Có thể tổn thương não nếu dùng chung đơn thuốc tiểu đường

Điều trị tiểu đường là vấn đề hết sức phức tạp vì bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm. Thêm vào đó, thói quen dùng chung đơn thuốc của người bệnh là một sai lầm khiến bệnh có thể diễn biến phức tạp. Thời gian đầu, biểu hiện bệnh có thể giảm, nhưng bệnh vẫn còn và âm thầm gây ra biến chứng hoặc tác dụng phụ mà người bệnh không cảm nhận ngay được.

Khi bệnh nhân tự làm… bác sĩ

Bệnh đái tháo đường là một rối loạn mạn tính, có những thuộc tính sau: tăng glucose máu; kết hợp với những bất thường về chuyển hóa carbohydrat, lipid và protein; bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch do hậu quả của xơ vữa động mạch.

Theo nghiên cứu gần đây, ở Việt Nam tỷ lệ người bệnh tiểu đường chiếm khoảng 6% dân số, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000 và tăng nhanh hơn mức trung bình thế giới. Độ tuổi bị bệnh tiểu đường cũng đang dần trẻ hóa. Ngày càng có nhiều trẻ em ở độ tuổi 13 – 15 đã bị tiểu đường trong khi đó bệnh thường xuất hiện ở những người trên 45 tuổi. Nói về vấn đề này, GS Thái Hồng Quang (Chủ tịch hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam) cho rằng không thể xem thường bệnh đáo tháo đường (tiểu đường) được nữa.

Trong khi bệnh tiểu đường có dấu hiệu gia tăng thì thói quen sử dụng thuốc bừa bãi của phần lớn người dân Việt Nam là một trong số nguyên nhân khiến bệnh trở nên khó kiểm soát và để lại những di chứng, biến chứng nguy hiểm. Không riêng gì bệnh tiểu đường, thói quen tự mua thuốc không cần đi bệnh viện, mua thuốc nhờ gợi ý của Google, sự “mách nước” của các chị em trên diễn đàn mạng xã hội… thậm chí dùng chung đơn thuốc của người khác để chữa bệnh đã tạo ra nhiều trường hợp nguy kịch, khi vào viện cũng đã muộn.

PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Khoa Diệu Vân

PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Khoa Diệu Vân (Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường) cho biết: “Chúng ta phải nhớ rằng mỗi cơ thể, mỗi con người đều khác nhau về bệnh tật, cơ địa, khả năng đề kháng, thời gian bị bệnh cũng như các bệnh lý đi kèm. Vì thế không nên sử dụng những đơn thuốc chữa tiểu đường của người này cho người khác, hoặc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc”.

Mỗi đơn thuốc chỉ được dành cho một cá nhân trong thời điểm cụ thể. Hai người khác nhau dùng chung một đơn thuốc, kể cả việc người bệnh tự dùng lại đơn thuốc của mình sẽ không có hiệu quả, thậm chí còn gây nguy hiểm. Bác sĩ lấy ví dụ, một người mới mắc bệnh tiểu đường, có bệnh lý liên quan đến suy chức năng thận nhưng không biết, không sử dụng đúng thuốc sẽ khiến suy thận nặng lên.

Nếu người mới phát hiện ra bệnh tiểu đường dùng đơn thuốc của người bệnh khác (vợ, chồng, anh, chị, em trong nhà, người quen…) có thể dẫn đến 2 hệ lụy. “Nếu thuốc không đủ, đường máu không thể kiểm soát được. Nếu thuốc quá liều có thể khiến người bệnh bị hạ đường huyết, không phát hiện kịp thời có thể gây ra những biến chứng hoặc di chứng nặng nề như: tổn thương não không hồi phục” – bác sĩ Nguyễn Khoa Diệu Vân nói.

Trường hợp biến chứng có diễn biến phức tạp do đường máu tăng cao nếu không được phát hiện kịp thời, người bệnh còn có thể tử vong.

Cách xử lý tốt nhất với những người mới mắc bệnh tiểu đường là gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra tổng thể. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đường máu, có biến chứng hoặc bệnh lý đi kèm hay không để trao đổi, đưa ra mục tiêu điều trị cụ thể cho người bệnh. Sau cùng, bác sĩ mới bắt đầu soạn đơn thuốc điều trị phù hợp với cơ thể bệnh nhân.

