Có tiền án, không được làm luật sư?

Theo dự thảo sửa đổi Luật Luật sư, một số trường hợp từng bị kết án dù đã được xóa án tích cũng không được làm luật sư. Vấn đề này lại gây tranh cãi với hai luồng quan điểm trái chiều…

Theo dự thảo sửa đổi Luật Luật sư mới nhất, người “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích” thì không được hành nghề luật sư.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật) không đồng tình với hướng quy định cấm người đã từng bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, dù đã được xóa án tích làm luật sư vì “thiếu nhân văn”.

Không được cấm?

Theo ông Điện, pháp luật hình sự đã quy định người được xóa án tích thì coi như không có tiền án, coi như trong lý lịch của họ không có tì vết. Do vậy, một người đã được xóa án tích thì các nhà chức trách lẫn cả xã hội đều không được dùng tiền án đã được xóa để làm căn cứ cho bất kỳ đánh giá nào về họ.

Ông Điện cũng nhận xét quan điểm cho rằng nên cấm người từng bị kết án tham gia nghề luật sư vì đây là nghề đặc thù, đòi hỏi yêu cầu cao về mặt đạo đức… là không ổn. Bởi lẽ luật sư suy cho cùng cũng chỉ là một nghề như bao nghề nghiệp khác. Nếu áp đặt những quy tắc, tiêu chuẩn, điều kiện nào đó để xây dựng nghề luật sư như là một nghề đặc thù thì chỉ có thể áp đặt những quy tắc, tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn nghề nghiệp chứ không nên áp đặt những tiêu chuẩn về mặt đạo đức. Mọi nghề nghiệp đều phải đáp ứng yêu cầu về đạo đức, phải đứng trên một mặt bằng đạo đức chung. Không có nghề nào lại không có yêu cầu về đạo đức và cũng không có nghề nào có đạo đức hơn nghề khác. Quy định như vậy vừa vi phạm quyền con người vừa xung đột với pháp luật hình sự.

Uy tín, đạo đức là những phẩm chất cần có của luật sư khi muốn sống được bằng nghề. Trong ảnh: Luật sư đang làm nhiệm vụ tại một phiên tòa lưu động. Ảnh minh họa: HTD

Luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Nếu dự thảo sửa đổi Luật Luật sư tiếp tục khẳng định người đã được xóa án tích không được làm luật sư thì “Quốc hội cũng nên xem xét xóa bỏ chế định xóa án tích trong BLHS” bởi đó chỉ là quy định về mặt hình thức. Không thể BLHS quy định một đằng, Luật Luật sư lại quy định một nẻo. Bây giờ, Luật Luật sư cấm người đã xóa án tích được hành nghề luật sư thì sau này sẽ còn nhiều ngành nghề khác cũng sẽ làm theo như vậy. Lúc đó, sự nhân đạo trong chính sách pháp luật đối với người lầm lỡ và đã hoàn lương xem như không còn giá trị.

Nên làm nghề khác?

Đồng tình rằng chế định xóa án tích là một chế định pháp lý nhân đạo trong chính sách pháp luật hình sự của nước ta nhưng PGS-TS Nguyễn Thái Phúc (Giám đốc Học viện Tư pháp) lại có cái nhìn khác.

Theo ông Phúc, về mặt pháp lý, người đã được xóa án tích thì lý lịch của họ không có tiền án. Tuy nhiên, người hành nghề luật sư bên cạnh nghĩa vụ phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thân chủ còn có nghĩa vụ bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý. Do đó, giới luật sư phải vừa đảm bảo yêu cầu chuyên môn vừa phải đảm bảo đạo đức nghề nghiệp. Một người đã từng bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do cố ý thì dù cho được xóa án tích cũng không thể hành nghề luật sư. Họ có thể tìm một nghề khác để làm. Đây là một quy định đúng đắn, phù hợp với yêu cầu nâng cao hình ảnh, vị thế đội ngũ luật sư trong giai đoạn hiện nay.

