Con đường giúp ta hướng đến một cuộc đời hạnh phúc

Cuốn sách của bác sĩ tâm lý M. Scott Peck như cuốn cẩm nang giúp người đọc hiểu hơn về bản thân, khám phá ý nghĩa cuộc đời và hướng đến sự trưởng thành tinh thần.

M. Scott Peck là bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm thần thực hành và cũng là một tác giả với nhiều kỷ lục. Một trong những "kỷ lục" ấy của M. Scott Peck là tác phẩm Con đường chẳng mấy ai đi (tựa gốc The Road Less Traveled), bán được hơn 10 triệu bản in trên toàn thế giới và được dịch ra 25 ngôn ngữ.

Con đường chẳng mấy ai đi viết về chủ đề tâm lý, các tổn thương tâm lý, tình yêu và hành trình trưởng thành tinh thần. Cuốn sách cung cấp những công cụ và giải pháp an toàn, thực tiễn và dễ dàng thực hiện, giúp người đọc hướng đến một cuộc đời hạnh phúc.

Thông qua quá trình điều trị các bệnh nhân cũng như những trải nghiệm bản thân, tác giả cuốn sách cho chúng ta thấy rằng để có được một cuộc đời hạnh phúc nhất thiết phải đạt được sự trưởng thành về tinh thần. Đây tuy là lối tắt, nhưng lại là "con đường chẳng mấy ai đi".

Ấn phẩm được chia thành 4 phần: Kỷ luật; Tình yêu; Trưởng thành và Tôn giáo; Phước lành.

Cuốn sách "Con đường chẳng mấy ai đi" của M. Scott Peck. Ảnh: Công ty CP Văn hóa và Công nghệ Tuệ Tri.

Ở phần một, tác giả mở đầu với lời khẳng định đanh thép: "Cuộc đời này rất khó sống" và ta phải chấp nhận sự thật này. Một khi đã thực sự hiểu và chấp nhận, thì việc cuộc sống này có khó khăn hay không sẽ không còn là việc đáng bàn cãi. Bởi thông qua toàn bộ quá trình đối diện và giải quyết các vấn đề cá nhân, chúng ta mới nhận ra cuộc sống có ý nghĩa như thế nào.

Nhưng thay vì chấp nhận, người ta lại không ngừng than vãn, một cách ồn ào hoặc trong âm thầm, về mức độ trầm trọng của các vấn đề, gánh nặng cũng như khó khăn, như thể cuộc sống phải là điều gì đó dễ dàng.

M. Scott Peck mang đến cho người đọc 4 công cụ để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống: Trì hoãn ham muốn, Nhận lãnh trách nhiệm, Tôn trọng sự thật, Cân nhắc trước sau.

Trong phần hai, tác giả định nghĩa tình yêu là ý muốn mở rộng bản thân nhằm mục đích nuôi dưỡng sự phát triển tinh thần của chính mình hoặc của người khác. Tình yêu không đến một cách ngẫu nhiên, đây là một hành vi của ý chí - tức vừa là ý định, vừa là hành động.

Yêu thương không phải là một việc dễ dàng. Trái lại, yêu thương là sự nỗ lực. Trước khi mô tả tình yêu thương là gì, tác giả khám phá bản chất của tình yêu thương bằng cách xem xét những ngộ nhận về tình yêu.

Cuối cùng, M. Scott Peck cho rằng tình yêu là sự tự kỷ luật; là sự tách bạch. Người có tình yêu chân chính luôn coi người mình yêu là người có bản sắc hoàn toàn riêng biệt. Hơn nữa, họ luôn tôn trọng và thậm chí khuyến khích sự tách bạch này, cũng như những cá tính độc đáo của người mình yêu.

Trong phần thứ ba, M. Scott Peck nói rằng mọi người đều có tôn giáo. Chúng ta thường có xu hướng tin rằng tôn giáo phải bao gồm niềm tin vào Thượng Đế hay một số nghi lễ, nhưng theo tác giả, điều này không đúng. Đối với ông, tôn giáo chính là thế giới quan của ta. Chúng ta chấp nhận mọi thứ, kể cả tôn giáo mà không thắc mắc, như thể mọi thứ đều được truyền lại.

“Một trong những vấn đề của chúng ta là ít ai phát triển được một quan điểm sống tách biệt. Mọi thứ về chúng ta, thậm chí cả cảm xúc, hầu như đều là vay mượn".

Trong phần cuối, tác giả nói về Vô thức. Ông nói rằng vô thức của chúng ta thông tuệ hơn nhiều so với ý thức. Theo ông, phước lành là một phép màu ban cho mọi người, nhưng chỉ một số ít chúng ta thực sự nhận thấy và tận dụng. Đó là một món quà.

Với Con đường chẳng mấy ai đi, những ai không biết về tâm lý cũng có thể hiểu được dễ dàng bởi tác giả sử dụng ngôn ngữ rất đơn giản, đưa ra rất nhiều ví dụ từ đời thực và kinh nghiệm trị liệu tâm lý. Đây không phải là cuốn “sách tâm linh”, trái lại, sách rất thực tế. Mọi điều tác giả nói đều có thể áp dụng vào cuộc sống. Nhưng để áp dụng, cần phải nỗ lực.

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-duong-giup-ta-huong-den-mot-cuoc-doi-hanh-phuc-post1467754.html