Cổ vật triều Nguyễn và cuộc trở về cố hương

Cuối tháng 10-2021, tại nhà đấu giá Balclis (Tây Ban Nha) đã diễn ra cuộc đấu giá về 2 cổ vật liên quan đến triều Nguyễn (Việt Nam) thành tâm điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Nhà sưu tập ẩn danh đã phải trả gần 35 tỷ đồng để sở hữu chiếc mũ quan Nhất phẩm và chiếc áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn. Kỳ diệu hơn là 2 cổ vật này đã được hiến tặng cho chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với mục đích trưng bày.

Mũ quan triều Nguyễn được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Trúc Hà

Mũ quan triều Nguyễn được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Trúc Hà

Từ cổ vật lưu lạc

Mũ quan triều Nguyễn được đấu giá lần này có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đi kèm cả hộp đựng bằng gỗ sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo, tay cầm hộp được mạ vàng. Cả hai được bảo quản gần như nguyên vẹn. Theo các nhà nghiên cứu, những chi tiết trang trí trên mũ cho thấy, đây là mũ của quan hàm trên Nhất phẩm. Ở 2 cánh chuồn của mũ đều được trang trí, giữa mỗi cánh chuồn là 2 giao. Tuy chưa biết rõ chiếc mũ này của ai, nhưng xét từ số lượng trang sức cho thấy chiếc mũ này dư 2 hoa, 2 giao long, chứng tỏ chủ nhân của nó là quan lại triều Nguyễn đã nhận được đặc ân mà từ trước đến nay chưa hề có.

Ban đầu, chiếc mũ quan có giá khởi điểm chỉ vài trăm euro, rồi tăng dần những ngày sau đó, đạt 70.000 euro khi bắt đầu phiên đấu giá ngày 28-10-2021. Sau hơn 10 lần trả giá, một nhà sưu tập online ẩn danh mua được vật phẩm với giá 600.000 euro (chưa tính các khoản phí, thuế), bỏ xa các đồ cổ khác trong phiên đấu giá.

Cũng trong phiên đấu giá này, nhà sưu tập ẩn danh cũng mua thành công chiếc áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn với giá 160.000 euro (chưa tính các khoản phí, thuế theo quy định). Chiếc áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn chất liệu lụa thêu (chế tác khoảng cuối thế kỷ XIX). Các họa tiết trên áo được thêu tay rất tinh xảo, là của nghệ nhân tay nghề bậc cao. Đây là dạng áo thêu họa tiết bằng chỉ ngũ sắc đề tài tứ thời, song loan hồi thọ (2 con chim loan quay về chữ thọ). Phần chân áo có thủy ba tam sơn và cá chép.

Bên cạnh đó, có cả đề tài bát bưu cổ áo thêu khá tinh xảo. Cổ áo thêu 5 con phụng cho thấy cấp bậc của chủ nhân chiếc áo ở tầm Ngũ phẩm. Phần đặc biệt để nhận định áo này là hiện vật gốc được thể hiện ở phần dây kim tuyến chạy quanh cổ áo, mà kỹ nghệ chế tác này cho đến nay chưa có nghệ nhân phục chế nào làm lại được.

“Nhà đấu giá ẩn danh” chính là Công ty Cổ phần (CP) Tập đoàn Sunshine (trụ sở tại thành phố Hà Nội, Việt Nam). Ông Đinh Chí Hiếu, Phó Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sunshine cho biết: “Năm 2021, công ty nhận được thông tin về 2 món cổ vật nói trên. Kể từ đó, công ty đã thành lập một nhóm nhân sự tập trung vào tìm hiểu thông tin và tham gia đấu giá 2 món cổ vật này. Để có được 2 cổ vật này, công ty chúng tôi đã bỏ ra số tiền gần 35 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn 2 món cổ vật này sẽ làm phong phú thêm kho tàng cổ vật triều Nguyễn ở Huế, giúp ích hơn trong công tác nghiên cứu, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đất cố đô”.

Trở về với cố hương

Sau phiên đấu giá tại Tây Ban Nha, chiếc mũ quan Nhất phẩm và áo Nhật Bình càng gây được sự chú ý của mọi người khi biết rằng, Công ty CP Tập đoàn Sunshine có nguyện vọng gửi tặng cho chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 31-3-2022, ông Đỗ Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sunshine đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị hiến tặng cổ vật triều Nguyễn nhằm mục đích trưng bày.

Áo Nhật Bình được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Trúc Hà

Áo Nhật Bình được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Trúc Hà

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao việc Công ty CP Tập đoàn Sunshine đã đấu giá thành công 2 cổ vật triều Nguyễn đang lưu lạc ở nước ngoài, đồng ý chủ trương tiếp nhận 2 cổ vật nói trên, đồng thời yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Sunshine thực hiện các thủ tục pháp lý về tiếp nhận cổ vật hiến tặng.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trải qua bao thăng trầm, nhiều cổ vật triều Nguyễn bị thất tán ra nước ngoài. Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực sưu tầm, tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, tuy nhiên, điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế, việc tham gia đấu giá và hiến tặng cổ vật cho bảo tàng của các đơn vị, cá nhân là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, hướng đến lợi ích cộng đồng. Việc làm này góp phần làm phong phú thêm kho hiện vật của bảo tàng, đa dạng hóa trưng bày, đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu, nghiên cứu ngày càng cao của du khách và nhân dân; góp phần gìn giữ, phát huy, quảng bá giá trị kho tàng di sản văn hóa dân tộc đến với công chúng.

Ngày 17-4, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, phường Phú Hậu, thành phố Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ tiếp nhận cổ vật đấu giá thành công ở nước ngoài do Công ty CP Tập đoàn Sunshine hiến tặng. Ngay sau lễ tiếp nhận, 2 cổ vật là mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn được trưng bày và thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Bà Nguyễn Thị Ba, 83 tuổi, trú tại phường Kim Long, thành phố Huế chia sẻ: “Qua báo đài, tôi biết Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã tiếp nhận chiếc mũ quan Nhất phẩm cùng chiếc áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn và mở cửa miễn phí phục vụ nhân dân địa phương, du khách tham quan đến hết ngày 17-5. Dù sức khỏe không tốt, thời gian trưng bày còn dài, nhưng tôi phải nhanh chóng đến xem. Ngắm chiếc mũ quan và chiếc áo Nhật Bình, tôi như thấy cả quá khứ ùa về. Mong rằng, qua những cổ vật này, lớp trẻ sẽ hiểu được phần nào lịch sử của triều đình Huế”.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-vat-trieu-nguyen-va-cuoc-tro-ve-co-huong-post450103.html