối cảnh người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, cả ngành dệt may phải hợp tác, đoàn kết để cùng giải quyết vấn đề nguyên phụ liệu bền vững và nâng cao tính cạnh tranh trong giá thành sản phẩm.

Doanh nghiệp xanh hóa trong sản xuất sẽ có lợi thế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Có thêm khách hàng nhờ xanh hóa

Trong bối cảnh tình hình chung doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh đơn hàng xuất khẩu thì những doanh nghiệp sản xuất xanh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường vẫn “sống” được, thậm chí có thêm đơn hàng mới.

Công ty TNHH Dệt may Trung Quy ở khu công nghiệp Hải Sơn, tỉnh Long An gần đây đã xuất hai container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ cho đối tác nhập khẩu từ Mỹ. Ông Trần Văn Quy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty, cho biết sản phẩm truyền thống chưa phục hồi đơn hàng song một số đối tác đặt đơn hàng mới cho loại vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế.

“Đây cũng là khách hàng đầu tiên với sản phẩm vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế sau khi đưa nhà máy sản xuất xanh, thân thiện môi trường vào hoạt động từ đầu năm nay”, ông Quy chia sẻ.

Nhận thấy nhu cầu thị trường có tín hiệu tốt cho dòng sản phẩm mới, công ty đã phát triển 20 loại vải khác có nguồn gốc hữu cơ, sẵn sàng sản xuất khi khách hàng tăng nhu cầu.

Theo ông Quy, hiện có khoảng 10 nhãn hàng lớn ở châu Âu và Mỹ đang tìm hiểu sản phẩm thân thiện môi trường của Trung Quy. Tuy nhiên, từ việc tìm hiểu, thương thảo, khảo sát đến quyết định mua sản phẩm, các nhãn hàng thường phải mất từ 6 tháng đến 1 năm nên chưa thể kỳ vọng sản lượng bán hàng sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn.

Dù vậy, ông Quy vẫn kỳ vọng lượng sản phẩm thân thiện môi trường của công ty ông sẽ có thể ngày càng tăng lên. “Tín hiệu cho thấy, đối tác Mỹ nói trên đang tiếp tục cho đơn hàng nhập khẩu mới. Với tín hiệu này, chúng tôi kỳ vọng sản phẩm xanh và thân thiện môi trường sẽ có thể tăng lên và chiếm khoảng 30% sản lượng kinh doanh trong năm nay”, ông Quy chia sẻ.

Thuận lợi là nhà máy được đầu tư đồng bộ công nghệ tiên tiến của Đức nên có thể chuyển đổi 100% công suất, sản xuất khoảng 300 tấn vải hữu cơ một tháng theo yêu cầu của nhãn hàng”, ông Trần Văn Quy chia sẻ.

Cũng theo người đứng đầu công ty, có được “trái ngọt” bước đầu này là nhờ Trung Quy kịp thời chuyển đổi trước yêu cầu ngày càng khắt khe của các đối tác nhập khẩu. Thuận lợi là nhà máy được đầu tư đồng bộ công nghệ tiên tiến của Đức nên có thể chuyển đổi 100% công suất, sản xuất khoảng 300 tấn vải hữu cơ một tháng cho các nhãn hàng.

Đơn vị này đã đầu tư 180 tỉ đồng vào nhà xưởng 10.000m2 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Nhà máy này được đầu tư công nghệ hiện đại, từ khâu nhuộm dệt đến hoàn tất sản phẩm, có thể tiết kiệm 60-70% lượng nước so với công nghệ cũ, không chỉ giúp khép kín quy trình sản xuất mà còn cung ứng kịp thời nguồn vải chất lượng, chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp may mặc với năng suất 2 triệu mét vải/năm.

Tương tự, đại diện một công ty dệt may lớn ở tỉnh Đồng Nai (không cho nêu tên) chia sẻ rằng vừa có thêm nhãn hàng thời trang mới đặt hàng. Ngoài ra, có ba nhãn hàng may mặc khác đang làm việc với công ty để tiến tới việc ký hợp đồng thực hiện. Đây là 4 nhãn hàng thời trang ở Úc và châu Âu.

Trước khi đi đến quyết định đặt hàng, các nhãn hàng này đã có một thời gian dài tìm hiểu cũng như khảo sát thực tế về tình hình sản xuất của công ty tại các nhà máy ở tỉnh Đồng Nai.

Theo doanh nghiệp này, thành quả mới này được mang lại từ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc phát triển bền vững và “xanh hóa” trong sản xuất, đảm bảo an toàn cao, ít tác động xấu đến môi trường. Hiện doanh nghiệp này nhận được hơn 10 chứng chỉ “xanh” trong nước và quốc tế liên quan đến môi trường.

