Có nên áp thuế 10% với nước ngọt?

Ý định của Bộ Tài chính áp mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt 10% từ năm 2019 đối với sản phẩm nước ngọt đang vấp phải phản ứng của các doanh nghiệp khi những luận điểm đưa ra chưa thực sự thuyết phục, thỏa đáng.

Trong khi đó, việc áp thuế có thể sẽ khiến ngành sản xuất nước ngọt chịu nhiều tác động lớn.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có phản hồi đến Bộ Tài chính trước dự định áp thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% đối với nước ngọt. Trong đó, VCCI có lưu ý, việc đánh thuế TTĐB không chỉ khiến các DN sản xuất nước giải khát, các DN mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà còn có thể ảnh hưởng cả những DN, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa.

Tác động dây chuyền

Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng Bộ Tài chính nên xem xét và chưa nên đưa mặt hàng nước ngọt vào diện chịu thuế TTĐB do nó sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như mục tiêu quy hoạch phát triển của ngành này trong những năm tới.

Theo ông Vỵ, với đề xuất mức thuế suất TTĐB 10% cộng với thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10 – 12% và liên quan đến đầu vào của sản xuất nước ngọt là ngành đường cũng có thể chịu thuế GTGT tăng 5 – 6%, giá thành của sản phẩm nước ngọt sẽ tăng ít nhất 12% trở lên. Giá thành tăng, giá bán sẽ tăng, sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm nước ngọt, trong khi đây là mặt hàng đang xuất hiện rất thông dụng trên thị trường.

Đồng thời việc tiêu dùng sản phẩm nước ngọt của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu hiện tại sản phẩm nước ngọt có giá khoảng 5.000 đồng/lít, khi tăng lên 12% giá sản phẩm sẽ là 5.600 đồng/lít, người mua trở nên đắn đo hơn, nhu cầu sẽ giảm đi.

Và một khi nhu cầu giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN, trong khi mục tiêu quy hoạch của Bộ Công Thương với ngành này là có mức tăng trưởng nhanh về sản lượng. Chưa kể, ảnh hưởng đó có thể làm dư dôi một bộ phận lớn nhân công trong ngành sản xuất nước ngọt và khi đó, Nhà nước lại phải có những chính sách để giải quyết việc này.

Một vấn đề đáng lo khác từ đề xuất tăng thuế TTĐB là việc có thể ảnh hưởng lớn đến nông dân và những DN thuộc lĩnh vực đầu vào, cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất nước ngọt. Theo lãnh đạo VBA, nếu giá thành cao, tiêu thụ giảm (dù nhu cầu không giảm) có thể dẫn tới nhiều hệ lụy, đơn cử như hàng nhập lậu sản phẩm nước ngọt sẽ tăng lên. Thậm chí, việc sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng có thể gia tăng.

Trong khi đó, cơ sở để Bộ Tài chính đề xuất áp thuế TTĐB 10% với ngành sản xuất nước ngọt là cân đối lại nguồn thu ngân sách, phù hợp thông lệ quốc tế, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (chống bệnh béo phì, bệnh tiểu đường…).

Theo giới chuyên gia, đây là những cơ sở, mục tiêu chưa rõ ràng. Làm sao lý giải, đánh giá được tác động của việc áp thuế TTĐB với ngành nước ngọt sẽ giúp tăng ngân sách bao nhiêu phần trăm, ảnh hưởng đến DN thế nào?

Đề xuất áp thuế TTĐB 10% được cho là sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh ngành nước ngọt

Chưa thuyết phục!

Nói về việc phù hợp thông lệ quốc tế, trong đề xuất của Bộ Tài chính có nêu một số quốc gia như Lào, Campuchia, Thái Lan đã áp thuế TTĐB với nước ngọt, hoặc một số nước ở châu Âu.

Nhưng theo giới chuyên gia, cũng có một số quốc gia dự kiến áp thuế TTĐB như Philippines, hay có quốc gia đã áp thuế với nước ngọt rồi lại thôi không áp thuế nữa như Mexico và thực tế, một số quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng chưa áp thuế TTĐB với nước ngọt. Vậy Bộ Tài chính lý giải thuyết phục thế nào về việc phù hợp thông lệ quốc tế trong đề xuất áp thuế này?

Hay là vấn đề bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nói như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI), vẫn chưa có đánh giá cụ thể về việc đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt sẽ làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam.

Còn ông Vỵ đặt vấn đề: Nguyên nhân béo phì là do đâu? Có phải do nước ngọt hay do nhiều nguyên nhân khác như: việc có chất tăng trọng trong những sản phẩm thực phẩm khác mà người tiêu dùng ăn vào dẫn đến béo phì, hay việc sử dụng quá nhiều lượng đường hoặc các chất khác nữa mà không phải chỉ có nước ngọt.

Một khi đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt, cũng nên có sự công bằng đối với những sản phẩm khác có sử dụng đường, nhưng trong đề xuất áp thuế của Bộ Tài chính chưa nêu rõ.

Giới chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý: Trong trường hợp sau này Bộ Tài chính có đánh giá tác động, nêu được những lý do quan trọng nhất để kiên quyết đưa mặt hàng nước ngọt vào diện áp thuế TTĐB 10%, sẽ cần làm rõ khái niệm nước ngọt trong Điều 2 thuộc Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế.

Trong đó, có định nghĩa nước ngọt bao gồm: loại có gas, không gas, nước tăng lực, thể thao, chè, cà phê uống liền được đóng gói trong dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ: nước trái cây, nước hoa quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Và theo lãnh đạo VBA, định nghĩa này vẫn chưa rõ ràng và phải có định nghĩa, khái niệm rõ hơn nữa với từng loại nước ngọt. Nhất là trên thực tế, khó có loại nước ngọt nào là 100% tự nhiên nước rau quả. Hoặc đơn cử, nước trái cây có chứa sữa, vậy bao nhiêu phần trăm được coi là sản phẩm từ sữa để được miễn thuế TTĐB?

Theo Thế Vinh/TBKD

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/co-nen-ap-thue-10-voi-nuoc-ngot-238481/