Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/10

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu BAF

CTCK Vietcombank (VCBS)

Nửa đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF) đạt lần lượt 2.406 và 12,8 tỷ, giảm 19% và 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính của việc sụt giảm là do doanh nghiệp đang cắt giảm mảng nông sản và tập trung hơn vào mảng 3F, tuy nhiên 3 trang trại mới đưa vào hoạt động chậm hơn dự kiến. Ngoài ra, các khoản vay ngắn hạn trong 2 quý đầu năm của doanh nghiệp tăng gấp 4,8 lần (để bù đắp cho các khoản phải thu ngắn hạn tăng cao) khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể (tăng 21 lần).

Doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của mảng nông sản giảm lần lượt là 22% và 54%, mảng chăn nuôi có doanh thu thuần và lợi nhuận gộp giảm lần lượt 18% và 19%. Biên lợi nhuận của mảng nông sản và chăn nuôi nửa đầu năm 2023 đạt tương ứng là 2% và 21%.

Giá heo hơi bắt đầu tăng mạnh trong quý 2, đầu quý 3, tuy nhiên kế hoạch mở rộng trang trại của BAF bị chậm tiến độ so với kỳ vọng nên doanh nghiệp đã bỏ lỡ đợt hồi phục của giá thịt heo trong năm nay. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đàn heo đạt hơn 230.000 con, (số lượng heo mở rộng thêm đạt 78% so với dự kiến từ đầu năm), doanh nghiệp cũng giữ lại một lượng heo sữa để nuôi bán thịt nên sản lượng heo bán ra chưa tương ứng với quy mô tổng đàn.

Dự báo, tổng sản lượng heo bán ra trong năm 2023 của BAF sẽ đạt khoảng 370.380 con, đem về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tương ứng là 2.787 tỷ và 268 tỷ đồng. Lợi nhuận từ việc mở rộng 3F sẽ được dồn sang năm 2024 nếu doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch, dự phóng tổng sản lượng heo bán ra trong năm 2024 sẽ đạt 676.380 con với mức doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tương ứng là 5.659 tỷ và 509 tỷ đồng.

Cho tới thời điểm quý III/2023, BAF đã hoàn thiện nhà máy cám Nghệ An, doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy cám với tổng công suất 440 nghìn tấn/năm, đảm bảo cho doanh nghiệp chủ động được 100% nguồn thức ăn đầu vào. Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi sẽ bán kèm theo con giống để tối ưu công suất nhà máy cám. Dự báo trong năm 2023, sản lượng cám bán ra thị trường sẽ đạt 80.000 tấn, đem về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt là 882 tỷ và 101 tỷ đồng.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu BAF với giá mục tiêu là 22.487 đồng/CP.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DBC

CTCK Vietcombank (VCBS)

6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC – sàn HOSE) lần lượt là 5.787 tỷ đồng (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 6 tỷ đồng (giảm 73%). Nguyên nhân đến từ việc hiệu quả kinh doanh sụt giảm trong quý I khi giá lợn hơi sụt giảm, chi phí thức ăn chăn nuôi và lãi vay ở mức cao.

Sang quý II, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp được cải thiện trở lại, đạt 327 tỷ do giá lợn hơi bắt đầu hồi phục từ tháng 5/2023, đồng thời DBC hạch toán 150 tỷ đồng từ dự án nhà ở dân cư Parkview.

Tích cực tăng quy mô đàn trong 2023. Dự án trang trại lợn ở Thanh Hóa đã giải ngân được khoảng 85,1%, trang trại mới sẽ nuôi thêm 5.000 lợn bố mẹ và 1.200 lợn ông bà, nâng công suất sản xuất thịt heo lên 78.000 tấn/ năm (tăng 30%). Dự kiến, đàn lợn sẽ đem về doanh thu 4.383 tỷ đồng trong năm nay.

Vào tháng 4/2023, DBC đã thử nghiệm thành công vacxin ASF, trong đó tất cả lợn được tiêm đều có phản ứng kháng thể. DBC đang tiến hành khảo nghiệm 3 lô vacxin trên các trang trại ở Bắc Ninh, dự kiến đầu tháng 11 sẽ hoàn thành các bước kiểm tra thực địa. Dự kiến, nhà máy sản xuất vacxin ASF của doanh nghiệp sẽ sản xuất đại trà từ cuối quý IV/2023. Bên cạnh đó, tháng 8/2023, DBC đã ký kết hợp tác với Winsun (1 trong 10 doanh nghiệp sản xuất sinh phẩm sinh học thú y hàng đầu Trung Quốc) để nghiên cứu và phát triển các loại vacxin khác.

Giá heo hơi tăng trở lại từ quý II, tuy nhiên đến thời điểm cuối quý 3 lực tăng bắt đầu yếu dần, giá thịt heo giảm và đi ngang.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DBC với giá mục tiêu là 25.744 đồng/CP.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu LPB

CTCK Vietcombank (VCBS)

Với CAGR 5 năm đạt 25%/năm, danh mục cho vay cá nhân của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã LPB – sàn HOSE) hiện chiếm khoảng 50% dư nợ. Trong H2.2023, lãi suất huy động giảm kỳ dự kiến sẽ kéo theo nhu cầu vay của nhóm bán lẻ tăng nhanh giúp LPB tăng tỷ suất sinh lời, cải thiện NIM và phân tán rủi ro danh mục.

Ký kết thành công hợp đồng hợp tác độc quyền bảo hiểm trong 15 năm với Dai-ichi Life: Kỳ vọng ghi nhận một phần khoản phí trả trước trong năm nay và doanh thu từ hoa hồng bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức trên 15%/năm trong các năm tới.

Kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 15,5% từ mức 5%: Chúng tôi kỳ vọng mức giá phát hành ở mức cao hơn so với giá thị trường của LPB ở thời điểm hiện tại, giúp BVPS tăng thêm tạo đà tăng cho giá cổ phiếu.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2023 của LPB đạt 6.392 tỷ đồng (tăng 12,3% so với năm ngoái) và ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu LPB là 15.451 đồng/cổ phiếu dựa trên 2 phương pháp định giá So sánh P/B và Thu nhập thặng dư (RI). Do giá cổ phiếu LPB đã tăng tích cực và vượt mức định giá của chúng tôi, chúng tôi hạ khuyến nghị xuống trung lập đối với cổ phiếu LPB.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-310-post331019.html