Có quyền là có lý

Tòa án bang Bavaria, một trong 16 bang của nước Đức vừa có phán xử về một vụ việc được dư luận rất lưu tâm vì phán quyết có tác dụng định hướng cách hiểu luật lệ hiện hành.

Ảnh minh họa. (Internet)

Cô gái Natalie Hot cùng chồng thuê nhà ở làng Ampfing thuộc bang này. Làng chỉ có 6.000 dân. Cô gái 24 tuổi này lại làm cái nghề rất đặc biệt là tự chụp ảnh, ghi hình khỏa thân để kinh doanh trên mạng Internet, kinh doanh hình ảnh và video clip chứ không hành nghề mại dâm.

Để làm nghề này, hai vợ chồng cô gái chỉ cần một căn phòng nhỏ, một camera và Internet. Họ gọi đó là Homeoffice, khái niệm được sử dụng chung cho những người làm việc ở nhà chứ không phải đến công sở hay công ty, biến nơi ở của mình thành văn phòng làm việc.

Họ bị làng xóm kêu ca. Hàng xóm kêu ca không phải vì họ sử dụng chỗ ở làm Homeoffice mà vì cái “nghề” của cô gái.

Trong con mắt của hàng xóm, nghề nghiệp này của cô gái không phù hợp với thuần phong mỹ tục và gây ảnh hướng xấu tới thế hệ trẻ ở trong làng.

Họ đề nghị chính quyền cấm cô gái làm cái nghề ấy ở nhà và chính quyền cũng cấm thật nhưng với lập luận rằng nhà ở là nhà ở, không phải nơi để kinh doanh, muốn kinh doanh thì phải xin phép và chuyển đổi mục đích sử dụng nhà.

Cô gái không phục và kiện lên tòa. Tòa án bang Bavaria hợp pháp hóa quyết định cấm của chính quyền. Cái nghề nghiệp kia của cô gái này không bị luật pháp cấm.

Cho nên bản chất vụ việc ở đây giữa cô gái với tòa án và chính quyền là cách hiểu khác nhau về quyền và mục đích sử dụng nhà ở. Luật pháp không có quy định cấm cô gái khỏa thân ở trong nhà của mình.

Ngoài ra, Homeoffice là hình thức làm việc đến nay cũng đã rất phổ biến ở các nước trên thế giới. Cho nên tòa và chính quyền cấm cô gái hành nghề ở nhà không phải vì Homeoffice mà vì không muốn có chuyện khỏa thân, khiêu dâm ở làng, đặt ra điều kiện phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng nhà để bao biện.

Cái lý thuộc về kẻ có quyền mà.

Hạ Nham

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/co-quyen-la-co-ly-d26242.html