Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/2

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/2 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu ACB

CTCK Mirae Asset Việt Nam (MASVN)

Năm 2023, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HOSE) đã hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở Đại hội đồng cổ đông, với mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt hơn 20.000 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế vượt 16.000 tỷ đồng), hoàn thành 100% kế hoạch năm, tăng trưởng 17,3% so với năm 2022, tỷ lệ nợ xấu đạt 1,21% trong nhóm thấp nhất ngành.

ACB là ngân hàng đầu tiên hoàn thành hệ thống quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế và theo quy định của NHNN tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN. ACB đã hoàn thành phần lớn các nội dung có tính phức tạp cao trong yêu cầu về quản trị IRRBB theo Basel III. Và ACB đặt mục tiêu liên tục cải tiến để duy trì vị thế ngân hàng có mô hình quản lý rủi ro tốt nhất trên thị trường. Tới cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12,1%.

ACB tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của NHNN. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt mức 78% (dưới mức 85% so với quy định), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17% (thấp hơn nhiều so với mức quy định 30%).

So với dự báo trước đó của chúng tôi trong báo cáo ngắn trước đó vào tháng 9/2023, ACB ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế trong năm 2023 cao hơn 2,2%, trong đó kết quả kinh doanh quý IV ghi nhận tín hiệu khả quan trong việc giảm dự phòng rủi ro tín dụng liên tục giảm từ quý III sau khi tạo đỉnh trong quý II. Do đó dù nợ xấu tăng tăng hơn 30% so với cuối quý II/2023 (tỷ lệ NPL từ 1,07% lên 1,21%) nhưng kỳ vọng nợ xấu đã qua giai đoạn cao điểm và khả quan hơn trong năm 2024 cùng với sự hồi phục của kinh tế.

Với quan điểm nắm giữ, chúng tôi kỳ vọng trong năm 2024 ACB có thể sẽ hướng đến mức P/B trung bình 5 năm là 1,6 lần, tương ứng với mức giá 31.500 đồng/CP (giá trị sổ sách cuối 2024 dự báo đạt 22.532 đồng/CP). Tuy nhiên với quan điểm trong 6 tháng tới, chúng tôi cho rằng giá ACB sẽ phản ánh kết quả kinh doanh năm 2023 nhiều hơn, theo đó với mức P/B mục tiêu 1,6 lần và giá trị sổ sách năm 2023 là 18.268 đồng/CP, giá mục tiêu của ACB sẽ ở mức 29.200 đồng/CP, tăng 12,4% so với mức giá mục tiêu trước đây.

Khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu NTP

CTCK Agribank (AGR)

Kết quả kinh doanh quý IV/2023 của CTCP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (mã NTP) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gần 140%: Trong kỳ, doanh thu thuần của NTP đạt 1.301 tỷ đồng, giảm 13,5% svck do nhu cầu tiêu thụ thấp khi kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn. Lợi nhuận gộp đạt 449 tỷ đồng, tăng 27,4%. Biên lợi nhuận gộp tăng lên mức 33,3% so với mức 22,6% cùng kỳ nhờ giá hạt nhựa đầu vào liên tục giảm trong năm. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 165 tỷ đồng, tăng 137,8%.

Lũy kế cả năm 2023, NTP ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.834 tỷ đồng, giảm 9,1% svck. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 559 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ.

Hiện tại, giá nguyên vật liệu nhựa đầu vào như PP, PVC, HDPE đang tiếp tục giữ ở mức thấp và thấp hơn khoảng 3-5% so với giai đoạn cuối quý III/2023. Bên cạnh đó, Nhựa Tiền Phong còn đang tồn kho khoảng 1.160 tỷ đồng, trong đó khoảng 670 tỷ đồng là nguyên vật liệu đầu vào giá thấp và 300 tỷ đồng tồn kho thành phẩm sản xuất (xấp xỉ giá vốn hàng bán 900-1.000 tỷ đồng/quý). Kỳ vọng NTP sẽ tiếp tục duy trì biên gộp ở mức cao khoảng 30-33% trong năm 2024 nhờ tận dụng được tồn kho giá thấp trên.

