Có thể chữa khỏi HIV không?

Hội nghị khoa học ANRS – MIE với chủ đề 'Hướng tới đẩy lùi dịch bệnh ở Việt Nam' vừa được tổ chức tại Hải Phòng, trong bối cảnh kỷ niệm 40 năm phát hiện ra HIV và 50 năm hợp tác giữa Pháp và Việt Nam…

Hôi nghị do Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Cơ quan Nghiên cứu HIV/AIDS, Viêm gan siêu vi và các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Cộng hòa Pháp (ANRS-MIE) và Đại học Y dược Hải Phòng tổ chức, nhằm cập nhật tiến độ, chia sẻ những kết quả mới nhất của các nghiên cứu về HIV/AIDS, virus viêm gan, các bệnh truyền nhiễm mới nổi… và định hướng nghiên cứu về các lĩnh vực này trong thời gian tới. GS. Sharon Lewin, Giám đốc Hiệp hội AIDS Quốc tế (IAS) và GS. Françoise Barré-Sinoussi, người phát hiện ra HIV năm 1983, được trao giải Nobel về Sinh lý học và Y học năm 2008, đã tham dự hội nghị.

1. Thuốc phòng ngừa HIV là rất quan trọng

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống về công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, GS. Sharon Lewin cho biết, ấn tượng của tôi là HIV đang trải qua những thay đổi lớn ở Việt Nam, có những thành công nhưng cũng có những thách thức. Thành công rõ ràng và đáng kinh ngạc là loại bỏ được sự lây truyền ở người tiêm chích ma túy. Nhưng thách thức hiện nay là dịch HIV lại gia tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây là mối lo ngại lớn, vì kéo theo đó là các bệnh khác và khi bùng phát sẽ khó kiểm soát. Vì vậy, tôi nghĩ bây giờ thuốc phòng ngừa là rất quan trọng.

Việt Nam cũng đã làm rất tốt công tác điều trị phòng ngừa, can thiệp có mục tiêu rất cụ thể cho từng đối tượng như tiêm chích ma túy, MSM và người chuyển giới…

Việc triển khai xét nghiệm thực sự dễ dàng, dễ tiếp cận và miễn phí khi được tích hợp trong chiến dịch cộng đồng chỉ dành cho MSM. Sau khi mọi người xét nghiệm, nếu âm tính sẽ được tư vấn tiếp cận điều trị PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm), nếu dương tính sẽ được kết nối điều trị ARV.

Bên cạnh đó, các biện pháp can thiệp giảm kỳ thị cũng rất quan trọng để có thể hướng tới chấm dứt đại dịch trong tương lai.

2. Có thể chữa khỏi HIV không?

Tại Hội nghị, GS. Sharon Lewin đã có bài trình bày về vấn đề ‘Hướng tới chữa khỏi HIV - Điều gì đang xảy ra trong các thử nghiệm lâm sàng gần đây’. Bài trình bày cũng đưa ra các thử nghiệm lâm sàng, kết hợp điều trị HIV và những yếu tố cần xem xét cho Việt Nam. Theo đó, mục tiêu tổng thể của các chiến lược chữa trị bao gồm:

Kết hợp điều trị miễn dịch (các phương pháp điều trị miễn dịch đang được nghiên cứu để chữa trị HIV).
Kháng thể phổ rộng
Phong tỏa điểm kiểm soát miễn dịch
Liệu pháp gen.

GS. Sharon Lewin đã có bài trình bày về vấn đề ‘Hướng tới chữa khỏi HIV - Điều gì đang xảy ra trong các thử nghiệm lâm sàng gần đây’

Bằng chứng gần đây cho thấy, liệu pháp gen có thể tạo ra phương pháp chữa trị, biện pháp can thiệp mới mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ là có thể, nhưng giờ đây lại có thể thực hiện được. Một số phát hiện thú vị từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy, chúng ta có thể điều khiển hệ thống miễn dịch trong một số trường hợp trong phòng thí nghiệm kiểm soát.

Nghiên cứu về việc chữa trị HIV và những yếu tố cần xem xét cho Việt Nam, GS. Sharon Lewin cho biết, những người sống chung với HIV rất quan tâm đến việc tìm hiểu tiến trình chữa trị HIV. Điều này mang lại cho mọi người hy vọng và cũng có thể là động lực để thử nghiệm. Việc hiểu rõ những gì đang diễn ra là quan trọng để đối phó với thông tin sai lệch.