Trong khi đó, Việt Thắng Jean xuất khẩu vào châu Âu, Mỹ theo hình thức ODM và OBM. Hiện nay doanh nghiệp này hoàn toàn chủ động các khâu từ nghiên cứu thị trường, thiết kế bộ sưu tập mang thương hiệu riêng của mình, phát triển và đặt mua nguyên phụ liệu sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và thương mại hóa sản phẩm của mình.

Hiện nay, châu Âu là thị trường đánh giá các tiêu chuẩn sản xuất xanh khắt khe nhất thế giới, từ nguyên liệu, công nghệ, lợi ích xã hội và khả năng tái chế theo tiêu chuẩn Ecotech mà thị trường khu vực này đặt ra. Hiện tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ecotech của Việt Thắng Jean đang chiếm 35% cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp. Và đây cũng là nhóm sản phẩm có thị trường ổn định hơn vì được người tiêu dùng EU đón nhận.

Thất thế nếu chậm xanh hóa…

Không riêng số ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam mà ngay ở Bangladesh, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam ở vị trí thứ 2 trên bản đồ xuất khẩu dệt may toàn cầu cũng có nhiều đơn hàng trong bối cảnh khó khăn chung về thị trường xuất khẩu từ 2 tháng cuối năm 2022 đến 3 tháng đầu năm nay.

Có rất nhiều yếu tố khiến Bangladesh đứng vững trong cơn suy thoái chung của thị trường, trong đó không thể không kể đến việc áp dụng “tiêu chuẩn xanh”. Do đó mà trong thời gian qua, những chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở Việt Nam thường xuyên rỉ tai nhau đối thủ cạnh tranh khốc liệt là Bangladesh.

Bởi lẽ vào 2 tháng cuối năm trong khi doanh nghiệp Việt Nam khốn đốn vì đợt hàng bị giảm 40-60% thì doanh nghiệp dệt may nước này không đủ hàng để bán. Hay tình hình khó khăn tiếp diễn kéo dài sang năm nay với doanh nghiệp Việt Nam thì hết quí 1/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Bangladesh vẫn tăng hơn 6% so cùng kỳ năm ngoái.

Ngành công nghiệp dệt may Bangladesh sớm xanh hóa và giá cả cạnh tranh nên phần nào trụ vững trong bối cảnh chung thị trường tiêu thụ sụt giảm mạnh. Ảnh minh họa: Getty

Chỉ trong khoảng 10 năm, bỏ lại đằng sau tai tiếng về vấn nạn bóc lột lao động trẻ em, an toàn lao động, thảm họa cháy nổ…, ngành dệt may Bangladesh khác xưa rất nhiều và đang có bộ mặt mới với số lượng nhà máy may mặc thân thiện với môi trường nhiều nhất thế giới. Tạp chí The Economist cho rằng năm 2023 là thời điểm tốt để ăn mừng cho nền kinh tế của Bangladesh.

Trong một cuộc họp liên quan đến thúc đẩy thị trường xuất khẩu ở TPHCM gần đây, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean kiêm Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cũng cho biết doanh thu toàn ngành dệt may Việt Nam trong quí 1-2023 giảm hơn 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… vẫn đón nhận nhiều đơn hàng vì họ có công nghệ cao, có vùng nguyên liệu và thực hiện được tiêu chí xanh nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo ông Việt, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, các nước đã chủ động chuẩn bị cho kinh tế xanh, doanh nghiệp xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu và các thị trường khó tính khác. Trong khi đó, các công ty Việt chưa chuẩn bị tốt cho vấn đề này và hiệp hội cũng chưa phát huy tốt vai trò tư vấn cho Chính phủ xác định các mục tiêu trong từng giai đoạn nên doanh nghiệp rất lúng túng.

Tương tự, theo ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong khi Việt Nam đang thiếu đơn hàng thì Bangladesh vẫn làm không kịp nghỉ. Nguyên nhân, do doanh nghiệp nước này chuyển đổi ngành hàng theo các tiêu chuẩn xanh, bền vững với môi trường kịp lúc nên hiện vẫn nhận được rất nhiều đơn hàng từ các nước phương Tây.

Bên cạnh đó là phát triển nguyên liệu cho ngành này để tận dụng các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường có nhiều tiềm năng như Úc, Canada và các sản phẩm có tiềm năng như hàng quân trang quân dụng…

Ông Tùng nhấn mạnh tiêu chuẩn xanh là yếu tố rất quan trọng và mang tính bền vững với ngành dệt may. Bởi trong tất cả thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đều đề cao yếu tố phát triển bền vững sản xuất xanh.

Đáng chú ý, thị trường châu Âu đặt yếu tố xanh lên hàng đầu đối với nhà sản xuất hàng dệt may và đến năm 2025, thị trường khu vực này sẽ đánh thuế cao carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.

