“Con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói tới việc làm”

Đại biểu so sánh khoảng cách địa lý với tiến trình cải cách thể chế để đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

“Cỗ máy tạo việc làm lớn nhất chính là khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Điều này đúng với Việt Nam và đúng với mọi nền kinh tế thị trường. Do vậy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh để tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng, để có được một Việt Nam phát triển và tự chủ là yêu cầu sống còn của nền kinh tế” là khẳng định của Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị cải cách thể chế để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc, để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, rất cần xây dựng ở Việt Nam một hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp và một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu có được ít nhất 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

“Nếu tính bình quân 1 doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm việc cho nền kinh tế, thì với 1,5 – 2 triệu doanh nghiệp, chúng ta có thể tạo ra 30 – 40 triệu việc làm bền vững ở Việt Nam. Vì vậy, tôi đề nghị, kế hoạch 5 năm (2016-2020) nên là kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp”, Đại biểu nêu rõ.

Xét đến tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp tới phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng nhiệm vụ tạo việc làm cho người lao động còn quan trọng hơn cả nhiệm vụ tăng trưởng GDP hay tăng thu ngân sách của cả nước và ở mỗi địa phương. Bởi lẽ hiện nay, Nhà nước (bao gồm cả khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước) đang trong quá trình cải cách, tinh giản biên chế và tái cấu trúc, không có khả năng tạo thêm việc làm cho xã hội. Khu vực đầu tư nước ngoài có khả năng tạo việc làm trong một số lĩnh vực nhưng không bền vững.

Để làm được điều này, Đại biểu cho rằng Quốc hội sẽ chung tay với Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách, vượt qua được lực cản của các nhóm lợi ích và sự trì trệ cố hữu của một số cơ quan hành chính, tạo làn sóng cải cách thể chế lần thứ 2 mà đặc trưng cơ bản nhất là: vươn tới các chuẩn mực quốc tế, đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

“Có cử tri nói với tôi rằng: Chúng tôi đã phải chờ lâu quá! Con đường dài nhất ở Việt Nam không phải là từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ “lời nói” tới “việc làm” của nhiều cấp chính quyền và công chức. Cử tri kỳ vọng, Quốc hội và Chính phủ khóa XIV sẽ là Quốc hội và Chính phủ của “hành động” để con đường dài nhất Việt Nam mãi vẫn là con đường từ Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc mong muốn.

Cùng băn khoăn trước thực trạng của từng thành phần kinh tế trước tiến trình hội nhập, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, nếu xem cả nền kinh tế Việt Nam như một khối tam giác thì khối đáy lớn nhất, sử dụng nhiều lao động, đóng góp GDP nhiều nhất là khối kinh tế ngoài nhà nước bao gồm kinh tế tập thể, cá thể, kinh tế tư nhân với hơn 48% GDP, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FPI khoảng 20%, khối doanh nghiệp nhà nước gần 32%, tỷ trọng này chắc chắn sẽ bị giảm theo lộ trình cổ phần hóa.

Trong hơn 48% đóng góp kinh tế ngoài nhà nước, phần lớn lại đến từ khu vực kinh tế cá thể với tỷ trọng hơn 32%. Điều này cho thấy, thực trạng nguồn lực tập trung lớn của nền kinh tế gần như không có mà đang dàn trải.

Đại biểu cho rằng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã có một bước phát triển mới về nhìn nhận vai trò kinh tế tư nhân và được đông đảo dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, đó là xác nhận kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Trong Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

“Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xã hội, kinh tế hộ gia đình, tôi cho rằng đây thực sự là một chủ trương đúng đắn. Tôi và các đại biểu Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp mong sớm được nhìn thấy các chính sách tạo động lực một cách cụ thể, rõ ràng hơn để triển khai cho mục tiêu này” Đại biểu Nhân đề cập.

Nêu ý kiến về việc làm sao để có được số lượng 1 - 2 triệu, thậm chí nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong tương lai để nâng tầm doanh nghiệp, nâng cao năng lực và tính tự chủ cho nền kinh tế Việt Nam, Đại biểu cho rằng để giải bài toán này, trước hết phải trả lời câu hỏi đâu là động lực để người Việt Nam, đặc biệt là người trẻ muốn khởi nghiệp khi họ thấy còn quá nhiều khó khăn, bất cập trong môi trường đầu tư hiện nay.

Vì vậy, để giúp sức cho các doanh nghiệp trong nước nói chung và khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng, những đối tượng được xem là yếu thế trong cuộc chơi không cân sức, Đại biểu mong rằng cần phải có sự vào cuộc, nhanh chóng của các cơ quan hữu quan, trước mắt kiến nghị sớm trình và thông qua dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân thẳng thắn đề xuất: “Nên chăng, ý kiến đề nghị thành lập một hội đồng phát triển doanh nghiệp cấp quốc gia do một Phó Thủ tướng đứng đầu phụ trách với sự tham gia của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam chuyên xử lý những vấn đề liên quan về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Hãy kiến tạo một môi trường kinh doanh thật sự thuận lợi, lành mạnh và an toàn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng một cách thực chất. Chỉ có như vậy, mục tiêu dân giàu, nước mạnh mới có cơ sở sớm trở thành hiện thực”./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/con-duong-dai-nhat-o-viet-nam-la-tu-loi-noi-toi-viec-lam-495834.vov