Cổ phiếu ngành nhựa tiếp tục 'thuận buồm xuôi gió' trong năm 2024?

Mang kỳ vọng về một năm 2023 khởi sắc, nhất là trong bối cảnh giá đầu vào PVC tiếp tục đi ngang tại đáy, nhóm cổ phiếu ngành nhựa đã ghi nhận diễn biến khá tích cực khi được dòng tiền ưu ái hơn nhiều nhóm ngành khác.

Mặc dù nền kinh tế khó khăn và đầy biến động, nhưng không thể cản bước 2 công ty đầu ngành nhựa có một năm 2023 huy hoàng với mức lợi nhuận lập kỷ lục.

Hai "ông lớn" báo lãi lỷ lục

Cụ thể, CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với lãi sau thuế đạt 257 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận 5.156 tỷ đồng doanh thu, giảm 11% so với năm trước, nhưng nhờ chi phí giá vốn bán hàng giảm mạnh hơn 28% (1.160 tỷ đồng) nên sau trừ thuế phí, công ty báo báo lãi 1.041 tỷ đồng, tăng 50%.

Trong lịch sử hoạt động, đây là lần đầu tiên, Nhựa Bình Minh chạm mốc lợi nhuận nghìn tỷ đồng. Mức lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp từng đạt được là gần 700 tỷ đồng vào năm 2022. Trước đó, trong năm 2021, “ông lớn” ngành nhựa này đã từng ghi nhận lợi nhuận giảm còn một nửa so với năm 2020, đạt hơn 214 tỷ đồng do tác động của dịch Covid-19.

Nhựa Bình Minh chạm mốc lợi nhuận nghìn tỷ đồng.

Không kém cạnh, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) cũng báo lãi kỷ lục với lợi nhuận sau thuế tăng 138%, đạt 165 tỷ đồng trong quý IV. Lũy kế năm 2023, Nhựa Tiền Phong đạt 5.176 tỷ đồng doanh thu, giảm 9% so với năm 2022, song lợi nhuận sau thuế tăng 16,5% lên mức kỷ lục 559 tỷ đồng - cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2006.

Cả hai doanh nghiệp nhựa dân dụng đều báo lãi đậm trong bối cảnh giá đầu vào PVC tiếp tục đi ngang tại đáy do nhu cầu vật liệu này trên toàn thế giới đi xuống. Khi giá đầu vào giảm, các công ty sản xuất ống nhựa có xu hướng giảm giá cho đại lý phân phối, khuyến khích các đại lý tích lũy thêm sản phẩm.

Theo Chứng khoán FPT Securities (FPTS), biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng trong năm 2023 đạt mức cao kỷ lục là do giá bán sản phẩm đầu ra tiếp tục duy trì mức cao kể từ sau giai đoạn liên tục tăng mạnh vào năm 2021 bất chấp nhu cầu tiêu thụ ảm đạm; trong khi đó, giá hạt nhựa đầu vào lại sụt giảm mạnh.

Mặc dù quý IV/2023 là mùa cao điểm xây dựng nhưng doanh thu của ngành nhựa xây dựng giảm chủ yếu do các doanh nghiệp đã áp dụng một số chương trình khuyến mãi trong thời gian ngắn để kích cầu khiến giá bán trung bình giảm nhẹ.

Trước đó, ngành nhựa là một trong số ít ngành được đánh giá cao về kết quả kinh doanh trong năm 2023, nhất là khi xuất khẩu sản phẩm nhựa được kỳ vọng có nhiều khởi sắc trong các tháng cuối năm.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhựa hiện vẫn chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý IV nhưng nhìn chung số doanh nghiệp có lợi nhuận quý III/2023 nhiều hơn số doanh nghiệp suy giảm. Đây là yếu tố hoàn toàn có thể kỳ vọng quý cuối năm của doanh nghiệp nhóm ngành này tích cực. Do đó, trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu nhựa được dòng tiền ưu ái khá nhiều.

Năm 2023, cổ phiếu BMP gây chú ý khi lần đầu thị giá vượt mốc 100.000 đồng/cp. Cổ phiếu này đóng cửa phiên đầu năm 2023 ở mức giá 53.930 đồng/cp (giá sau điều chỉnh) và đóng cửa phiên cuối năm ở mức giá 104.300 đồng/cp. Như vậy, sau một năm, thị giá của BMP đã tăng 93%; giá trị vốn hóa cũng tăng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng.

Mặc dù không đạt mức tăng mạnh như BMP nhưng nhiều cổ phiếu ngành nhựa cũng ghi nhận mức tăng khá ổn như cổ phiếu NTP tăng từ 32.000 đồng/cp lên 39.500 đồng/cp, cổ phiếu AAA (Nhựa An Phát Xanh) tăng từ 6.830 đồng/cp lên 9.450 đồng/cp…

Dự báo lợi nhuận năm 2024 sụt giảm

Chứng khoán Bảo Việt nhận định, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nhựa sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhờ triển vọng cải thiện của thị trường bất động sản cũng như các chính sách tài chính - tiền tệ mở rộng. Giá hạt nhựa PVC đang ổn định ở mức thấp là yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp ngành nhựa.

Tương tự, FPTS dự phóng sản lượng tiêu thụ mảng nhựa xây dựng năm 2024 sẽ khả quan hơn, tăng trưởng khoảng 8,5% so với mức nền thấp của năm 2023. Kỳ vọng đến từ sự tăng trưởng của mảng xây dựng nhà ở khi nhóm khách hàng bất động sản dần hồi phục trong năm 2024 nhờ áp lực lãi vay giảm.

Nhu cầu ống nhựa khả năng sẽ cải thiện từ quý II tới và tăng trưởng rõ nét hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, cần lưu ý mức sản lượng tiêu thụ này chưa phục hồi hoàn toàn về mức cao của giai đoạn 2019-2020 vì ngành bất động sản vẫn chưa thực sự thoát khỏi các khó khăn.

Theo FPTS, biên lợi nhuận gộp ngành nhựa năm 2024 sẽ giảm 4,3 điểm phần trăm so với mức đỉnh của năm 2023 do giá hạt nhựa dự báo phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu trên thế giới dần cải thiện. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ngành này sẽ vẫn đạt mức cao khoảng 30,8%, so với mức trung bình 25,3% của giai đoạn 2018-2022.

FPTS thông tin, hiện nay, giá bán ống nhựa trung bình đang ở mức 56 triệu đồng/tấn, cao hơn khoảng 24% so với giai đoạn trước năm 2021 dù nhu cầu tiêu thụ ảm đạm. Vì vậy, các doanh nghiệp lớn nhiều khả năng phải hạ giá bán để cạnh tranh và giữ thị phần.

"Nhựa Bình Minh có khả năng duy trì mức giá bán cao như hiện nay vì doanh nghiệp có vị thế vững chắc tại miền Nam và hệ thống phân phối lớn sẵn có", FPTS đánh giá.

Theo báo cáo mới đây của SSI Research, tăng trưởng doanh thu của Nhựa Bình Minh đang có phần yếu hơn đối thủ cạnh tranh là Nhựa Tiền Phong, trong đó Nhựa Tiền Phong đang chiếm thị phần cao hơn về mặt sản lượng.

SSI Research nhận định, Nhựa Bình Minh đang ưu tiên lợi nhuận hơn thị phần trong hiện tại nhằm dành nguồn lực sẵn sàng “bung ra” khi thị trường phục hồi trong thời gian tới.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-nganh-nhua-tiep-tuc-thuan-buom-xuoi-gio-trong-nam-2024-1098082.html