Trên thực tế theo các doanh nghiệp, ngoài lợi thế kịp thời xanh hóa với số lượng nhiều hơn, sản phẩm làm ra của các doanh nghiệp dệt may của Banladesh còn có giá cạnh tranh hơn doanh nghiệp Việt Nam do chi phí lao động thấp hơn. Do đó dệt may Bangladesh có lợi thế để các nhãn hàng chọn lựa trong bối cảnh thị trường ế ẩm khắp nơi.

Theo ông Việt, hiện chi phí nhân công của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc và cao hơn so với các nước như Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ. Mặt bằng chung hiện nay chi phí lương trên sản phẩm xuất khẩu của Bangladesh chỉ bằng khoảng một nửa của Việt Nam.

Doanh nghiệp không thể “tự bơi”…

Theo ông Trần Như Tùng, trên thực tế trong những năm qua các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã nhận thức phải phát triển xanh, thân thiện môi trường. Tuy nhiên để họ tự bơi là rất khó.

Bởi lẽ theo ông Tùng, việc đầu tư sản xuất xanh rất tốn kém. Đơn cử châu Âu ra quy định nhà máy nào sử dụng lò hơi xả thải lượng carbon nhiều sẽ bị đánh thuế cao hoặc không được nhập hàng vào châu Âu. Tuy nhiên, đa số nhà máy dùng lò hơi ở Việt Nam đều đốt bằng than đá, muốn chuyển qua đốt bằng nguyên liệu sinh khối thì phải đầu tư lại thiết bị rất tốn kém, chưa kể nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn.

Để xanh hóa trong sản xuất, doanh nghiệp không thể “tự bơi”. Ảnh minh họa: TL

Đại diện một doanh nghiệp dệt may xanh hóa lớn đóng ở tỉnh Đồng Nai cho biết riêng phần xử lý nước thải, công ty đã đầu tư công nghệ vài triệu đô la Mỹ để tái sử dụng đến 98% nước thải từ hoạt động giặt.

“Hiện nay chỉ một số công ty Việt có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể tự đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn xanh theo yêu cầu của khách hàng. Một số công ty khác đang thực hiện các tiêu chuẩn xanh nhưng ở mức chậm hơn nhằm giữ chân khách hàng”, ông Trần Như Tùng nói.

Đại diện VITAS còn cho biết thêm chính phủ Bangladesh và các tổ chức quốc tế ưu tiên hỗ trợ rất nhiều cho ngành dệt may quốc gia này phát triển xanh. Đơn cử, chính phủ Bangladesh khuyến khích nhà máy dệt may nào đạt tiêu chuẩn xanh sẽ được giảm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp so với các công ty khác.

Dẫn chứng thêm ngành dệt may một số nước như Bangladesh được hỗ trợ rất lớn từ nhà nước, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM Phạm Văn Việt cho biết, với một máy laser trị giá khoảng 10 tỉ đồng, nhà nước bảo lãnh cho một doanh nghiệp mua 200 máy qua cơ chế giảm thuế, hỗ trợ lãi vay ưu đãi… nên họ chuyển đổi xanh rất nhanh. Trong khi đó, trước đây các tỉnh, thành của Việt Nam có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành dệt may nhưng vài năm trở lại đây cắt giảm ưu đãi.

Đã vậy, một số tỉnh thành lâu nay vẫn còn xem dệt may là ngành gây ô nhiễm nên các khu công nghiệp không chào đón dự án đầu tư dệt nhuộm mới. Bên cạnh đó, với các công nghệ cũ đã tồn tại 10-15 năm thì các đơn vị gặp lúng túng trong phương án chuyển đổi. Do đó, Việt Nam không hình thành được các khu công nghiệp dệt may mới hiện đại. Trong khi đó, hiện nay các nước gần Việt Nam như Thái Lan đã hình thành các khu công nghiệp dệt may công nghệ 4.0.

Mặt khác, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do, trong đó có yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu để được hưởng ưu đãi thuế. Thế nhưng nguyên phụ liệu Việt Nam chỉ đáp ứng cho sản phẩm thông thường, những sản phẩm thời trang cao cấp nguyên liệu vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan… dẫn đến các công ty Việt hưởng các ưu đãi thuế còn hạn chế. Vì vậy, nếu không thay đổi công nghệ, chủ động nguyên liệu… thì dệt may sẽ giảm khả năng cạnh tranh.

Đại diện một số công ty dệt may cũng thừa nhận ngành dệt may Việt Nam khó còn có thể cạnh tranh về giá so với các nước như trước đây, vì vậy nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn xanh thì sẽ bị đào thải.

Từ thực tế trên, ông Tùng cho rằng Việt Nam muốn đẩy mạnh xanh hóa các ngành dệt may, da giày… thì cần có giải pháp hỗ trợ thêm để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và cạnh tranh.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/con-duong-mau-xanh-loi-di-trong-con-bao-sut-giam-don-hang/