Cổ phiếu SAB về 'vùng đáy', đại gia ThaiBev mất hơn 60.000 tỷ sau 6 năm

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) đang chứng kiến giá cổ phiếu về vùng đáy lịch sử, thị phần bị thu hẹp trước các đối thủ đáng gờm.

Cuối năm 2017, Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã thông qua Thai Beverage chi gần 5 tỷ USD từ tiền vay để mua 53,59% cổ phần Sabeco ở mức giá bình quân 320.000 đồng/cp từ Bộ Công thương Việt Nam, tương đương giá 160.000 đồng/cp sau điều chỉnh do thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 vào tháng 9/2023, đến nay cổ phiếu SAB chưa một lần chạm đến vùng cao lịch sử đó, thậm chí còn đang giao dịch tại vùng thấp nhất từ khi niêm yết, quanh mức 57 - 58.000 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu SAB trong 1 năm qua. Ảnh: FireAnt

So sánh giữa giá mua (đã điều chỉnh) 160.000 đồng/cp và giá hiện tại 58.000 đồng/cp, ước tính ThaiBev đã lỗ tới 64%, từ khoản đầu tư hơn 110 nghìn tỷ đồng tạm thời chỉ còn khoảng 40 nghìn tỷ sau hơn 6 năm.

Mức giá này của SAB cũng đã phần nào phản ánh sự khó khăn trong hoạt động kinh doanh của “ông lớn” ngành rượu bia này những năm qua. Từ mức lợi nhuận hơn nghìn tỷ mỗi quý, đến quý IV/2023, lợi nhuận ròng đã giảm 9% so với cùng kỳ xuống 947 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của Sabeco 2 năm qua.

Cả năm 2023, Sabeco mang về gần 30.500 tỷ đồng doanh thu và hơn 4.100 tỷ đồng lãi ròng, giảm 13% và 21% so với năm trước. Công ty cho biết, do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng, kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Với kết quả này, doanh nghiệp chưa hoàn thành được 80% cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2023.

Kể từ khi về tay người Thái từ năm 2017, Sabeco trải qua nhiều giai đoạn kinh doanh thăng trầm. Sau 2 năm, lợi nhuận ròng đã tăng 7%, lên hơn 5.000 tỷ đồng vào năm 2019, đây cũng được coi là thời kỳ huy hoàng của doanh nghiệp rượu bia này trước đại dịch khi tái ra mắt thương hiệu Bia Saigon, bao gồm Bia Saigon Special, Bia Saigon Lager, Bia Saigon Export và sản phẩm bia lon 333.

Sau đó, sự suy thoái kinh tế dưới đòn giáng mạnh của covid 19 và nghị định 100 đã tác động trực tiếp đến mặt hàng có cồn nói chung và Sabeco nói riêng. Thêm vào đó, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng đã đẩy vật liệu tăng giá, kéo theo chi phí sản xuất tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh.

Trong 2 năm (2020 và 2021), doanh thu Sabeco giảm 7% và 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 28 nghìn tỷ đồng và 26,4 nghìn tỷ đồng. Lãi ròng cũng giảm lần lượt 26% và 6%, chỉ còn hơn 4,7 nghìn tỷ năm 2020 và gần 3,7 nghìn tỷ năm 2021.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt nhận định, ngành đồ uống có cồn đã có một thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19 cũng như chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100. Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến giá nguyên liệu ngành bia tăng phi mã. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đồ uống bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20 - 30%.

Bên cạnh khó khăn chung, thị phần của “ông lớn” Sabeco đang có phần “lung lay” trước sức ép từ nhiều đối thủ cạnh tranh. Theo thống kê của Euromoniter, thị phần của doanh nghiệp này đã giảm từ 41% trong năm 2017 xuống gần 34% vào năm 2021. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Sabeco - Heineken Việt Nam lại đang dần thống lĩnh thị trường nội địa.

Sabeco chịu sức ép gay gắt từ các hãng bia lớn. Ảnh: Mai Trang

Nhưng với hàng loạt cố gắng như các hoạt động ra mắt sản phẩm mới, thiết kế mới, phiên bản giới hạn… tình hình đã được cải thiện đáng kể. Doanh thu đã tăng trưởng tới 42%, lãi ròng tăng 33% vào năm 2022 nhờ sự tăng mạnh nhu cầu sau đại dịch. Thế nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu khi Sabeco kết thúc năm 2023 với mức lãi ròng hơn 4.100 tỷ. Nếu bỏ qua năm 2021, con số lợi nhuận này thấp hơn năm 2018 - mức trước khi dịch bệnh xuất hiện.

Cùng với sự cạnh tranh gay gắt, việc tăng mạnh chi phí bán hàng, nhất là khoản mục cho quảng cáo và khuyến mại là điều không thể tránh khỏi. Giai đoạn 2021-2022, chi phí bán hàng của Sabeco liên tục tăng, nhất là năm 2022 khi tăng tới 29% và chiếm tới 15% doanh thu trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Sabeco còn chịu ảnh hưởng khi mặt hàng kinh doanh chủ lực không được áp dụng mức giảm 2% thuế Giá trị gia tăng trong nửa cuối năm 2023, theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP, do là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong thời gian tới, ngoài những áp lực đang tồn tại, Sabeco nói riêng và cả ngành bia rượu nói chung sẽ còn đối mặt thêm khó khăn, trong đó có việc tiếp tục nằm trong danh sách không được giảm 2% thuế Giá trị gia tăng đến hết tháng 6 năm nay.

Trước việc các sản phẩm có cồn bị siết chặt, xu hướng đồ uống không cồn đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Nhiều tập đoàn nước giải khát hàng đầu thế giới đã cho ra mắt các sản phẩm bia không cồn, qua đó cạnh tranh trực tiếp với ngành bia rượu truyền thống. Điển hình là Anheuser Busch Inbev (AB Inbev) - công ty bia lớn nhất thế giới cũng cho biết đã phải chuyển hướng kinh doanh đồ uống không cồn, Heineken cũng đã cho ra mắt bia 0 độ.

Còn với Sabeco, Ban lãnh đạo thừa nhận Nghị định 100 có tác động tiêu cực đến sản lượng bán bia, song không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi cơ cấu về khả năng tiêu thụ bia bình quân đầu người trong trung và dài hạn.Điều này được thúc đẩy bởi sự tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế dự kiến của Việt Nam vào năm 2024. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo tin rằng Sabeco sẽ tiếp tục đà củng cố vị thế trên thị trường.

Bên cạnh việc nghiên cứu sản phẩm mới, doanh nghiệp này cũng đang tích cực đa dạng hóa cách bán hàng như bán trên sàn thương mại điện tử để đa dạng hóa kênh mua sắm cho người tiêu dùng.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/co-phieu-sab-ve-vung-day-dai-gia-thaibev-mat-hon-60000-ty-sau-6-nam.html