Còn 90 ngày để các địa phương kiến nghị điều chỉnh

Đó là khẳng định của bà Hoàng Thị Hà Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế khi trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra.

Khai thác đá trắng ở Lục Yên, Yên Bái. Ảnh: Quế Lê

Trước đó, Báo Thanh tra đã có bài phản ánh ngày 12/5/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký ban hành Thông tư số 44/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý hóa giống nhau. Thông tư này có hiệu lực từ 1/7/2017. Tuy nhiên, ngay sau khi được ban hành, Thông tư đã vấp phải sự phản ứng của nhiều doanh nghiệp khai thác đá trắng.

Theo bà Giang, sau khi Nghị định 12/NĐ-CP ra đời, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính ban hành khung giá tính thuế nhằm chống rủi ro về giá. Trên khắp đất nước có nhiều mỏ, mỏ do địa phương cấp phép, mỏ do Trung ương cấp phép nhưng quản lý khai thác mỏ, thật sự chưa quản lý được. Đặc thù là cơ quan thuế không có chức năng điều tra, chỉ dựa trên kê khai của doanh nghiệp, không có chức năng kiểm tra, chống buôn lậu bắt giữa đường, quản lý chỉ trên cơ sở hồ sơ, sổ sách báo cáo của doanh nghiệp và đối chiếu. Chính vì vậy, trong tư tưởng, quản lý mục tiêu của mình làm sao quản lý điều tiết ngân sách Nhà nước đối với tài nguyên bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên để quản lý, sử dụng có hiệu quả nhất đối với tài nguyên không tái tạo.

Nỗ lực của Chính phủ là làm sao để hướng các doanh nghiệp phải sử dụng thế nào có hiệu quả, tiết kiệm, phải có phương pháp chế biến, khai thác, những sản phẩm cuối cùng của tài nguyên khai thác ra. Qua khảo sát thấy các loại giá ở các địa phương khác nhau. Ngay đá hoa trắng ở Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) khác xa với Yên Bái. Sau khi tổng hợp, Tổng cục Thuế thấy có nhiều mức giá khác nhau, vì sản lượng ít hoặc không có.

“Chúng tôi nhận thấy trong phương án tính giá của Yên Bái đã tính cụ thể, có tính chi phí khai thác tài nguyên. Đấy là đối với đá trắng. Có nhiều cơ sở để tính giá. Chúng tôi chọn tổng hợp các mức giá của các địa phương. Tất nhiên, khi xây dựng Thông tư có nâng giá lên, để những địa phương thấp quá, với mức 250 ngàn đồng, nói thật, cát sỏi cũng còn cao hơn. Đấy là mức phải suy nghĩ nếu khai thác tài nguyên. Quản lý Nhà nước, gìn giữ môi trường hay hiệu quả, tác động đối với doanh nghiệp phải xem xét lại hay do chưa quản lý được, giá đó có thực”.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết thêm: Khi ban hành Thông tư, chúng tôi đã trao đổi và có ý kiến lại với Nghệ An. Họ không có thêm ý kiến về giá. Tuy nhiên, trong Thông tư hiện nay, chúng tôi vẫn để một độ trễ nhất định. Có lẽ, Thông tư 44 là Thông tư duy nhất có độ trễ dài đến 90 ngày. Điều 8, Điều khoản chuyển tiếp nêu rõ, đối với loại tài nguyên trong Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành và đang có hiệu lực thi hành, phù hợp với Khung giá tính thuế tài nguyên ban hành theo Thông tư này thì tiếp tục áp dụng theo Bảng giá do UBND cấp tỉnh đã ban hành. Đối với loại tài nguyên trong Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành không còn phù hợp với Khung giá tính thuế tài nguyên ban hành kèm theo Thông tư này thì UBND cấp tỉnh ban hành văn bản điều chỉnh cho phù hợp, chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Bà Giang nhấn mạnh: Thông tư có hiệu lực từ tháng 7, tức là còn 3 tháng nữa để xử lý các vấn đề bất cập nếu có đối với doanh nghiệp đá trắng. Hiện vẫn áp dụng giá cũ mà không hiểu sao đã ầm ĩ lên. Bởi vì theo quy định, chúng tôi không làm giá bao nhiêu mà chỉ làm từ phản ánh thực tế từ dưới. Tất nhiên lần đầu xây dựng thì không thể làm thỏa mãn mọi thứ được. Khi làm nên mới thấy còn chỗ này, chỗ kia thiếu sót, lúc đó mới phải điều chỉnh. Nếu cứ tham vọng thỏa mãn tất cả mọi tiêu chí thì không bao giờ ra được khung giá và không thể hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao. Nên trước hết phải có khung, hay gì đó để địa phương đối chiếu để tiệm cận dần mức giá gần bằng nhau để chống rủi ro về giá. Còn nếu giữa Nghệ An có gì khác với các tỉnh khác mà làm cho giá thấp có thể do chất lượng đá hay như thế nào thì lúc đó các địa phương phải cụ thể, khảo sát thực tế liên ngành, báo cáo UBND tỉnh, UBND tỉnh báo cáo Bộ để làm căn cứ xem xét, chứ Bộ Tài chính không thể làm hết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên quan đến đơn “kêu trời” của khối doanh nghiệp đá trắng Nghệ An, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3515/QĐ-UBND thành lập Tổ Công tác liên ngành kiểm tra, rà soát các loại tài nguyên và mức giá giao dịch trên thị trường để tham mưu ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh. Tổ Công tác liên ngành gồm các thành viên đến từ Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương.

Trong thời gian 30 ngày làm việc, đoàn có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các loại tài nguyên và mức giá giao dịch tại thời điểm trên thị trường; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo quy định tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính.

Như vậy, cả nước có 2 địa phương chính có tài nguyên đá trắng thì Nghệ An đã tích cực vào cuộc tháo gỡ vướng mắc. Khi nào thì Yên Bái sẽ rà soát các bất cập và tháo gỡ cho doanh nghiệp?

Đan Quế - Lê Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/phan-hoi/con-90-ngay-de-cac-dia-phuong-kien-nghi-dieu-chinh_t114c38n123909