Còn đó câu chuyện trùng tu

Cuối năm 2022, dự án trùng tu Chùa Cầu (Hội An) khởi công. Sau 1 năm, khi di tích này đã hoàn thành việc tháo dỡ thì UBND TP Hội An yêu cầu tạm dừng việc trùng tu để lấy thêm ý kiến nhằm đảm bảo tính chân xác của di tích. Đây là việc làm cần thiết đối với một kiến trúc quan trọng, được coi là điểm nhấn của Di sản văn hóa thế giới Hội An (được UNESCO công nhận vào năm 1999).

Tới nay, sau gần 400 năm tồn tại, Chùa Cầu đã qua 7 lần sửa chữa. Lần này sẽ tu bổ, gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình. Ngoài ra, dự án còn tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật bao gồm điện chiếu sáng cảnh quan, chống sét, phòng cháy chữa cháy, mạng internet, hệ thống camera an ninh...

Thực tế thì mỗi lần trùng tu có thể thay đổi ít nhiều so với nguyên bản di tích. Từ năm 1915 đến năm 1986, sàn Chùa Cầu thẳng nhưng từ năm 1986 đến nay có hình dáng cong.

Chùa Cầu không chỉ là biểu tượng của thành phố Hội An hay tỉnh Quảng Nam mà còn là biểu tượng của văn hóa, du lịch Việt Nam, biểu tượng của mối bang giao Việt Nam - Nhật Bản. Vì thế, việc trùng tu Chùa Cầu cần hết sức thận trọng, mà trước hết phải tôn trọng yếu tố gốc chứ không thể nhìn nhận chủ quan cảm tính. Không thể trùng tu xong lại cho ra đời một cây cầu mới, xa lạ.

Được biết, UBND thành phố Hội An có 3 phương án trùng tu và cả 3 phương án sẽ đều được niêm yết công khai tại Chùa Cầu lấy ý kiến người dân, giới nghiên cứu. Thời gian bắt đầu từ dịp Tết Nguyên đán và kéo dài hết tháng 3/2024. Sau đó, sẽ hoàn chỉnh hồ sơ tiếp tục thi công, hoàn thành trùng tu Chùa Cầu trước mùa mưa năm nay.

Từ trước tới nay, đứng trước những dự án trùng tu di tích, người ta vẫn băn khoăn tự hỏi: trùng tu hay là hủy hoại di tích đây? Vì rằng việc tôn tạo, trùng tu không đúng cách, bất chấp yếu tố lịch sử đã khiến cho các di tích, di sản không còn giữ được tính nguyên trạng. Mà thay vào đó là ý muốn chủ quan của người đương thời. Cần tránh, ý muốn chủ quan, áp đặt đó lại thường bắt đầu từ sự nhận thức văn hóa - lịch sử yếu kém, có khi còn sai lạc.

Nhiều di tích trùng tu xong bỗng bị biến dạng, mất hẳn lớp áo trầm mặc, cổ kính mang trầm tích lịch sử, thời gian. Di tích xuống cấp thì phải trùng tu, tôn tạo nhưng quan trọng là tôn tạo như thế nào và nhất là không thể can thiệp một cách thô bạo. Cũng từ những khiếm khuyết rất lớn đó mà nhiều di tích quý giá sau khi bị “khoác áo mới” một cách bất đắc dĩ đã rơi vào tình trạng không thể cứu vãn.

Ứng xử với di tích không bao giờ là việc dễ dàng, đơn giản mà cần có sự hiểu biết đầy đủ về văn hóa, lịch sử, phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ ngay từ khi dự án hình thành và trong suốt quá trình thi công. Nói như giáo sư Trần Lâm Biền thì nhiều người tưởng tu bổ di tích là làm lại ngôi nhà, làm lại kiến trúc để cho thần thánh ở. Nhưng điều đó không phải. Sửa chữa phải giữ bằng được các dấu tích văn hóa của người xưa, nghĩa là giữ lại được bản sắc dân tộc. “Những mảng chạm khắc trong di tích là tiếng nói, là vấn đề của lịch sử, là vấn đề của xã hội, tâm hồn của người Việt gửi gắm ở trong đó, chứ không phải nó chỉ mang tính chất làm đẹp cho di tích và lấy việc thờ cúng làm chính. Nếu không hiểu được, người ta sẽ làm hỏng đi” - ông Biền nói.

Di tích văn hóa là trầm tích, là di sản, chứng nhân lịch sử của một thời kỳ văn hóa. Di tích xuống cấp, hư hỏng, ai cũng xót xa. Được trùng tu, phục dựng ai cũng vui mừng.

Tuy nhiên, ngoài nhận thức, hiểu biết sâu sắc thì một vấn đề rất quan trọng nữa là kinh phí dành cho việc trùng tu, tôn tạo di tích. Theo số liệu của ngành Văn hóa, cả nước hiện có khoảng 40.000 di tích đang được rà soát để có phương án bảo tồn. Trước đây, có lúc chỉ bố trí nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu cho khoảng 400 di tích. Như vậy, trung bình mỗi di tích khoảng 600 triệu đồng. Số tiền ít đến bất ngờ, khi chỉ so sánh với số tiền 200 tỷ đồng dự kiến trùng tu Nhà thờ Đức Bà (TPHCM).

Trở lại với việc trùng tu Cầu Chùa, việc UBND TP Hội An tạm dừng thi công để lấy ý kiến rộng rãi đáng được hoan nghênh. Chậm nhưng chắc. Còn nếu chỉ vì nôn nóng “khoác áo mới” cho di tích thì sẽ chỉ làm hỏng di tích mà thôi.

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/con-do-cau-chuyen-trung-tu-10270672.html