Cổ phiếu bất động sản gia nhập đường đua, CEO khớp lệnh đột biến

Sau khi tìm tới nhóm thép, ngân hàng, chứng khoán, dòng tiền hôm nay đã luân chuyển sang nhóm bất động sản. Đây là nhóm chưa có nhiều cơ hội trong đợt phục hồi thị trường lần này.

Giao dịch nhóm xây dựng và bất động sản phiên 16/11.

Sau 3 phiên đầu tuần tăng điểm liên tiếp, nhiều nhà đầu tư dự đoán về một phiên điều chỉnh. Tuy nhiên vào những phút giao dịch cuối, VN-Index đã nhanh chóng rút chân lên trên tham chiếu, đóng cửa ở mốc 1.125,53 điểm, tăng hơn 3 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index tăng 1,7 điểm còn UPCoM tăng 0,13 điểm. Thanh khoản sụt giảm với hơn 16.000 tỷ đồng được giao dịch. Trong đó khối ngoại chiếm hơn 2.000 tỷ đồng.

Sau phiên mua ròng hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài lại trở về xu thế bán ròng. Khối này bán ròng 125 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung bán VHM -88 tỷ đồng, MWG -81 tỷ đồng, VNM -66 tỷ đồng, VRE -56 tỷ đồng; STB, GAS và FRT cũng bị bán ròng từ 25-34 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, SSI được mua ròng mạnh nhất với giá trị 43 tỷ đồng; VND, VIX, DIG, KBC được mua ròng trên 20 tỷ đồng; HPG, VJC, PDR, NLG, GMD, VCI, OCB được mua ròng trên 10 tỷ đồng.

VN30 tăng nhẹ 0,7 điểm, các cổ phiếu đều giao dịch trong trạng thái giằng co, biên độ thay đổi chỉ trên dưới 1%. Chiều tăng có ACB, BCM, BVH, CTG, FPT, GVR, HDB, HPG, MSN, PLX, POW, SAB, SHB, SSI, STB, TCB, VCB.

Nhóm chứng khoán tăng tốt nhất với hầu hết các mã đều kết phiên trong sắc xanh. VND, SHS và VIX tăng hơn 2%, SSI và VCI tăng hơn 1%. Tăng mạnh nhất là PHS hơn 10%. Các mã còn lại chủ yếu tăng trong biên độ 1-3%. Chiều giảm có ABW, DSC và VUA.

Nhóm ngân hàng không còn giữ được sự tích cực như hai phiên liền trước, số mã đỏ nhiều hơn mã xanh, với SGB giảm mạnh nhất -2,2%. Chiều tăng có ACB, CTG, HDB, NVB, OCB, SHB, STB, TCB, VCB nhưng không mã nào tăng được đến 1%.

Nhóm bất động sản chỉ tăng vốn hóa nhẹ do bộ ba cổ phiếu nhóm Vingroup đều giảm giá. Tuy nhiên nhìn tổng thể, đây chính là nhóm bứt phá nhất hôm nay với nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ tăng giá mạnh. DIG tăng hơn 5%, HDC tăng hơn 4%, CEO tăng gần 4%, PDR tăng 3,6%, TCH tăng 3,3%, NVL tăng hơn 3%, NLG tăng 2,2%, HQC tăng hơn 3%, DXG tăng hơn 2%... Trong đó, CEO ghi nhận khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình, đạt 46,7 triệu đơn vị - dẫn đầu thị trường.

Các nhóm hóa chất, công nghệ thông tin, xây dựng, thủy sản cũng ghi nhận tích cực. Nhóm hóa chất có BFC tăng trần, DGC tăng 1,9%, DCM tăng 2,7%, DPM tăng 3,4%. Nhóm công nghệ thông tin có CTR và ELC tăng trần; FPT tăng 0,7%, CMG tăng 0,4%. Nhóm xây dựng có HTN tăng trần, LGC tăng hơn 6%, CII tăng 2,4%, DPG tăng 4,4%, HUT, CTD, LCG tăng hơn 2%...

Cổ phiếu đáng chú ý hôm nay là DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, tăng trần lên mức giá 2.260 đồng/cp, ngay sau khi TAND cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh Gia Lai đối với tập đoàn này.

Theo TAND cấp cao tại Đà Nẵng, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai đã chuyển tổng cộng 4 tỷ đồng vào tài khoản của CTCP Lilama 45.3 để trả nợ và cam kết lộ trình thanh toán nợ theo thủ tục thi hành án dân sự. Điều này chứng minh rằng Đức Long Gia Lai không mất khả năng thanh toán, chưa lâm vào tình trạng phá sản và có thiện chí trả nợ.

Vì vậy, TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh Gia Lai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/co-phieu-bat-dong-san-gia-nhap-duong-dua-ceo-khop-lenh-dot-bien-post29225.html