Có nên ăn trứng và thịt gà, vịt khi có dịch cúm gia cầm?

Việc ăn thịt gia cầm và trứng chỉ an toàn khi chúng được xử lý đúng cách và nấu chín kỹ, ngay cả khi có dịch cúm gia cầm hay không.

Trước nỗi lo về an toàn thực phẩm trước dịch cúm gia cầm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), việc ăn thịt gia cầm và trứng là an toàn khi chúng được xử lý đúng cách và nấu chín kỹ.

CDC khẳng định: "Sơ chế và nấu chín thịt gia cầm đúng cách giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi-rút và vi khuẩn, bao gồm cả cúm gia cầm”

Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo người dân không ăn thịt, trứng từ gia cầm bị bệnh, bị ốm chết. Chưa kể, thịt gà cũng có thể gây ngộ độc nếu chế biến và bảo quản sai.

Khi có dịch cúm, thịt gia cầm và trứng vẫn an toàn để ăn nếu sơ chế và chế biến đúng cách. Ảnh: HẠ QUYÊN

Để giữ an toàn khỏi bệnh tật do thực phẩm, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo cần xử lý và nấu thịt gia cầm và trứng đúng cách, tuân thủ các biện pháp sau:

Rửa tay bằng nước ấm với xà phòng trong ít nhất 20 giây trước và sau khi xử lý thịt gia cầm.

Làm sạch thớt, bát đĩa, đồ dùng và mặt bàn bằng nước xà phòng nóng sau khi chuẩn bị từng món ăn.

Không để chung thịt gia cầm sống với thịt đã nấu chín. Tương tự người dân cũng không nên để trứng gà, trứng vịt chung với các thực phẩm khác.

Người tiêu dùng cần lưu ý, tuyệt đối bao giờ đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa đã đựng thịt sống trước đó, kể cả thịt gia cầm hoặc trứng trừ khi đĩa đó đã được rửa bằng nước xà phòng nóng.

Khi chế biến thịt gia cầm, cần sử dụng riêng thớt dùng cho thịt sống và thớt cho thịt chín. Nấu chín kỹ thực phẩm, ngay cả với trứng. Trong trường hợp bạn không xác định được độ chín của thực phẩm có thể sử dụng nhiệt kế thực phẩm, để đảm bảo rằng các món ăn từ thịt gia cầm và trứng được nấu chín đúng cách.

Những thực phẩm này phải được nấu ở nhiệt độ bên trong tối thiểu an toàn là 74 độ C đối với gia cầm và trên 71 độ C đối với các món có trứng.

Ngày 6-4 vừa qua, Bộ Y tế chính thức xác nhận ca bệnh cúm A/H9 đầu tiên tại Việt Nam, là bệnh nhân nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Trước đây, chủng cúm A/H9N2 cũng đã gây bệnh ở một số nước Châu Á như Trung Quốc, Campuchia... Đây là chủng cúm gia cầm (gặp ở gà) sau đó lây sang người. Tỉ lệ tử vong này thấp hơn so với tỷ lệ tử vong do cúm A/H5N1 gây ra.

Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A/H9N2 trong đó có 2 ca tử vong.

Các chủng cúm A khác thường gặp như H5N1, H7N9, H7N3, H9N2, H10N8 đều có thể lây từ gia cầm sang người. Tính tới thời điểm hiện tại, trong các chủng cúm A có cúm A/H1N1 lây trực tiếp từ người sang người.

Để chủ động phòng ngừa dịch cúm gia cầm, người dân cần thực hiện các biện pháp sau ăn chín uống sôi, không ăn gia cầm đã bị ốm, chết. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. Đeo khẩu trang, xịt khuẩn ở những nơi đông người.

Khi có các triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, khó chịu cần đến ngay cơ sở y tế để khám bệnh.

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-an-trung-va-thit-ga-vit-khi-co-dich-cum-gia-cam-post784747.html