Cổ phiếu CTI liên tục đỏ sàn, vì sao?

Là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Đồng Nai nhưng khoảng 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO liên tục đỏ sàn (mã chứng khoán CTI). Vậy cổ phiếu Cty này liên quan gì đến vụ lùm xùm xung quanh trạm thu phí BOT Biên Hòa-Đồng Nai?

Cổ phiếu Cường Thuận Idico liên tục đỏ sàn trong 10 phiên giao dịch hiện nay

Theo dữ liệu của sàn chứng khoán, trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu CTI liên tục đỏ sàn. Giá trị giao dịch mới nhất trong phiên ngày 23/10 ở mức 3,3 tỷ đồng. Có thể nói đây là khối lượng cổ phiếu giao dịch thấp nhất của Cty này trong hơn 1 tháng vừa qua.

Theo các nhà đầu tư, sở dĩ cổ phiếu này liên tục lau sàn và khối lượng giao dịch nhỏ giọt liên quan tới con gái ông Võ Đình Thường, Phó Phòng Cảnh sát Giao thông Đồng Nai có cổ phần và là nhà đầu tư chiến lược đứng hàng thứ 4 trong danh sách 10 nhà đầu tư lớn nhất tại trạm BOT Biên Hoà Đồng Nai.

Tới cuối quý 2/2017, tổng tài sản của CTI đạt 4.335 tỷ đồng, vốn điều lệ 610 tỷ đồng. Doanh thu thuần trong nửa đầu năm là 562 tỷ đồng, trong đó mảng thu phí BOT đóng góp gần một nửa, ở mức 250 tỷ đồng.

Được biết, trong các doanh nghiệp sở hữu dự án BOT thì CTI là đơn vị bước chân sớm nhất vào lĩnh vực này khi bắt đầu thu phí từ năm 2006. Năm 2016, CTI đạt doanh thu 1.027 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 113 tỷ đồng. Năm 2017, CTI đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.426 tỷ đồng, tăng 38,8%; nhuận sau thuế ước đạt 145,6 tỷ đồng, tăng trưởng 28,8% so với năm 2016.

Trong đó riêng 3 dự án BOT, CTI dự kiến sẽ thu về gần 59 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2017 gồm: Dự án BOT QL91 dự kiến mang về cho CTI 178 tỷ đồng doanh thu thuần và 18,24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; dự án BOT QL1 dự kiến thu về 313 tỷ đồng doanh thu thuần và 39,65 tỷ đồng lợi nhuận; dự án BOT đường chuyên dụng dự kiến thu 10 tỷ doanh thu và 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Vậy từ chuyện lùm xùm cổ phiếu của BOT Cường Thuận, có ảnh hưởng gì đến cổ phiếu của các doanh nghiệp hạ tầng khác trên sàn chứng khoán?

Trong số các doanh nghiêp sở hữu các dự án BOT lớn đáng chú ý trên sàn chứng khoán, có thể kể đến CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII), CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO (mã HTI), Công ty CP Tasco (mã HUT) và CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG)...

Nếu những ngành kinh doanh khác thường hay bị ảnh hưởng bởi thông tin thị trường thì thời gian qua, những thông tin không mấy tích cực từ BOT Biên Hoà không ảnh hưởng nhiều đến các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp sở hữu các dự án BOT trên thị trường chứng khoán.

Đánh giá về cổ phiếu các doanh nghiệp hạ tầng, đặc biệt là các doanh nghiệp sở hữu các dự án BOT, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư BOT có được các mặt lợi như: được tài trợ khoảng 80%-85% bằng vốn vay ngân hàng.

Thời hạn trả nợ kéo dài, tương ứng với thời gian thu hồi vốn của dự án, đồng thời thời gian thu phí đối với các dự án BOT cũng kéo dài, khoảng 10-11 đến 20-30 năm tùy quy mô từng dự án. Đặc biệt, các dự án BOT giao thông thường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% trong 15 năm, nên cổ phiếu các doanh nghiệp này cũng rất đáng để đầu tư.

Có thể nói, lợi thế của những doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng các dự án BOT là thu được “tiền tươi” từ phí và doanh nghiệp ít phải lo lắng về vấn đề dòng tiền. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) thường chỉ ổn định trên dưới 10%, trong khi vốn đầu tư lại bị ‘giam’ quá lâu nên hiệu quả đầu tư trong ngắn hạn không thể so với những ngành đang tăng trưởng nóng khác.

Hà Phương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/co-phieu-bot-cuong-thuan-lien-tuc-do-san-vi-sao-118808.html