Có thể thành lập các 'đội đặc nhiệm' để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gợi ý các địa phương có thể thành lập các 'đội đặc nhiệm'; thuê tư vấn với một số dự án cá biệt; thông báo những 'địa chỉ' rõ ràng để cấp dưới có thể tham vấn khi gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chiều 4/8, tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Phó Thủ tướng biểu dương nỗ lực của vùng ĐBSCL đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước trên cả 3 chương trình.

Các địa phương trong vùng đã phân bổ 99,5% kế hoạch được giao

Theo Bộ KH&ĐT, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giai đoạn 2021-2025, Trung ương đã giao và 12/13 địa phương vùng ĐBSCL (trừ TP. Cần Thơ) đã hoàn thành phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình MTQG là hơn 9.741 tỷ đồng, chiếm 5% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023, Trung ương đã giao hơn 2.413 tỷ đồng, đến nay các địa phương trong vùng đã phân bổ 99,5% kế hoạch được giao. Còn 2 tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp chưa phân bổ chi tiết khoảng 10,21 tỷ đồng. Năm 2023, các địa phương đã bố trí khoảng hơn 2.383 tỷ đồng.

Về kết quả giải ngân 7 tháng năm 2023, tính đến ngày 31/7, các địa phương đã giải ngân được 44% nguồn vốn ngân sách Trung ương, trong đó cao nhất là Hậu Giang (88%), Vĩnh Long (73%), Sóc Trăng (62%), Bến Tre (62%), Tiền Giang (62%).

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tốc độ giải ngân chậm nhất, mới đạt 23% kế hoạch giao năm 2023. Trong đó, Bạc Liêu, Trà Vinh có tỉ lệ giải ngân 0%, An Giang có tỷ lệ giải ngân 2%. Trong khi đó, các địa phương, như Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau đã ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, trong khi Long An, Tiền Giang, An Giang chưa ban hành đẩy đủ số lượng văn bản hướng dẫn.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong quản lý, tổ chức, thực hiện các chương trình MTQG: Năng lực tổ chức triển khai ở cấp xã chưa đồng đều; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, sâu sát; cán bộ tham mưu, phụ trách thực hiện các chương trình ở cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm nhiều việc…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, có địa phương đã điều chuyển phó giám đốc sở KH&ĐT sang công tác tại Ban Dân tộc của tỉnh để phụ trách việc thực hiện Chương MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trung ương đã ghi nhận và xử lý 339 vướng mắc

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, trong thời gian qua, Trung ương đã ghi nhận và xử lý 339 vướng mắc trong thực hiện các chương trình MTQG, tuy nhiên, quá trình thực hiện tiếp theo có thể còn nhiều vướng mắc, do đó các cơ quan Trung ương cần tiếp tục ghi nhận để có hướng xử lý, đồng thời phải tiếp tục giữ kết nối, phối hợp tốt hơn để trả lời các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến.

Phó Thủ tướng đặc biệt yêu cầu trước ngày 15/8, các bộ, ngành phải hoàn thành ban hành các văn bản còn nợ, trong đó Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, ban hành Thông tư sửa đổi 3 Thông tư số 15/2022/TT-BTC, số 46/2022/TT-BTC, số 53/2022/TT-BTC về kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 chương trình MTQG bảo đảm tích hợp nội dung, tránh dẫn chiếu sang nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

"Đặc biệt, trong năm 2023, các địa phương phải giải ngân hết toàn bộ số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 kéo dài sang năm 2023", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các địa phương chưa có cán bộ làm công tác dân tộc tại cấp huyện, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương này có chính sách điều động, biệt phái cán bộ đảm nhiệm công tác trên do Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện theo nguyên tắc phân cấp tối đa, đến tận cấp xã.

Phó Thủ tướng gợi ý các địa phương có thể thành lập các "đội đặc nhiệm"; thuê tư vấn với một số dự án cá biệt; thông báo những "địa chỉ" rõ ràng để cấp dưới có thể tham vấn khi gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai; xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết cho từng chương trình MTQG.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-the-thanh-lap-cac-doi-dac-nhiem-de-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post259098.html