Cơ sở giáo dục tăng cường biện pháp hạ thấp tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Bến Tre vừa có văn bản gửi các phòng GD&ĐT về việc tăng cường các biện pháp hạ thấp tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì.

Theo văn bản này, các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn đã tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ qua việc cân đo, khám sức khỏe đầu năm học. Theo báo cáo từ các huyện, thành phố, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các thể tương đối thấp (thể nhẹ cân 3,8%; thể thấp còi 2,45%). Tuy nhiên, trẻ thừa cân có xu hướng gia tăng với tỷ lệ cao (4,66%), có khả năng dẫn đến tình trạng trẻ béo phì nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời.

Để trẻ được phát triển một cách hài hòa, cân đối theo độ tuổi, hạn chế tình trạng trẻ thừa cân, béo phì, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở GDMN làm tốt công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh về tác hại việc thừa cân, béo phì trong sự phát triển của trẻ độ tuổi mầm non. Phối hợp với y tế địa phương tổ chức các chuyên đề, hội thảo về phòng chống trẻ thừa cân, béo phì theo điều kiện của đơn vị.

Quản lý, theo dõi sát đối với trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân, trẻ có dấu hiệu béo phì. Thường xuyên báo cho phụ huynh về tình hình cân nặng, sức khỏe và sự tham gia vào các hoạt động của trẻ tại trường mầm non, đồng thời có kế hoạch tư vấn, phối hợp với cha mẹ trẻ tăng cường các biện pháp hạn chế tốc độ tăng cân của trẻ thừa cân, béo phì.

Các cơ sở GDMN rà soát lại tình hình dinh dưỡng trong tổ chức bữa ăn cho trẻ. Căn cứ vào mục tiêu trong Chương trình giáo dục mầm non để tổ chức số bữa ăn hợp lý, xây dựng chế độ ăn, khẩu phần ăn phù hợp với độ tuổi theo nhu cầu khuyến nghị về năng lượng tại các cơ sở GDMN/ngày/trẻ.

Đảm bảo đúng và đủ tỷ lệ năng lượng cung cấp tại trường, tỷ lệ năng lượng giữa bữa ăn chính và bữa phụ. Thông báo rõ với phụ huynh về tỷ lệ năng lượng đã cung cấp tại trường và tỷ lệ năng lượng cần cung cấp tại gia đình để tránh trường hợp cung cấp thừa hoặc thiếu năng lượng trong ngày cho trẻ.

Đối với những nơi chưa tổ chức bán trú, nhà trường phối hợp với trạm y tế, Hội Phụ nữ địa phương tổ chức nhóm trẻ gia đình (tháng/lần). Qua đó tuyên truyền về kiến thức nuôi dạy con theo khoa học, lưu ý các nội dung về dinh dưỡng hợp lý cho trẻ theo từng độ tuổi.

Trong quá trình thực hiện các biện pháp hạn chế trẻ thừa cân, béo phì, tuyệt đối không bắt trẻ nhịn ăn hoặc cắt giảm bớt khẩu phần của trẻ. Chỉ nên giảm năng lượng bằng cách xây dựng khẩu phần ăn riêng cho trẻ phù hợp với chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ thừa cân, béo phì. Phải đảm bảo cung cấp đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất cho trẻ.

Tăng cường tổ chức các hoạt động vận động bằng nhiều hình thức. Lưu ý tính vừa sức trong quá trình cho trẻ vận động. Lồng ghép với chuyên đề phát triển vận động, xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt việc tạo môi trường giáo dục bên trong và bên ngoài nhóm, lớp để trẻ có thể tham gia mọi lúc, mọi nơi…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/co-so-giao-duc-tang-cuong-bien-phap-ha-thap-ty-le-tre-thua-can-beo-phi-2462140-v.html