Có nên cho trẻ ăn thịt cóc chữa bệnh còi xương?

Thành phần gây độc của cóc là độc tố bufotoxine - một chất cực độc, có thể gây chết người trong thời gian ngắn.

Con tôi 5 tuổi, đi khám bác sĩ nói bé bị còi xương và cho thuốc uống. Nhiều người nói cho ăn nhiều thịt cóc bé sẽ hết bệnh, khỏe mạnh hơn. Tuy vậy tôi vẫn chưa dám cho bé ăn vì đọc báo thấy nhiều người bị ngộ độc thịt cóc. Vậy thịt cóc có thực sự an toàn không? (Võ Thị Thu Hồng, Bình Dương)

Trả lời

Theo BS Nguyễn Thị Minh - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, thịt cóc có tỉ lệ đạm rất cao và không độc.

Thành phần gây độc của cóc là độc tố bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt - có trong gan, trứng, da, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn.

Về nguyên nhân lâu lâu lại có vụ ngộ độc thịt cóc, là do người dân hiểu biết chưa đầy đủ về cóc nên ăn cả gan và trứng cóc. Khi chế biến thịt cóc không loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố dính vào thịt cóc dẫn tới ngộ độc.

Để phòng ngừa ngộ độc thịt cóc thì tốt nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.

Trong trường hợp vẫn muốn sử dụng cóc làm chà bông, cần tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc; không để da cóc, nhựa cóc dính vào thịt cóc; tránh làm vỡ trứng cóc, dính và sót trứng cóc trong thịt cóc.

Theo BS Nguyễn Thị Minh - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-cho-tre-an-thit-coc-chua-benh-coi-xuong-post741091.html