Cổ phần hóa vì sao chậm? Áp lực 60 nghìn tỷ đồng và sự đợi chờ từ Sabeco, Habeco

Thoái vốn nhà nước 7 tháng đầu năm mới chỉ thu về được 15 nghìn tỷ đồng. Trong lúc đó, tỷ lệ thoái vốn tại Vinamilk rất ít; phương án thoái tại Sabeco, Habeco chưa chốt; bộ ngành, địa phương lại không chịu bàn giao vốn về SCIC... khiến mục tiêu thu ngân sách nhà nước 60 nghìn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2017 ngày càng khó thực hiện.

Hoạt động sản xuất tại Sabeco. Ảnh: ST.

Áp lực 60 nghìn tỷ đồng

Theo Nghị quyết của Quốc hội, thu NSNN từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước năm 2017 phải đạt 60.000 tỷ đồng. Đây là một áp lực không hề nhỏ, vì nguồn thu cổ phần hóa không đáng kể, chủ yếu từ thoái vốn. Trong lúc đó, giai đoạn 2011-2016, cả nước cũng chỉ thoái được hơn 29.867 tỷ đồng giá trị sổ sách, thu về 43.376 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm thoái vốn nhà nước chỉ thu được hơn 7.200 tỷ đồng, kém xa so với mốc năm nay. 7 tháng đầu năm 2017, các đơn vị chỉ thoái được 3.693 tỷ đồng, thu về 15.770 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 7 tháng đầu năm 2017).

Từ kết quả thực hiện đó cho thấy, việc đạt mục tiêu thu ngân sách 60 nghìn tỷ đồng năm nay là không dễ. Do vậy, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào kết quả thoái vốn tại Vinamilk, Sabeco, Habeco. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo vừa qua, SCIC cho biết, đơn vị này chỉ bán 3,33% vốn điều lệ Vinamilk và dự kiến thu về 7.000 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này. Trong lúc đó, phương án thoái vốn tại Sabeco, Habeco vẫn chưa được chốt, vậy nếu việc bán vốn tại 2 “ông lớn” này chưa thực hiện được trong năm nay lấy đâu nguồn thu để đạt mức thu 60 nghìn tỷ đồng?

Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hơn là đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành danh mục doanh nghiệp thoái vốn giai đoạn 2017-2021 và danh mục cần thoái vốn năm 2017 nói riêng nên chưa có cơ sở để đánh giá liệu có hoàn thành mục tiêu thu ngân sách hay không. Thêm vào đó, các bộ, ngành địa phương không chịu bàn giao vốn về SCIC theo quy định để thoái vốn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như SCIC, từ năm 2013 đến nay, có khoảng 234 doanh nghiệp có thỏa thuận chuyển giao vốn về SCIC. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 61 doanh nghiệp chuyển được vốn. Các địa phương còn giữ lại 141 doanh nghiệp, trong đó TP.Hồ Chí Minh là 50 doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 46 doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương thống nhất chuyển giao vốn nhà nước về SCIC nhưng chưa chuyển giao. 176 doanh nghiệp chưa thống nhất chuyển giao về SCIC. Trong lúc đó, phần lớn số tiền thu được từ thoái vốn hiện nay dựa vào Tổng SCIC với trên 77%. Trong 7 tháng đầu năm, SCIC đã bán vốn tại 20 doanh nghiệp với giá trị là 1.394 tỷ đồng, thu về 12.238 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk).