Những yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường

Có rất nhiều yếu tố gây ra bệnh tiểu đường. Có thể là gen di truyền, liên quan đến yếu tố gia đình trực hệ, nghĩa là trong gia đình có nhiều người bị tiểu đường thì bản thân mình có nguy cơ cao mắc bệnh.

Nếu không phải yếu tố phả hệ, thì cần chú ý kiểm soát những vấn đề sau: chế độ ăn quá nhiều, thừa cân, béo phì, ít luyện tập thể dục thể thao, stress vì công việc hoặc gia đình. Khi các yếu tố này cùng tác động đều có thể làm đái tháo đường đến sớm hơn.

Cụ thể, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thừa cân là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường tuýp 2 vì các mô mỡ nhiều khiến tế bào trở nên đề kháng với insulin. Trong khi đó, insulin có tác dụng duy trì lượng đường glucose trong máu ở phạm vi an toàn nhất định.

Những người ít vận động, béo bụng, nghiện rượu bia cũng có khả năng cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ, lâu dần thành ra kháng ensulin dẫn đến tiểu đường tuýp 2.

Phụ nữ ở tuổi ngoài 50, sau khi mãn kinh không có yếu tố nội tiết bảo vệ, nguy cơ tăng cân, mập phì cũng có thể dẫn tới bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học ở trường Đại học Buffalo (New York, Mỹ) chỉ ra rằng ngủ ít cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Theo đó, những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có lượng đường trong máu cao khác thường, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 4-5 lần so với người ngủ đủ giấc. Nghiên cứu được tiến hành trên quy mô lớn, kéo dài 6 năm. Các nhà khoa học ở Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật của Mỹ cũng khuyến cáo người trưởng thành cần ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm để đảm bảo sức khỏe.

Phòng tránh

Chế độ ăn uống hợp lý giúp phòng tránh bệnh tiểu đường

Thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý, hoạt động thể chất điều độ có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường cũng như các biến chứng nghiêm trọng ở người đang bị bệnh.

Về chế độ ăn nên giảm chất béo, tăng cường rau, chất xơ (ít nhất trong mỗi bữa ăn có 14gr chất xơ) để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Đặc biệt, với những người sống trong gia đình có nhiều người bị bệnh tiểu đường thì nguy cơ mắc bệnh cũng rất cao, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2. Do đó, người bệnh cần có biện pháp tầm soát chặt chẽ. “Đối với phụ nữ khi mang thai, bắt buộc phải tầm soát tiểu đường thai kỳ. Những người bị tiểu đường thai kỳ hoặc nam giới ngoài 45 tuổi nên tầm soát mỗi năm 1 lần để có thể can thiệp, điều trị bệnh kịp thời” – bác sĩ Vân đưa ra lời khuyên.

Bên cạnh đó, mỗi người cần nhận thức rõ vai trò của khám sức khỏe định kỳ, điều này không chỉ giúp sớm phát hiện ra bệnh tiểu đường mà còn nhiều bệnh khác. Để tầm soát bệnh tiểu đường tốt nhất nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa. Nói về xét nghiệm máu để tìm ra bệnh tiểu đường, bác sĩ Vân cho rằng nhiều khi không cho kết quả rõ lắm. Bà nói: “Đa phần khi làm xét nghiệm máu, lượng đường máu đo được lúc đói có thể nằm trong giới hạn bình thường. Nhưng những bác sĩ chuyên khoa có thể nhìn ra những rối loạn, trên cơ sở đó sớm phát hiện và phòng ngừa khả năng tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường. Nếu là tiền đái tháo đường, việc điều trị đơn giản hơn rất nhiều, đặc biệt nếu phát hiện muộn thì có thể có nhiều biến chứng kèm theo”.

Người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để có những bữa ăn phù hợp, đảm bảo sức khỏe để phòng và điều trị bệnh tiểu đường.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/co-the-ton-thuong-nao-neu-dung-chung-don-thuoc-tieu-duong