Trong năm 2023, sản lượng nhựa tiêu thụ của NTP yếu hơn dự kiến khi ngành xây dựng dân dụng suy yếu bởi thị trường bất động sản đóng băng trong hầu hết thời gian trong năm. Kỳ vọng trong năm 2024, nền kinh tế trong nước dần hồi phục nhờ việc đảo chiều chính sách tiền tệ ở Mỹ và châu Âu sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, cũng như mảng xây dựng bất động sản phục hồi trở lại giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ của Nhựa Tiền Phong.

Agriseco Research kỳ vọng lợi nhuận của NTP sẽ tiếp tục cải thiện nhờ nguyên vật liệu đầu vào ở mức giá thấp. Ngoài ra, thị trường bất động sản trong nước dần tạo đáy và lãi suất của các quốc gia lớn trên thế giới dự kiến giảm để kích thích nhu cầu tiêu dùng trở lại sẽ là động lực tăng trưởng chính cho doanh thu của NTP trong năm 2024. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu NTP với giá mục tiêu 49.000 đồng/CP (upside 15,0% so với mức giá hiện tại).

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DPR

CTCK Agribank (AGR)

Quý IV/2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CTCP Cao su Đồng Phú (DPR – sàn HOSE) tích cực ghi nhận 407 tỷ đồng (tăng trưởng 10% so với cùng kỳ) và 98 tỷ đồng (tăng trưởng 24%) nhờ sản lượng và giá bán cao su tăng lần lượt 13% và 6% svck. Điều này đã đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh, giúp doanh thu và lợi nhuận sau thuế lũy kế 2023 lần lượt vượt 24% và 14% kế hoạch kinh doanh đề ra cả năm.

Dự kiến doanh thu và lợi nhuận 2024 tăng nhẹ so với 2023 nhờ kỳ vọng giá bán cao su phục hồi, diện tích thanh lý cây cao su tăng, và khoản tiền đền bù từ thu hồi đất cao su.

Lĩnh vực cao su và thanh lý chiếm hơn 80% tổng doanh thu của DPR. Chúng tôi kỳ vọng 2 mảng kinh doanh chính sẽ phục hồi nhờ giá bán cao su phục hồi khoảng 5% so với bình quân 2023 khi Trung Quốc đẩy mạnh việc nhập khẩu. Diện tích cao su thực hiện thanh lý 2024 dự kiến tăng nhờ diện tích thanh lý từ năm 2023 chuyển sang (khoảng 240ha).

Kỳ vọng năm 2024, khoản tiền đền bù đất Bình Phước tại khu dân cư Tiến Hưng ước tính 100 tỷ đồng sẽ đóng góp vào lợi nhuận của DPR. Trong dài hạn, việc bàn giao được đất cho tỉnh Bình Phước sẽ đóng góp một phần lớn vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hai dự án KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú mở rộng kỳ vọng đóng góp lớn vào tăng trưởng doanh thu mảng KCN trong dài hạn khi được đưa vào triển khai. Nguyên nhân nhờ tiềm năng tăng giá thuê 15-20% so với khu cũ khi dự án đường DT741 phát triển qua. KCN Bắc Đồng Phú mở rộng 317ha (đã có báo cáo của Bộ KH&ĐT) kỳ vọng sẽ triển khai trong 2024.

Trong khi đó, KCN Nam Đồng Phú mở rộng vẫn đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây sẽ là các dự án gối đầu của DPR khi cho thuê hết KCN Bắc Đồng Phú GD1. Bên cạnh đó, tình hình tài chính ổn định với tỷ lệ vay nợ thấp và lượng tiền mặt dồi dào sẽ giúp DN triển khai các dự án mới trong tương lai.

Cao su Đồng Phú (HSX: DPR) là một trong các doanh nghiệp có quỹ đất lớn cao su lớn hơn 9.000ha tại Bình Phước và đang chuyển đổi 2,000ha đất cao su để tự phát triển thành các khu công nghiệp. Triển vọng tăng trưởng 2024 được kỳ vọng nhờ giá bán cao su phục hồi và tiền đền bù thu hồi đất cao su. DPR dự kiến duy trì chính sách trả cổ tức tiền mặt 15- 30% trong năm 2024 nhờ tình hình tài chính lành mạnh.

Trong dài hạn, DPR tiềm năng nhờ 2 dự án KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú khi được triển khai sẽ đóng góp lớn vào doanh thu mảng KCN. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DPR với giá mục tiêu 40.000 đồng/CP (Upside 18% từ thị giá hiện tại).

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-12-post338770.html