Cơ quan chức năng 'đá' nhau, nguy cơ mất an toàn giao thông vẫn 'uy hiếp' người dân

Hàng chục cột đèn của dự án xử lý các điểm nguy cơ mất an toàn giao thông QL1 đoạn qua huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) hoàn thành xong nhiều tháng qua không hoạt động. Người dân bức xúc vì nguy cơ tai nạn luôn rình rập khi đi qua đoạn đường này vào buổi tối.

Dự án xử lý các điểm nguy cơ mất an toàn giao thông trên Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Bình được Tổng Cục đường bộ Việt Nam phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Dự án có tổng mức đầu tư 4,29 tỷ đồng từ nguồn chi hoạt động kinh tế đường bộ (Ngân sách Nhà nước).

Theo thiết kế, dự án sẽ bổ sung 7 cột đèn đôi tại tim đường trên đoạn Km639+600 - Km639+970 (huyện Bố Trạch); 19 cột đèn đơn bên trái tuyến trên đoạn Km702+200 - Km703+00 và 24 cột đèn đôi tại tim đường trên đoạn Km711+200 - Km711+900 (huyện Lệ Thủy).

Đoạn QL1A đi qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Được biết, ngày 7/9/2023, các đơn vị liên quan tiến hành lập biên bản bàn giao, tiếp nhận, đưa vào quản lý, khai thác hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại điểm nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn QL 1A qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, gần 3 tháng bàn giao, hiện hệ thống đèn chiếu sáng giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông vẫn chưa thể đưa vào hoạt động khiến nhiều người dân bức xúc. Anh Nguyễn Đăng Phong (54 tuổi, trú thôn Phù Thị, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, người dân vui mừng khi có dự án chiếu sáng này.

"Người dân vui mừng khi có hệ thống đèn đường chiếu sáng ban đêm, sẽ giảm tai nạn giao thông, hạn chế tình trạng trộm cắp. Nhưng thi công xong mấy tháng rồi không thấy đèn sáng, không hiểu vì lý do gì. Làm ra mà không sử dụng quá lãng phí", anh Phong chia sẻ.

Người dân thắc mắc tại sao hệ thống đèn đường hoàn thiện từ lâu nhưng chưa được đưa vào sử dụng.

Ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, nhiều cử tri thắc mắc và trình bày vấn đề công trình phục vụ đảm bảo an toàn giao thông thi công xong nhưng không hoạt động tới các cấp chính quyền, cơ quan chức năng.

"Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri có ý kiến việc hoàn thiện công trình xong mà chưa hoạt động. Đây là đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông, việc lắp đèn chiếu sáng vào ban đêm và biển hạn chế tốc độ là rất cần thiết", Chủ tịch UBND xã Sen Thủy cho biết.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 4, dự án hoàn thành và bàn giao nên việc đèn hoạt động hay không là quyết định của địa phương. "Tất cả các điểm đen khi có ý kiến của địa phương Nhà nước tiến hành đầu tư. Sau khi bàn giao, nếu không hệ thống đèn này hoạt động hay không là trách nhiệm của địa phương", lãnh đạo Ban Quản lý dự án 4 nói.

Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lệ Thủy cho biết, dự án chưa thể đấu điện để sử dụng là do chủ đầu tư chưa bàn giao đủ hồ sơ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Đức Nghĩa, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lệ Thủy cho biết, dự án chưa thể đấu điện để sử dụng là do chủ đầu tư chưa bàn giao đủ hồ sơ.

"Chủ đầu tư mới chỉ bàn giao Biên bản bàn giao, tiếp nhận hạng mục công trình đưa vào quản lý, khai thác. Chủ đầu tư phải bàn giao một bộ hồ sơ hoàn công, biên bản bàn giao hiện trường, biên bản bàn giao tiếp nhận hạng mục cụ thể. Phải có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh để huyện có hướng để quản lý, vận hành", ông Nghĩa cho biết.

Để giải quyết vấn đề này, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lệ Thủy cho biết, sẽ có văn bản gửi chủ đầu tư đề nghị gửi hồ sơ hoàn chỉnh liên quan đến dự án, đồng thời thống nhất thời gian vận hành.

Cứu người bị tai nạn giao thông, cần làm gì để hỗ trợ tốt nhất cho người bị nạn, cũng như không ảnh hưởng đến bản thân

Viễn Phương

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/co-quan-chuc-nang-da-nhau-nguy-co-mat-an-toan-giao-thong-van-uy-hiep-nguoi-dan-172231214065805101.htm