Có sợ trùng lặp Quốc hoa?

Những ý kiến của các chuyên gia trong hội thảo về Quốc hoa do Bộ Văn hóa TT&DL vừa tổ chức và kết quả điều tra dư luận từ nhiều nguồn cho thấy, hoa sen được nhiều người chọn làm Quốc hoa cho Việt Nam vì đáp ứng được khá nhiều tiêu chí xét chọn. Nhưng việc đưa hoa sen lên ngôi còn gặp khó khăn do vấp phải những quan niệm cảm tính về Quốc hoa.

Hoa sen - ứng cử viên số một của Quốc hoa Hoa sen có mặt trên khắp trái đất từ hàng triệu năm trước, không phải là loài hoa thuần Việt nhưng hoa sen lại đáp ứng được nhiều điểm cơ bản trong tiêu chí Quốc hoa. Hoa sen có mặt khắp nơi trên đất nước, in dấu trong kiến trúc của người Việt từ hàng ngàn năm nay, bắt rễ sâu trong đời sống văn học nghệ thuật dân gian và bác học. Trong thực tế, hoa sen đã đi vào tình cảm văn hóa của cộng đồng, trở thành một biểu trưng văn hóa trong chiều sâu tâm thức Việt, gắn liền với những giá trị đạo đức, nhân văn và thẩm mỹ đầy thanh cao, tinh khiết mà người Việt tôn thờ, ca tụng bao đời nay. Hoa sen đã đi vào ca dao của người Việt và là loài hoa có vẻ đẹp giản dị. Hoa cau rất riêng, gắn với sự tích Trầu cau và tập tục nhai trầu rất Việt Nam, hương hoa cau gần gũi, nồng nàn và tinh tế, nhưng lại không đẹp và quá nhỏ, không thể hiện được sức mạnh tiềm ẩn của con người Việt Nam. Hoa trà to hơn, đẹp hơn và cũng khá phổ biến ở nước ta, nhưng có vẻ nặng về khía cạnh tao nhàn ẩm thực. Hoa ban có thể không đâu có ngoài Việt Nam, lại gắn với chiến thắng Điện Biên lẫy lừng thế giới, nhưng lại không phổ biến ở miền xuôi. Hoa súng cũng khá phổ biến, có những nét đẹp gần gũi, giản dị, nhẹ nhàng và tinh khiết như hoa sen, nhưng cũng đã trở thành Quốc hoa của Đan Mạch và Băngladet. Hoa mai chỉ phổ biến ở phương Nam, lại cũng là Quốc hoa của Đài Loan. Hoa gạo thể hiện sự khỏe khoắn, cởi mở, chân tình của con người Việt, sự bền bỉ dẻo dai trước mưa giông gió bão, nhưng chỉ thấy ở các tỉnh thành phía Bắc. Hoa đào cũng bắt rễ khá sâu trong tâm thức văn hóa Việt, nhưng có phần yếu ớt, mỏng manh và cũng không phổ biến ở miền Nam. Nhìn đi nhìn lại, khó có loài hoa nào cạnh tranh nổi với hoa sen trong vị trí ứng cử viên số một của Quốc hoa. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn cho rằng hoa sen trắng đã được Ấn Độ chọn làm Quốc hoa, vậy Việt Nam có nên chọn làm biểu trưng văn hóa của mình không? Sự trùng lặp Quốc hoa trên thế giới Trên thế giới có nhiều nước chọn cùng một loại hoa làm Quốc hoa. Trùng lặp nhiều nhất là hoa lan và hoa hồng, có đến 9 - 10 nước “đụng hàng”. Các nước Anh, Arập Saudi, Syria, Bungaria, Bồ Đào Nha, Iraq, Iran, Rumania, Luxembourg, Maroc đều chọn hoa hồng. Các nước Phần Lan, Panama, Bắc Triều Tiên, Costa Rica, Singapore, Brazil, Colombia, Fiji cùng chọn hoa lan. Hàn Quốc, Malaysia và Sudan cùng chọn hoa dâm bụt, Pakistan và Philippines cùng chọn hoa nhài, Haiti và Cote d’Ivoire cùng chọn hoa dừa... Vì thế, nếu Việt Nam cũng chọn hoa sen làm Quốc hoa như Srilanca và Ấn Độ thì cũng không có gì đặc biệt đáng ngại ngùng. Sự trùng lặp Quốc hoa có nhiều lý do lịch sử và văn hóa, nhưng chắc chắn một điều là các quốc gia khác nhau đã đem đến những nội dung và sắc thái khác nhau cho cùng một loài hoa. Những bông hoa ngoài đời có thể giống nhau về cả hương lẫn sắc, nhưng những bông hoa trong tư cách biểu trưng văn hóa của một cộng đồng thì lại khác xa nhau. Vì khi thể hiện một biểu trưng văn hóa, mỗi quốc gia sẽ có dấu ấn vào hình tượng bông hoa những bản sắc riêng qua cách giản lược hóa để thể hiện chúng như những logo, qua những nghi thức văn hóa đưa hoa vào giao lưu quốc tế, qua những phẩm hạnh của hoa được người ta tôn vinh nhấn mạnh và qua cách biến hoa thành Đại sứ văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay, chúng ta đang băn khoăn muốn chọn Quốc hoa là một loài hoa có ngay đầy đủ những phẩm chất và những uy tín mang tính tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam như hoa tuylip với Hà Lan, hoa hồng với Bungari, hoa anh đào với Nhật Bản. Nhưng để Quốc hoa có được những ấn tượng như thế, không phải chỉ chọn lựa đúng là có được. Dù chọn hoa sen hay hoa nào làm Quốc hoa thì cũng phải có thời gian xây dựng hình ảnh cho nó, nạp những năng lượng văn hóa dân tộc cho Quốc hoa, để đến một ngày kia nhìn thấy hoa sen là người ta nghĩ đến Việt Nam. Nếu không thấy có hoa nào xứng đáng hơn, hãy cứ chọn hoa sen và bồi đắp cho nó ngày càng trở thành loài hoa Việt. Đó là cách đem năng lượng văn hóa dân tộc nạp vào hoa, để đến một ngày kia, tâm hồn Việt Nam trở thành chủ nhân ngự trị trên những cỏ cây hoa lá trên thế giới. Đó chính là hội nhập văn hóa, là nỗ lực tỏa hương trên khắp thế gian. Phúc Tú

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20100624085217771p0c15/co-so-trung-lap-quoc-hoa.htm