Có nên bỏ quy định mức lương tối thiểu?

Xung quanh quy định mức lương tối thiểu, vừa qua có một số ý kiến cho rằng, nên bỏ quy định này để tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý, không thể bỏ quy định này để bảo vệ quyền lợi người lao động và tránh những tác động tiêu cực đến đời sống của họ.

Hiểu đúng về lương tối thiểu

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), mức tăng lương tối thiểu trong 10 năm qua ở nước ta có tốc độ tăng trung bình hai con số. Cụ thể, giai đoạn 2007-2016, lương tối thiểu tăng ở mức 11-70% mỗi năm (mức tăng khác biệt theo vùng), trung bình đạt xấp xỉ 20%. Tuy nhiên, trong giai đoạn trên, mức tăng lương tối thiểu vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra, năng suất lao động của nước ta trong giai đoạn này tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4% nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%).

Từ nghiên cứu trên, TS Nguyễn Đức Thành nhận xét: “Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực có tỷ lệ tăng lương tối thiểu cao hơn năng suất lao động, điều này sẽ ăn mòn sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế”.

Tuy nhiên, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia khẳng định: Nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế thị trường và tiền lương được tính toán dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động. Do đó, Chính phủ và Nhà nước phải có quy định về chế độ tiền lương tối thiểu để bảo đảm cho người lao động yếu thế, có trình độ, tay nghề thấp… nhận được mức lương đủ để trang trải cho cuộc sống tối thiểu của họ. Lương tối thiểu là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương, bảo đảm rằng mức lương thực nhận không thấp hơn lương tối thiểu, nhưng vẫn phải bảo đảm dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất của người lao động.

Còn theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): "Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận thấy rằng, người lao động là tầng lớp yếu thế trong xã hội và chiếm số đông nên cần có những chính sách bảo vệ, trong đó có quy định lương tối thiểu. Hiện nay, trong 189 quốc gia tham gia ILO thì 130 nước có quy định về lương tối thiểu, trong đó có nhiều nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Thái Lan… Ngoài ra, lương tối thiểu cũng là một ngưỡng để chống đói nghèo, “lưới an toàn” bảo vệ người lao động, do đó tôi không đồng tình với ý kiến bỏ quy định lương tối thiểu".

Bỏ lương tối thiểu, người lao động chịu nhiều tác động

Trước thông tin nghiên cứu của VEPR, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần phải xem xét lại vì báo cáo không nói rõ là năng suất lao động xã hội hay năng suất lao động công nghiệp. Thời gian qua, lương tối thiểu được điều chỉnh dựa theo năng suất lao động công nghiệp, do đó không thể so sánh tiền lương trong khu vực này với năng suất lao động xã hội. Ông Chính cũng chỉ ra rằng: “Doanh nghiệp đang lợi dụng lương tối thiểu để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong khi đó, họ lại xây dựng một bảng lương khác để gửi cho cơ quan thuế. Do đó, cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội phải phối hợp với nhau để xử lý vấn đề này”.

Đánh giá về những tác động khi bỏ quy định mức lương tối thiểu, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: "Người lao động sẽ bị giảm thu nhập và quyền lợi, rất dễ bị bần cùng hóa. Điều này đi ngược lại với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của người dân, người lao động. Theo tôi, bỏ quy định về mức lương tối thiểu là không ổn".

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm: “Trong điều kiện hiện tại ở nước ta, tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn nên cần thiết phải có quy định lương tối thiểu. Nhưng trong tương lai, khi nhóm lao động có tay nghề tăng thì nên hướng đến việc chỉ có quy định lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng bị yếu thế. Theo nguyên tắc, tiền lương là giá cả của sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường, do sự thỏa thuận của các bên, Nhà nước chỉ quy định mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để bảo đảm điều kiện sống tối thiểu. Điều này cho thấy, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc xác định lương tối thiểu để các bên thương lượng về mức lương trả cho người lao động”.

Trước những thông tin và luồng ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, tiền lương tối thiểu như công cụ để bảo đảm an sinh xã hội, áp dụng cho người lao động bình thường trong điều kiện làm việc bình thường. Còn thang bảng lương tại doanh nghiệp là việc giới chủ đàm phán với công đoàn. Hiện nay, trên thế giới vẫn có hơn 100 nước áp dụng cơ chế thỏa thuận lương tối thiểu hằng năm.

ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/co-nen-bo-quy-dinh-muc-luong-toi-thieu-520210