Có người lính Biên phòng 'cõng chữ' về với bản Mông

Từ Cột Mốc đến Sa Lai (xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), đâu đâu người dân cũng nhắc đến Thiếu tá Trần Văn Phúc (nhân viên Đội Kiểm soát Hành chính, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, BĐBP Sơn La) - người đã kiên trì, cần mẫn dạy chữ cho đồng bào Mông nơi đây. Người thầy giáo quân hàm xanh không ngại khó, không ngại xa mang 'ánh sáng' tri thức giúp người dân tự tin hơn để bắt nhịp với cuộc sống.

Thiếu tá Trần Văn Phúc dạy học xóa mù chữ ở bản Sa Lai. Ảnh: Trúc Hà

Mang chữ lên non cao

Bản Sa Lai là nơi sinh sống của gần 500 nhân khẩu, đều là dân tộc Mông. Các hộ này vốn ở tỉnh Lào Cai di cư tới từ cuối những năm 1990, sinh sống bằng nghề làm rẫy. Sa Lai từng được biết đến với “nhiều không” nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau này, chính quyền địa phương đã có những đầu tư về cơ sở hạ tầng, có đường vào Sa Lai, có điểm trường, có điện lưới..., bởi vậy mà cây trồng, vật nuôi bà con sản xuất được đã trở thành hàng hóa, cuộc sống cho bà con được cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, ở Sa Lai vẫn còn nhiều người không biết chữ, tỷ lệ tái mù chữ cao, vì vậy, tháng 4/2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ đã phối hợp với Đồn Biên phòng Chiềng Sơn mở lớp học dạy xóa mù chữ cho người dân. Thiếu tá Trần Văn Phúc và thầy giáo Đinh Văn Trọng (Trường Tiểu học Tân Xuân) thay phiên nhau đứng lớp.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Thiếu tá Trần Văn Phúc đứng lớp. Tháng 11/2021, anh là Chốt trưởng chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 tại bản Cột Mốc. Đây là bản giáp biên duy nhất của xã Tân Xuân, rất xa xôi, đầy rẫy khó khăn. Lớp học xóa mù chữ được mở trong thiếu thốn bộn bề, thế nhưng lại thu hút được rất nhiều học viên, bởi trong sâu thẳm bà con bản Cột Mốc ai cũng muốn học chữ. Sau đó, Thiếu tá Trần Văn Phúc được tham gia tập huấn về dạy xóa mù chữ do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức tại thành phố Hải Phòng. Thời gian tập huấn không nhiều nhưng đã giúp anh có thêm nghiệp vụ sư phạm. Vậy nên khi được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ phụ trách lớp học ở bản Sa Lai, Thiếu tá Trần Văn Phúc tự tin hơn rất nhiều.

Chúng tôi khá bất ngờ khi một nhân viên Đội Kiểm soát Hành chính, là người miền xuôi lại đứng lớp dạy đồng bào Mông học chữ, bởi từ trước đến nay thường thấy là cán bộ Đội Vận động quần chúng, đơn vị cũng lựa chọn cán bộ người Mông đứng lớp vì “am hiểu phong tục tập quán dễ đồng cảm, chia sẻ hơn”. Thế nhưng, tìm hiểu kĩ và chứng kiến Thiếu tá Trần Văn Phúc đứng lớp, chúng tôi càng thấm thía câu “BĐBP biết nhiều việc, giỏi một việc”.

Từ tổ công tác Biên phòng Thẳm Tôn vào bản Sa Lai gần 20 cây số, bởi vậy, chiều nào Thiếu tá Trần Văn Phúc cũng ăn cơm sớm để đúng 18 giờ 30 phút có mặt tại Điểm trường Tiểu học Sa Lai. Thấy lớp học mở cửa, điện bật sáng, các học viên của lớp học xóa mù bản Sa Lai nhanh chóng sắp xếp công việc để đến lớp đúng giờ. Thầy giáo tận tình, trách nhiệm, học trò thiết tha học chữ, nên dù chỉ là lớp học xóa mù cho người lớn tuổi, nhưng kết quả lại hơn cả mong đợi.