Các nghiên cứu quan sát vẫn rất quan trọng trong việc hiểu về "ổ chứa" HIV tiềm ẩn. Những nghiên cứu này giúp nhà khoa học có cái nhìn tổng quan về các khía cạnh của "ổ chứa" tiềm ẩn, ví dụ như đặc điểm của "ổ chứa" theo từng loại AE, tác động của các bệnh kèm theo phổ biến như viêm gan B và lao, tác động của giới tính và hormone và một số khía cạnh khác.

Ngoài ra, các nghiên cứu can thiệp cũng được tiến hành ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) như Thái Lan, Nam Phi và Botswana. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng yêu cầu sự tham gia chặt chẽ và cộng tác với cộng đồng để đảm bảo thông tin được truyền tải đồng nhất.

Nhiều báo cáo trường hợp về việc chữa khỏi HIV sau khi ghép tế bào gốc từ người hiến tặng âm tính CCR5 và cả từ người hiến tủy mang định danh loại hoang dã. Các con đường chữa bệnh khác bao gồm kiểm soát sau điều trị và một số ít cá nhân có thể loại bỏ tất cả virus nguyên vẹn.

Các nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch kết hợp giai đoạn 2 đang được tiến hành, với một số nghiên cứu sử dụng kháng thể trong khi có virus trong máu cho thấy, khả năng kiểm soát virus ở một nhóm nhỏ người tham gia. Nghiên cứu đầu tiên về thuốc kháng PD1 liều thấp cho thấy có thể kiểm soát virus khi không dùng ART và kiểm soát được các tác dụng phụ. Liệu pháp gen có nhiều ứng dụng trong điều trị HIV. Cung cấp liệu pháp gen in vivo có nghĩa là có nhiều lựa chọn hơn để thực hiện.

GS. Sharon Lewin cho rằng, những người sống chung với HIV nên hy vọng. Chúng ta vẫn chưa thể chữa khỏi HIV, nhưng hiện đang có rất nhiều người, nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu và một số lĩnh vực cho kết quả đầy hứa hẹn. Việc nâng cao hiểu biết và sự tham gia của cộng đồng hiện nay là rất quan trọng để đảm bảo triển khai nhanh chóng bất kỳ sản phẩm nào trong tương lai.

3. Phát triển vaccine và thuốc điều trị HIV

GS. Francoise Barré Sinoussi - người phát hiện ra HIV (phải).

Về tính khả thi của vaccine và thuốc chữa khỏi HIV, GS. Françoise Barré-Sinoussi, người phát hiện ra HIV cho rằng, đối với vaccine, ngày càng có nhiều dữ liệu để chúng tôi đánh giá hiệu quả của kháng thể trong một sự kết hợp kháng thể cụ thể. Chúng tôi cần khoa học cơ bản và miễn dịch học để hiểu cách tạo ra nó, và bây giờ chúng tôi đang phát triển chiến lược mới về vaccine và tôi chắc chắn một ngày nào đó sẽ thành công.

Để chữa khỏi HIV, chúng ta cũng cần hiểu rõ hơn về sự tồn tại dai dẳng của virus trong cơ thể và đang đạt được tiến bộ trong việc chống lại nó.

Về việc có thể đưa các loại thuốc mới, liệu pháp mới vào thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, GS. Françoise Barré-Sinoussi cho biết, chúng tôi rất cởi mở. Quyết định liên quan đến dân số luôn được đưa ra ngay từ đầu. Ở Việt Nam dựa trên các ưu tiên, và nếu các đồng nghiệp của chúng tôi ở Việt Nam nghĩ rằng có những ưu tiên trong lĩnh vực này thì chúng tôi rất cởi mở.

Khuyến nghị cho các hoạt động kiểm soát HIV ở Việt Nam, GS. Françoise Barré-Sinoussi cho rằng, cần phải chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Nghiên cứu các loại thuốc tác dụng kéo dài để điều trị cũng như PrEP, để tiếp cận tới nhóm đối tượng nhiễm bệnh chính…

Cảnh báo tình hình dịch HIV hiện nay | SKĐS

Thu Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-the-chua-khoi-hiv-khong-169231117190620132.htm