Có nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn muối?

Trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều mẹ bỉm sữa hiện nay đang bày tỏ băn khoăn không biết có nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn muối trong các khẩu phần ăn hàng ngày hay không?

Chúng ta đều biết rằng, muối là một gia vị thiết yếu trong các bữa ăn hàng ngày, ngoài ra nó còn có tác dụng giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa mất nước và cải thiện chức năng tiêu hóa.

Tuy nhiên đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, việc cung cấp lượng muối cho cơ thể đúng thời điểm lại rất quan trọng. Sử dụng muối cho trẻ quá sớm hay quá muộn đều có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.

Ảnh minh họa.

Theo Lao Động, các chuyên gia chỉ ra rằng trước 6 tháng tuổi, trẻ sẽ nhận được lượng muối cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi con bắt đầu ăn dặm, cha mẹ vẫn không cần thêm muối vào thức ăn của con.

Đến 12 tháng tuổi, trẻ chỉ cần một lượng muối rất hạn chế trong khẩu phần ăn: ít hơn 1g/ngày. Lượng muối khuyến nghị hàng ngày cho trẻ em từ 3 tuổi là 2g/ngày. Khi trẻ lớn lên, chúng ta có thể tăng dần lượng muối ăn theo độ tuổi của trẻ.

Trong khi đó, VTC news chia sẻ việc quá tải muối có thể dẫn đến các bệnh lý tại thận, bệnh loãng xương và tình trạng tăng huyết áp lúc trưởng thành. Chế độ ăn nhiều muối cũng có thể khiến trẻ nhỏ bắt đầu thói quen thích ăn mặn lâu dài.

Đối với vấn đề này, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến nghị cha mẹ nên nêm nếm một lượng nhỏ muối để thức ăn có vị ngon hơn, nhưng không được phép sử dụng quá đà. Bởi lượng muối cao sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng thận và gây nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch cho trẻ trong tương lai.

Bố mẹ có thể sử dụng một số thực phẩm lành mạnh như trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa để cung cấp đủ muối cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi. Tốt nhất, bố mẹ nên giữ lượng muối thêm vào thức ăn của con ở mức tối thiểu.

Ảnh minh họa.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, gần 80% muối trong chế độ ăn uống của chúng ta đều đến từ thực phẩm chế biến sẵn. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bố mẹ không nên cho bé ăn những thực phẩm đó. Ví dụ như ngũ cốc, mì ăn liền, bánh quy, pizza, bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, nước sốt, thực phẩm đóng hộp,...

Cha mẹ có thể sử dụng một số mẹo sau để kiểm soát lượng muối trong khẩu phần ăn của trẻ:

- Bất cứ khi nào bạn nấu một bữa ăn gia đình, hãy luôn lấy phần của bé ra và sau đó thêm một ít muối cho những người còn lại trong gia đình.

- Sử dụng một số loại gia vị không có muối như thảo mộc khô, phô mai, đậu phộng rang, hạt mè,... để tăng hương vị cho món ăn của trẻ.

PV

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/co-nen-cho-tre-duoi-1-tuoi-an-muoi-d3737.html