Cơ sở sản xuất mì ăn liền có cần chứng nhận an toàn thực phẩm?

Công ty bà Phạm Thị Hòa (TPHCM) sản xuất mì ăn liền, áp dụng tiêu chuẩn của Giấy chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Hàng năm, công ty đều được đánh giá lại và gia hạn Giấy chứng nhận.

Bà Hòa hỏi, theo Điều 24 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP thì các Mục 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Chương VI của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP không bắt buộc áp dụng cho công ty có Giấy chứng nhận HACCP như công ty sản xuất mì ăn liền, mà chỉ áp dụng cho các công ty có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có đúng không?

Ngoài ra, các tiêu chuẩn HACCP và ISO, BRC công ty sản xuất mì ăn liền đang áp dụng thường nghiêm ngặt hơn so với các quy định của Luật, Nghị định, Thông tư.

Vậy, nếu có bất kỳ nội dung nào trong các tiêu chuẩn HACCP (hoặc ISO, BRC) mà công ty sản xuất mì ăn liền đang áp dụng không quy định, hoặc quy định không rõ ràng như Mục 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Chương VI của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP (ví dụ như tách riêng biệt kho nguyên liệu, kho thành phẩm, kho bao bì), thì công ty có bắt buộc phải đáp ứng các quy định tương ứng tại Mục 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Chương VI của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP không?

Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:

Điểm k Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định đối với cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

"Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận:

- Thực hành sản xuất tốt (GMP);

- Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP);

- Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000;

- Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS);

- Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC);

- Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực".

Vì vậy, trong trường hợp đơn vị sản xuất thực phẩm đã có Giấy chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) thì thuộc diện không cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, đơn vị phải tuân thủ theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Trong trường hợp đơn vị thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đơn vị thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/co-so-san-xuat-mi-an-lien-co-can-chung-nhan-an-toan-thuc-pham-102240412103414403.htm