Coi vợ như... 'Ô sin'

Từ khi lấy Mạnh, Thơm đã biết tính chồng gia trưởng. Tiền bạc Mạnh mang về cho vợ khá nhiều nhưng lại không cho vợ tiêu. Mạnh không muốn vợ ăn diện, không muốn vợ làm đẹp...

Minh họa: HUY CHƯƠNG

“Thơm ơi, con mẹ nó đâu rồi? Nhanh tay nhanh chân lên chứ! Mang đồ ăn lên đây” – tiếng Mạnh chát chúa, réo to để vợ anh từ trong bếp cũng phải giật mình, nói vọng ra: “Vâng! Em xong ngay đây rồi”. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tóc búi cao, tạp dề đeo trước bụng, hai tay hai đĩa thịt quay, Thơm tất tả mang ra cho chồng mời khách rồi lại chạy vào bếp xào thêm hai đĩa mực, rang lạc, hấp tôm… Thơm cứ luôn chân luôn tay mà chị vẫn bị chồng quát như quát "Ô sin".

Dạo này Mạnh được nghỉ làm về trông thợ xây thêm công trình phụ nên liên tục rủ bạn bè, hàng xóm sang ăn nhậu. Mỗi lần như thế, Thơm lại phải đi chợ, vào bếp nấu nướng theo đúng thực đơn mà chồng yêu cầu. Làm không nhanh, chị còn bị chồng mắng té tát: “Người đâu mà chậm như rùa bò, có mỗi mấy món mà cứ loay hoay mãi”. Mạnh còn quay sang “kể tội” vợ với khách: “Con vợ em nó đoảng thế đấy, chẳng làm được gì nên hồn cả. Kinh tế nhà này một mình em lo liệu hết”. Thơm sững sờ trước câu nói của chồng nhưng trước mặt khách, chị đành nín nhịn cho êm cửa êm nhà.

Từ khi lấy Mạnh, Thơm đã biết tính chồng gia trưởng. Làm chủ thầu công trình nên Mạnh thích chỉ huy. Phong cách sai việc, chỉ tay năm ngón đã ăn vào máu anh bao năm nay rồi. Tiền bạc Mạnh mang về cho vợ khá nhiều nhưng lại không cho vợ tiêu. Anh bắt vợ mua đất, mua vàng chứ không cho gửi ngân hàng mang tên vợ. Thơm chỉ được tiêu pha bằng đồng lương ít ỏi của chính mình. Trong khi gia đình nhỏ với hai đứa con có biết bao thứ phải tiêu mà tiền Mạnh kiếm được lại không được dùng đến. Mạnh không muốn vợ ăn diện, không muốn vợ làm đẹp. Một phần vì Mạnh có tính ghen, chỉ sợ mình đi công trình xa xôi, vợ ở nhà diện dàng sẽ dễ bị kẻ khác nhòm ngó. Với tư tưởng cổ hủ như vậy nên Thơm không dám trái lời chồng. Có lần Thơm cố tình mặc váy ngắn đi dự đám cưới mà Mạnh làm um nhà lên: “Ai cho phép cô ăn mặc trêu ngươi thế kia? Hả? Tôi làm quần quật để kiếm tiền cho cô mua váy à?”. Thơm cố thanh minh: “Anh ơi, ở đời chỉ hơn nhau tấm áo manh quần. Em có mặc đẹp đi ra ngoài cũng là giữ thể diện cho chồng. Chẳng lẽ anh muốn em ăn mặc như một đứa ăn mày chắc”. “Từ mai cấm mặc váy ngắn ra đường, không là tôi băm vằm ra cho mà xem”.

Thơm chỉ biết nhịn nhục vì nếu làm căng thì chỉ có nước bỏ chồng. Bản tính của Mạnh chẳng thể nào thay đổi được. Tiền kiếm được anh vẫn đưa cho vợ đều đặn nhưng kiểm soát chặt chẽ, không cho tiêu vào những việc lặt vặt, phải gói riêng cho ra tấm ra món. Thơm tự an ủi: “Coi như của để dành cho con. Mình chẳng động vào làm gì”. Nhưng gần đây, mặt Thơm nổi những vết nám. Đồng nghiệp ai cũng khuyên đi chữa càng sớm càng tốt. Chữa nám có phải hết ít tiền đâu. Thơm ngỏ lời “xin” chồng thì Mạnh giãy nảy lên: “Già rồi còn bày đặt. Ai rồi mà chả nám, chả đồi mồi, bày vẽ làm gì cho tốn kém”. Thơm bực quá, không nhịn được nữa: “Thế anh giữ tiền làm gì, mua lắm đất cũng có ở hết đâu? Vàng có ăn được đâu? Chết có mang đi được đâu”. Mạnh đỏ mặt tía tai: “Á à, cô lại còn rủa cho tôi chết à? Cô cứ liệu hồn đấy”. Hơi một tí là Mạnh lại đèo xíu, chửi tục, thậm chí có mặt khách đến ăn cơm, Mạnh vẫn quen miệng, chẳng giữ thể diện cho vợ. Nếu Thơm không biết nhịn thì có lẽ nhiều lần cô đã bị chồng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân.

Người thân, bạn bè khi biết thu nhập của Mạnh, ai nấy đều khen hết lời, khen Thơm có số hưởng, đúng là “chuột sa chĩnh gạo” nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Thơm chỉ biết nuốt nước mắt vào trong để giữ hòa khí gia đình. Nhiều khi chị phải nhịn ăn, nhịn tiêu cho bản thân để làm vừa lòng chồng. Tiêu gì, sắm gì Mạnh cũng yêu cầu vợ ghi vào sổ làm Thơm cảm thấy rất bức bối. Chị nghĩ mình chẳng khác gì Ô sin không công.

Nhân dịp cơ quan tổ chức cho chị em một chuyến đi du lịch Sa Pa, Thơm xin phép chồng nhưng Mạnh không nói gì. Anh buông một tiếng “Tùy!”. Đã thế, Thơm gấp quần áo vào va li, quyết đi chơi một chuyến. “Ô sin thì cũng phải có ngày nghỉ chứ” – nghĩ thế, Thơm kéo va li ra khỏi nhà, mặc mọi chuyện muốn đến đâu thì đến. Chị phải sống cho riêng mình mấy ngày mới được. Chị chán cái cảnh làm "Ô sin" cho chồng lắm rồi. Thiu thiu trên xe giường nằm mà đầu chị vẫn còn ám ảnh tiếng sai, tiếng quát của chồng: “Thơm, nấu nhanh lên! Bê đồ ăn lên đây”. Chị giật mình và nhận ra mình đang mơ nên lại nhắm mắt để chìm vào giấc ngủ, quên hết mọi mệt nhọc của một ô sin trong nhà.

NAM HỒNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/coi-vo-nhu-o-sin-359513.html