“Ánh sáng” từ lớp học biên cương

Chúng tôi tìm đến lớp học xóa mù ở bản Sa Lai khi khóa học chuẩn bị kết thúc. Hơn 6 tháng gắn bó, thầy trò đã quá quen thuộc. Những con chữ, phép tính không còn làm khó được mọi người nên tiết học diễn ra vô cùng vui vẻ. Nhìn lại chặng đường đã qua, mọi người thấy tự hào về những gì mình đã làm được. Theo Thiếu tá Trần Văn Phúc, các học viên rất tích cực, chăm chỉ học tập. Danh sách đăng kí ban đầu chỉ có 32 người, nhưng ngay sau tối khai giảng, đã có người “thập thò ngoài cửa xin thầy giáo được theo học”. Biết rằng sẽ vất vả hơn nhưng trước nhu cầu chính đáng của người dân, Thiếu tá Trần Văn Phúc đã thông báo “ai muốn học cứ đến lớp, chỉ cần nghiêm túc”. Thế là, có những buổi sĩ số lên 42 khiến thầy giáo phải kê thêm bàn ghế.

Hình ảnh học viên nữ cõng con lên lớp tại lớp học xóa mù chữ ở bản Sa Lai. Ảnh: Trúc Hà

Thế nhưng, không phải mọi thứ đều thuận lợi, dễ dàng. Cả ngày làm việc trên nương, buổi tối về cơm nước cho gia đình rồi lại đi học sẽ không tránh khỏi mệt mỏi. Để tránh uể oải, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài nên có những tiết học, Thiếu tá Trần Văn Phúc phải kết hợp giáo án với những cuộc trò chuyện, trao đổi vui vẻ giữa thầy và học viên về đời sống, sản xuất, sinh hoạt của bà con. Những lúc ấy, lớp học trở nên vô cùng sôi nổi. Bản thân Thiếu tá Trần Văn Phúc cũng rất trách nhiệm. Có những lần phải về đơn vị họp, đi công tác nhưng ngay sau khi xong việc, anh quay trở lại tổ công tác để lên lớp vì “nếu nghỉ 1-2 buổi thì người dân sẽ ít đi”.

Vì lớp học vào buổi tối nên những đứa trẻ cũng theo cha mẹ tới trường. Nhỏ thì ngồi cùng mẹ, ngủ trên lưng, đứa lớn thì đứng bu cửa sổ hoặc chơi trò đuổi bắt ngoài sân. Trò chuyện với các học viên, chúng tôi càng hiểu hơn lý do vì sao người dân lại thiết tha được biết chữ đến thế. Chị Lý Thị Di cho biết: “Ngày nay bình đẳng nên trẻ em gái hay trai đều được đến lớp, đúng độ tuổi chứ trước đây chỉ có đàn ông mới được đi học. Con gái ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nhà, nương rẫy rồi lấy chồng. Không biết chữ khổ lắm. Biết chữ thì đi đâu cũng không còn phải lo lắng hay đơn giản như chồng không ở nhà, vợ vẫn có thể tính toán khi có người đến hỏi mua ngô, sắn, lợn, gà. Giờ tôi đã biết chữ nên vui lắm”.

Khi các học viên bắt đầu đọc, viết khá hơn, cũng là lúc Thiếu tá Trần Văn Phúc lồng ghép các tiết tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thiếu tá Trần Văn Phúc mang tới lớp những tờ rơi tuyên truyền liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người dân như Luật Biên phòng Việt Nam; những văn bản liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép; phòng, chống tảo hôn... Anh mời các học viên đọc nội dung và đặt những câu hỏi để các học viên trả lời. Anh Lý A Thái phấn khởi cho biết: “Được thầy Phúc dạy cho nên vợ chồng tôi biết chữ, biết thêm nhiều kiến thức về pháp luật, nhờ vậy, chúng tôi sẽ tránh được việc vi phạm pháp luật, không bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo”.

Tháng 11 - tháng tri ân thầy cô giáo, những người không quản nhọc nhằn đưa những chuyến đò tri thức qua sông. Tôi biết rằng, ở nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc, những học viên lớp xóa mù chữ của Thiếu tá Trần Văn Phúc có thể không tổ chức được trọng thể ngày lễ đó, nhưng sự chăm chỉ, cần mẫn, tích cực học tập là món quà ý nghĩa nhất đối với người thầy giáo quân hàm xanh rồi. “Việc dạy xóa mù chữ giúp bà con nâng cao trình độ dân trí, dễ tiếp nhận hơn những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi cho rằng, biên giới bình yên khi mỗi người dân ở đó có cuộc sống no ấm, hạnh phúc và người dân phải hiểu rõ, nắm chắc về pháp luật” - Thiếu tá Trần Văn Phúc chia sẻ.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-nguoi-linh-bien-phong-cong-chu-ve-voi-ban-mong-post469114.html