Cố ý đánh người gây thương tích 32% nhưng không bị khởi tố!?

(ĐSCT) Theo trình bày của ông Hoàng Quyền (SN 1961, ngụ tổ 15, ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) thì vào ngày 6-5-2008 ông có đến tổ 13, ấp 2, xã Thanh Sơn để ngăn chặn việc ông Nguyễn Văn Bích dựng nhà trên phần đất của ông. Tại đây, ông bị ông Bích cùng các đối tượng: Nguyễn Văn Mười, Văn Thiện Bình, Mỹ Di Nhân (ngụ cùng tổ 13, xã Thanh Sơn) lao vào đánh tập thể khiến ông bị thương trầm trọng. Bản giám định pháp y số 0826, ngày 1-7-2008 của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai ghi: “Đa chấn thương đầu, vai trái, ngực, bàn tay trái và chân phải; sưng nề vùng thái dương trái, sưng nề bầm tím mạng sườn phải, sưng nề vai trái; sẹo cẳng chân phải kích thước 2x3cm và 2 vết thương 0,5x0,1cm gãy hai xương cẳng chân phải; sưng nề bàn tay trái, gãy xương bàn tay số 5; X-quang gãy 1/3 giữa 2 xương cẳng chân phải, can xấu, trục lệnh; đo điện não rối loạn tuần hoàn não sau chấn thương đầu” và kết luận tỷ lệ thương tật là 32%.

Ông Quyền cùng đơn khiếu nại gửi Báo Công an TPHCM Bị thương tật như vậy, nhưng các đối tượng có liên quan không hề bị xử lý hình sự. Ông Quyền đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng, trong đó có UBND huyện Định Quán. Ngày 31-10-2008, ông Phạm Ngọc Quí - Chủ tịch UBND huyện - ký văn bản 1921 trả lời: Ngày 20-8-2008, Cơ quan CSĐT Công an huyện Định Quán ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra. Tuy nhiên, quá trình điều tra vẫn chưa xác định được người trực tiếp gây thương tích cho ông Hoàng Quyền. Do đó, Công an huyện Định Quán tiếp tục xác minh làm rõ. Đến ngày 15-4-2009, Cơ quan CSĐT Công an huyện Định Quán ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án số 03 và thông báo kết quả điều tra số 03 với lý do: “Quá trình điều tra vẫn chưa xác định được bị can gây thương tích cho ông. Thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Định Quán đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án”. Tuy đã ra quyết định như vậy, nhưng ngày 18-5-2009 Công an huyện Định Quán lại mời ông Quyền đến trụ sở công an để nhận tiền bồi thường thiệt hại là 20 triệu đồng. Điều này chứng minh cho sự mâu thuẫn trong các văn bản trả lời khiếu nại của UBND huyện và Cơ quan CSĐT Công an huyện Định Quán trước đó. Bởi lẽ “không xác định được người gây ra thương tích cho ông” nhưng lại có tiền để bồi thường cho ông Quyền. Vậy số tiền 20 triệu đồng này ở đâu ra? Đây là vụ án gây bức xúc trong dư luận suốt thời gian qua. Hiện ông Quyền không còn khả năng lao động để kiếm sống, trong khi đó những người đánh ông thành thương tích thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra sớm có kết luận đúng đắn, trả lại tính nghiêm minh của pháp luật. Điều 104 BLHS 1999 khoản 1 qui định: người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân... Tại khoản 2 quy định: phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Tuy nhiên để có đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự theo Điều 104 BLHS năm 1999, thì người bị hại phải có đơn yêu cầu khởi tố các bị can gửi đến Công an huyện Định Quán. Nếu như ông Quyền cho rằng việc cơ quan điều tra tạm đình điều tra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì ông Quyền làm đơn khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân huyện Định Quán, Công an tỉnh Đồng Nai và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai để yêu cầu các cơ quan này giám sát hoạt động điều tra của Công an huyện Định Quán. Luật sư Hồng Văn Trợ Công ty Luật Hợp danh Sài Gòn Việt Nam

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=703&id=37871&mod=detnews&p=