Con đường hồi hương cổ vật

HAI cổ vật triều Nguyễn, gồm chiếc mũ quan và chiếc áo Nhật Bình vừa về tới Việt Nam sau hành trình dài lưu lạc, và ra mắt công chúng tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, góp phần làm gia tăng giá trị của bộ sưu tập cổ vật triều Nguyễn tại đây. Đáng nói hơn, là con đường 'hồi hương' của hai cổ vật quý này, dẫu không dễ dàng lặp lại, nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Đây là hai cổ vật được đấu giá thành công từ nhà đấu giá Balclis (Tây Ban Nha), doanh nghiệp chủ sở hữu mới của hai cổ vật này đã có một hành động rất đẹp là tặng lại hai cổ vật cho tỉnh Thừa Thiên Huế, với mong muốn lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa cho cộng đồng. Với tổng số tiền để đưa được hai cổ vật về được đến Việt Nam lên tới hàng chục tỷ đồng, có thể nói, đã rất lâu rồi mới lại có được một sự ủng hộ giá trị đến thế cho di sản.

Bởi nhiều nguyên do, nên rất nhiều cổ vật quý giá của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài, thuộc về bộ sưu tập của nhiều bảo tàng và cá nhân. Bên cạnh các hiện vật đã được định giá, còn có nhiều cổ vật tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng lại có ý nghĩa đáng kể về lịch sử, văn hóa. Nếu được hồi hương, các cổ vật đó sẽ góp phần làm phong phú, sinh động thêm nhiều cho các bảo tàng trong nước, góp phần khẳng định bản sắc độc đáo của văn hóa Việt Nam. Vậy nhưng, sự thiếu kết nối về thông tin, cùng với sự eo hẹp về kinh phí khiến cho công cuộc hồi hương cổ vật, dù đã được nhiều cơ quan chức năng bàn thảo, vẫn chỉ là những đốm sáng lẻ tẻ nỗ lực của một số cá nhân. Đáng kể nhất là cuộc đấu giá thành công chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện với sự đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 6/2014. Lần đầu tiên, và vẫn là duy nhất, cho đến nay.

sẽ vẫn là câu chuyện không dễ dàng, khi các cuộc đấu giá cổ vật trên thế giới có phần quá xa xỉ đối với mối quan tâm của cả các cơ quan nhà nước và cá nhân các nhà sưu tập đồ cổ ở Việt Nam. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để công cuộc "hồi hương cổ vật" trở nên khả thi hơn trong tương lai, cần sớm triển khai một cuộc vận động trên diện rộng, nhất là trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để kiều bào biết rõ hơn về mối quan tâm của các cơ quan văn hóa trong nước đối với các cổ vật Việt Nam đang lưu lạc. Sự đóng góp cho đất nước trong cuộc vận động này có thể dưới nhiều hình thức, như góp cổ vật của gia đình, góp thông tin về các cuộc đấu giá cổ vật Việt Nam, hay góp kinh phí để các cổ vật quý trở thành sở hữu của Nhà nước...

Cổ vật Việt, nên thuộc về sở hữu của người Việt, và cần được tỏa sáng.

Luân Vũ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/con-duong-hoi-huong-co-vat-post693151.html