Cổ phiếu ngân hàng lấy lại năng lượng sau 'mùa bão tố'

Cổ phiếu ngân hàng đang trải qua một giai đoạn nhiều “bão tố” nhất trong năm, sau khi liên tục có những thông tin bất lợi với ngành này. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đặt nhiều kỳ vọng...

Tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s vừa công bố việc xem xét nâng bậc tín nhiệm đối với một số ngân hàng ở Việt Nam. Đây có thể coi là một thông tin tích cực cho nhóm cổ phiếu ngân hàng sau một mùa bão tố đối với các ngân hàng, mà tâm điểm là hàng loạt vụ việc mất tiền trong tài khoản của khách hàng tại một số ngân hàng diễn ra thời gian gần đây.

Theo đó, Moody’s đang xem xét nâng bậc xếp hạng đối với 2 định hạng là Đánh giá tín dụng cơ sở (Baseline Credit Assessment - BCA) và Đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (Long-term Counterparty Risk Assessment - CRA). Các ngân hàng đang được Moody’s xem xét để nâng hạng 2 chỉ số trên gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB). Dự kiến, Moody’s sẽ công bố kết quả chính thức của quá trình xem xét trong vòng 3 tháng tới.

Vietcombank được đánh giá là có ưu thế hơn so với các ngân hàng khác đang được Moody’s xem xét nâng hạng. Ảnh: Đ.T

Trong số các ngân hàng đang được Moody’s xem xét nâng hạng, có 6 ngân hàng đã niêm yết trên các sàn chứng khoán, gồm Vietcombank (mã VCB, sàn HOSE), ACB (mã ACB, sàn HNX), MBBank (mã MBB, sàn HOSE), SHB (mã SHB, sàn HNX), Sacombank (mã STB, sàn HOSE) và VietinBank (mã CTG, sàn HOSE).

Việc xem xét nâng hạng của Moody’s đối với một số cổ phiếu ngân hàng dựa trên bối cảnh tổ chức này đã nâng hạng đánh giá Bối cảnh Vĩ mô (Macro Profile) của Việt Nam từ “Weak-” lên “Weak”. Chỉ số này phản ánh các rủi ro từ môi trường hoạt động và kinh tế tác động đến hoạt động của ngân hàng. Việc Moody’s đánh giá điều kiện vĩ mô tốt hơn sẽ giúp các ngân hàng nâng cao chất lượng tài sản và cải thiện lợi nhuận, đồng thời ổn định nguồn cung vốn và tính thanh khoản.

Trong số các ngân hàng đang được xem xét nâng hạng thì Vietcombank xem ra có ưu thế nhỉnh hơn, do ngân hàng này dẫn đầu trong cả 2 chỉ số xem xét với mức xếp hạng B2 ở định hạng BCA và B1 ở định hạng CRA. Vietcombank hiện cũng là cổ phiếu đang được giới đầu tư đặt mối quan tâm nhiều nhất sau khi ngân hàng này đạt được thỏa thuận bán 7,73% cổ phần cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC). Theo đó, GIC cam kết mua 305.810.895 cổ phần mới của Vietcombank.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, thỏa thuận này nếu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chấp thuận, thì GIC có thể mang đến cho Vietcombank sự hỗ trợ cần thiết để Vietcombank đạt được các mục tiêu tài chính và kinh doanh cả ở trong nước và trên thị trường quốc tế.

Một trong những mối quan tâm liên quan đến thương vụ Vietcombank bán cổ phần cho GIC lần này là quy mô giao dịch liệu có thể vượt kỷ lục về giá trị giao dịch mà người anh em là VietinBank đã thiết lập cách đây 4 năm hay không? Theo đó, hồi cuối năm 2012, trong thương vụ bán 20% cổ phần cho Ngân hàng Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (BTMU), VietinBank đã thiết lập mức giao dịch “khủng” nhất từ trước đến nay trong ngành tài chính Việt Nam, với tổng giá trị 15.465 tỷ đồng, tương đương 743 triệu USD.

Trong khi đó, trong thương vụ giữa Vietcombank và GIC, giá trị dự kiến tính theo mệnh giá đạt hơn 3.000 tỷ đồng và thị giá giao dịch của cổ phiếu Vietcombank hiện ở mức trên 50.000 đồng/cổ phiếu. Do vậy, nếu Vietcombank bán được cổ phiếu cho GIC với mức giá xấp xỉ thị giá hiện nay, thì quy mô thương vụ Vietcombank - GIC cũng ngang ngửa mức giao dịch kỷ lục của VietinBank - BTMU.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Vietcombank bán được cổ phiếu với giá trên 50.000 đồng/cổ phiếu là khá mong manh. Trong khi đó, theo một số nguồn tin chưa chính thức, mức giá đạt được có thể chỉ đạt khoảng 29.300 đồng/cổ phiếu và giả sử mức giá này được thực thi, thì thương vụ của Vietcombank - GIC có quy mô không quá 10.000 tỷ đồng, tức là còn xa mới với tới kỷ lục của Vietinbank - BTMU.

Trở lại động thái của một số cổ phiếu ngân hàng khác, một trong những “đại gia” đang được giới đầu tư dõi theo những ngày qua là BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Khác với Vietcombank, việc BID được quan tâm liên quan đến vấn đề nhân sự khi ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã nghỉ hưu từ ngày 1/9. Tuy chỉ là một thông tin về nhân sự, nhưng ông Trần Bắc Hà được cho là người có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đối với ngân hàng này trong nhiều năm qua, nên việc BIDV thay đổi Chủ tịch đã phần nào tác động tới giá BID.

Chí Tín

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/co-phieu-ngan-hang-lay-lai-nang-luong-sau-mua-bao-to-d51271.html