Chủ động trong thế bị động

Trong lúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nợ danh mục doanh nghiệp thoái vốn giai đoạn 2017-2021 thì ngày 10/7/2017, SCIC đã được Chính phủ ban hành Quyết định 1001/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020. Theo đó, Quyết định nêu cụ thể: Giai đoạn 2017 - 2020, SCIC bán vốn nhà nước tại 132 doanh nghiệp; có 4 doanh nghiệp SCIC được chủ động bán vốn ở thời gian thích hợp, đồng thời được chủ động thoái vốn ở những doanh nghiệp mới tiếp nhận. Dù được Chính phủ giao quyền chủ động như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Hồng Hiển – Phó tổng giám đốc SCIC, đây là sự chủ động trong thế bị động. Bởi những doanh nghiệp nào thuộc diện bàn giao về SCIC vẫn chưa rõ. Hơn nữa nhiều doanh nghiệp được bộ, ngành địa phương thống nhất bàn giao về SCIC rồi... xin giữ lại vì lập luận nó quan trọng đối với lĩnh vực quản lý của mình. Chính vì thế, nói là chủ động nhưng thực tế là bị động. Do vậy, đồng tình với Cục Tài chính doanh nghiệp, ông Hiển cho rằng: Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương nghiêm túc triển khai việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành, để thực sự tạo sự chủ động cho SCIC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là điều cần thiết phải làm bởi vai trò trụ cột của SCIC trong thoái vốn thời gian qua là rất rõ nét. Về thoái vốn tại doanh nghiệp lớn như Vinamink, SCIC đã hoàn thành việc bán vốn đợt một đạt hiệu quả cao, khi thu về 11.286,4 tỷ đồng mặc dù giá trị sổ sách chỉ 783,7 tỷ đồng. Đối với chủ trương bán vốn đợt hai của Chính phủ, SCIC đã nhanh chóng trình phương án và được Chính phủ chấp thuận, trong lúc đó, việc thoái vốn tại Sabeco, Habeco (thuộc Bộ Công Thương) vẫn chưa được chốt.

Về thoái vốn tại các doanh nghiệp nói chung, sau thời gian tiếp nhận, tái cơ cấu, SCIC đã nâng cao được giá trị đồng vốn nhà nước. Chẳng hạn, tại Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, giá trị sổ sách hơn 494,9 tỷ đồng nhưng thoái, thu về 796,9 tỷ đồng. Tại Công ty CP Lâm đặc sản xuất xuất khẩu Quảng Nam giá trị sổ sách 19,5 tỷ nhưng thoái, thu về hơn 50,9 tỷ đồng; Công ty CP TM và Đầu tư Barotex giá trị sổ sách 19,9 tỷ đồng nhưng thoái, thu về hơn 30,3 tỷ đồng...

Ngày 30/9/2017 - hạn cuối chuyển Sabeco, Habeco về SCIC?

Để đẩy nhanh thoái vốn thời gian tới, Cục Tài chính doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ một số giải pháp. Trong đó, giải pháp thứ nhất là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12/2017. Trường hợp đến ngày 30/9/2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước. Theo đó, việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn nhà nước số lượng lớn; đảm bảo cải cách hành chính, tăng trách nhiệm, theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Đồng thời giúp Bộ Công Thương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý nhà nước được Chính phủ giao.

Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng cần công khai phương án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, lộ trình, kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp và kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và gửi về Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp để theo dõi, đôn đốc. Ngoài ra, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần trực tiếp chỉ đạo xây dựng danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo từng năm và danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo mốc thời gian cụ thể. Theo đó, trước ngày 31/8/2017, phê duyệt phương án cơ cấu lại tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý, thẩm định phương án cơ cấu lại tập đoàn kinh tế và SCIC trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tháng 7/2017, có 7 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2017, có 26 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, 7/44 doanh nghiệp thuộc danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 gồm: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Truyền hình Viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom); Công ty TNHH MTV cấp nước Sóc Trăng, Công ty TNHH MTV công trình đô thị Sóc Trăng; Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hưng Yên). Số còn lại thực hiện theo Quyết định phê duyệt giai đoạn 2011-2016. Tổng giá trị thực tế của 26 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 71.880 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 18.368 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vốn điều lệ của 26 đơn vị là 22.633 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 11.063 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 6.528 tỷ đồng, bán cho người lao động 156 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 16 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.869 tỷ đồng.

Hà Minh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/co-phan-hoa-vi-sao-cham-ap-luc-60-nghin-ty-dong-va-su-doi-cho-tu-sabeco-habeco.aspx