Cơ sở đào tạo đầu tiên yêu cầu không mua, bán kết quả nghiên cứu khoa học

Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở đào tạo đầu tiên của cả nước yêu cầu không mua, bán kết quả nghiên cứu khoa học dưới mọi hình thức.

Sinh viên Khoa Cơ điện tử , Đại học Bách khoa Hà Nội cùng sản phẩm Robot Nao. Ảnh: Website nhà trường.

Sinh viên Khoa Cơ điện tử , Đại học Bách khoa Hà Nội cùng sản phẩm Robot Nao. Ảnh: Website nhà trường.

Đại học Bách khoa Hà Nội ban hành quy định về liêm chính học thuật đối với toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, người học.

Quy định này áp dụng đối với toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, người học, các đơn vị thuộc và trực thuộc trong toàn đại học, cùng các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo và học thuật khác với Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội yêu cầu toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, người học tôn trọng ý tưởng của người khác; không sao chép, biến ý tưởng của người khác thành ý tưởng, đề xuất của mình.

Tuân thủ nguyên tắc trong tuyển chọn/giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật và quy định của Đại học. Không sử dụng đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) đã được phê duyệt ở nơi này để tham gia tuyển chọn, nhận tài trợ ở nơi khác.

Đồng thời, không sử dụng quyền lực, mối quan hệ hay vật chất để tác động vào việc tuyển chọn, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh; hoặc tác động nhằm có lợi cho mình hay người khác trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học không đúng với quy định quản lý và thông lệ khoa học. Không bịa đặt, ngụy tạo đối tượng nghiên cứu, dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ - lý lịch khoa học.

Quy định cũng yêu cầu toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, người học tôn trọng bản quyền, quyền tác giả, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ; thực hiện trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo chính xác, rõ ràng, minh bạch; tuân thủ triệt để tỷ lệ được phép trích dẫn tối đa theo từng đề tài/nhiệm vụ/ lĩnh vực theo quy định.

Bên cạnh đó, trung thực, minh bạch trong thực hiện nghiên cứu, công bố kết quả nghiên cứu; đánh giá công bằng, kịp thời, có trách nhiệm và bảo mật thông tin đối với các công trình nghiên cứu của người khác. Có trách nhiệm tự tạo ra hoặc phối hợp với các tác giả khác tạo ra các sản phẩm học thuật hoàn thiện, chất lượng. Trung thực trong công bố các thông tin.

Đại học Bách khoa Hà Nội nghiêm cấm các hành vi đạo văn, tự đạo văn, bao gồm và không giới hạn bởi các hành vi:

Thứ nhất, sao chép nguyên văn (giống hệt về mặt từ ngữ, hình ảnh, đồ thị, câu chữ…) trình bày hoặc dịch đoạn văn hay ý tưởng của người khác/của bản thân ở sản phẩm học thuật đã công bố trước đó mà không có trích dẫn nguồn một cách trung thực và đầy đủ.

Thứ hai, sao chép một phần, thay đổi từ ngữ, di chuyển từ hoặc cụm từ, ý tưởng của người khác/của bản thân ở sản phẩm đào tạo đã công bố trước đó như tiểu luận, đồ án, luận văn, luận án mà không trích dẫn nguồn một cách trung thực và đầy đủ.

Thứ ba, trích dẫn nguồn không chính xác, không đầy đủ trong phần “Tài liệu tham khảo”.

Thứ tư, sử dụng toàn bộ hay một phần bài viết, thiết kế, biểu đồ, dữ liệu nghiên cứu của người khác/của bản thân ở sản phẩm học thuật đã công bố trước đó mà không nêu rõ nguồn.

Thứ năm, sử dụng, công bố sản phẩm do thuê hoặc nhờ người khác thực hiện dưới tên mình, bao gồm cả các hành vi được đề cập phía trên.

Quy định về liêm chính học thuật của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng yêu cầu toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, người học không tự ý đưa tên người khác, không giả mạo chữ ký người khác trong danh sách thành viên nghiên cứu, hồ sơ đề tài, nhiệm vụ KHCN, không đưa tên người không có liên quan vào danh sách thành viên nghiên cứu.

Đặc biệt, quy định nêu rõ, không mua, bán kết quả nghiên cứu khoa học dưới mọi hình thức.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-so-dao-tao-dau-tien-yeu-cau-khong-mua-ban-ket-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-post672181.html