TS Lê Tiến Châu (quyền Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại TP.HCM) cũng nhìn nhận người đã được xóa án tích thì coi như chưa can án, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân. Thế nhưng nghề luật sư là một nghề đặc thù, đòi hỏi rất cao yêu cầu về mặt đạo đức người hành nghề. Hiện nay, yêu cầu của đất nước đối với sự phát triển của đội ngũ luật sư ngày càng cao. Không những luật sư phải phát triển về số lượng mà còn phải chú trọng về chất lượng, trong đó đạo đức luật sư là một yêu cầu hết sức quan trọng. Do đó, không thể có việc người làm công việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người khác lại là một người từng bị kết án về các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. “Điều đó hoàn toàn không ổn” - ông Châu nhấn mạnh.

Bị tước thẻ luật sư vì từng phạm tội

Năm 1998, ông NMS bị TAND tỉnh Bạc Liêu phạt 12 tháng tù treo về tội nhận hối lộ. Thụ án xong, đến tháng 7-2001, ông được TAND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định xóa án tích. Tháng 3-2006, ông được kết nạp làm luật sư tập sự tại Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu. Sau thời gian tập sự, ông được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Sau khi rà soát lại, Bộ Tư pháp nhận thấy trường hợp phạm tội của ông S. thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng nên không đủ điều kiện để cấp thẻ. Do vậy, tháng 4-2009, Bộ Tư pháp đã ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông S.

Không đồng ý, tháng 2-2010, ông S. khởi kiện Bộ Tư pháp ra Tòa Hành chính TAND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu hủy quyết định thu hồi thẻ và bồi thường gần 125 triệu đồng. Tuy nhiên, cả hai cấp xét xử sơ, phúc thẩm đều bác mọi yêu cầu của ông S.

Luật sư cần nhất là uy tín

Luật sư muốn sống được bằng nghề của mình thì cần nhất là uy tín. Một người phạm tội dù đã được xóa án tích thì nhân thân cũng không còn trong sạch, uy tín sẽ bị ảnh hưởng. Nếu một người đã từng phạm tội mà hành nghề luật sư thì chắc chắn sẽ ít khách hàng, đồng thời chính họ sẽ hạ thấp uy tín của giới luật sư nếu được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Dù phạm tội do lỗi cố ý hay vô ý nhưng người ta vẫn có quyền nghi ngờ về đạo đức của người đó. Vì vậy, khi đã phạm tội thì tốt hơn hết nên chọn nghề khác để làm thì sẽ tốt hơn cho cả đôi bên.

Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư
tỉnh Bình Thuận

Phải lựa chọn người phù hợp

Nghề luật sư là nghề đặc biệt, để đảm bảo chất lượng cũng như uy tín của đội ngũ luật sư thì nên quy định như dự thảo. Luật Luật sư không hề phủ nhận BLHS mà đây chỉ là điều kiện cần khi muốn được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Nếu đủ điều kiện thì anh được cấp, còn không đủ thì thôi. Ngành nghề nào cũng có thể đặt ra điều kiện lựa chọn những người phù hợp đứng vào đội ngũ của mình.

Luật sư HOÀNG KIM VINH, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư
tỉnh Bình Phước

Cấm là đúng

Người đã từng phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý làm sao có thể như người dân sống lương thiện chưa từng phạm tội được? Đây là vấn đề mà Luật Luật sư cũng như dự thảo sửa đổi Luật Luật sư đặt ra vì yêu cầu về đạo đức đối với người hành nghề luật sư tương đối cao. Tôi đồng thuận với quan điểm của ban soạn thảo dự thảo.

Thẩm phán LÊ HOÀNG NGỌC HẢI, TAND quận Gò Vấp (TP.HCM )

HỒNG TÚ - TIẾN HIỂU

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20120417112834114p0c1063/co-tien-an-khong-duoc-lam-luat-su.htm