Có một 'tỉ phú' Lê Văn Công

Đã quá quen với hình ảnh Lê Văn Công bộc lộ niềm vui chiến thắng tại các kỳ đại hội thể thao lớn, người hâm mộ hẳn sẽ bất ngờ nếu biết VĐV cử tạ người khuyết tật nổi tiếng này đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp

Con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu dẫn vào ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn đưa chúng tôi đến với ngôi nhà khang trang nằm cuối hẻm của VĐV cử tạ người khuyết tật nổi tiếng Lê Văn Công.

Giấc mơ khởi nghiệp

Vài năm trước còn lang bạt ở nhà thuê khắp các quận, huyện ngoại thành, chàng lực sĩ quê Hà Tĩnh giờ đã thực sự "an cư lạc nghiệp" với mái ấm hạnh phúc của mình. Hai căn nhà cùng một lô đất trị giá hàng tỉ đồng là tài sản đáng mơ ước với giới thể thao nhưng với Lê Văn Công, đấy mới chỉ là thành quả ban đầu của giấc mơ khởi nghiệp.

Lê Văn Công trong xưởng sản xuất

Hai mươi tuổi, hai chân bị teo tóp từ khi mới lọt lòng, chàng thanh niên Lê Văn Công rời quê vào TP HCM mưu sinh, lòng canh cánh một giấc mơ thay đổi cuộc sống chính mình. Ba năm học kỹ thuật điện tử nhưng ra trường chẳng nơi nào nhận làm, Công phải bươn chải đủ mọi công việc, từ đánh máy văn bản cho đến chỉnh sửa hình ảnh trên máy vi tính với thù lao bèo bọt.

Được bạn bè giới thiệu, Công tìm đến với thể thao, bắt đầu tại CLB Cử tạ thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình. Duyên bén khó ngờ, anh trở thành gương mặt sáng giá của đội tuyển cử tạ người khuyết tật thành phố rồi quốc gia. Không có đối thủ ở hạng 49 kg, anh liên tiếp thiết lập các kỷ lục Đông Nam Á, châu Á và thế giới, trở thành VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam đầu tiên giành HCV tại Paralympic Rio 2016.

Thể thao mang về vinh quang cho Lê Văn Công nhưng thu nhập của một VĐV khuyết tật chưa tới 5 triệu đồng/tháng hoàn toàn không đủ để anh chu toàn cuộc sống gia đình. Đôi tay cơ bắp từng nâng cả trăm ký tạ, từ vài năm nay lại tỉ mẩn bên bo mạch, các con chip điện tử… của chiếc máy tăng âm (amplifier) hiệu Nakawa rất được thị trường ưa chuộng. Giá cả phải chăng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và nhất là được bảo hành dài hạn đến 5 năm, máy tăng âm Nakawa hằng tháng được xuất xưởng đến 3.000 cái, chen chân vào hàng chục siêu thị điện máy, đại lý lớn trên cả nước.

Thu nhập trăm triệu đồng/tháng

"Đây là sản phẩm mà tôi và thầy Lê Văn Ky, người dạy tôi nghề điện tử, cùng hợp tác sản xuất. Căn xưởng nhỏ ở Thủ Đức hiện có vài chục công nhân phải làm việc cật lực để kịp giao hàng cho đối tác. Uy tín thương hiệu đã có, chúng tôi đang tìm kiếm thêm thị trường, mở rộng sản xuất trong thời gian tới bên cạnh dự định mở một showroom trưng bày các sản phẩm, thiết bị âm thanh tự lắp ráp hay nhập khẩu chính hãng. Tôi cũng vừa hợp tác với một người bạn sản xuất các mặt hàng ví, thắt lưng, túi xách, giày dép... bằng da cá sấu. Tất cả đem về khoản thu nhập hằng tháng cỡ trăm triệu đồng" - Lê Văn Công chia sẻ.

Lê Văn Công nghiên cứu sản phẩm mới

Từ một chàng trai tật nguyền nhưng ý chí vươn lên trong cuộc sống cực kỳ mạnh mẽ, Lê Văn Công giờ được bạn bè, người thân gọi bằng những cái tên yêu thương như "đại lực sĩ", "tỉ phú khuyết tật"... Anh tự làm mọi việc cho bản thân trong sinh hoạt, chuyên cần trong tập luyện và sẵn sàng bùng nổ khi bước ra sàn đấu. Để rồi sau những giờ miệt mài bên các gánh tạ, anh trở về nhà với vai trò một người chồng tận tụy, một ông bố đảm đang và hơn thế, một doanh nhân bước đầu gặt hái thành quả trên thương trường. "Là trụ cột của gia đình, tôi nghĩ đời mình đã thiệt thòi nhiều nên càng phải cố gắng làm tất cả cho tương lai của con cái" - ông chủ trẻ Lê Văn Công tâm tình.

Dự tính mở phòng gym

Giành HCV và lập kỷ lục mới tại Paragames 2017, Công và đồng đội hiện tích cực luyện tập để chuẩn bị tham dự Giải Vô địch thế giới 2017 tại Mexico vào cuối tháng 11. Anh cho biết có thể sẽ nhận lời cộng tác với bạn bè, nghiên cứu mở một phòng gym quy mô mà anh đích thân hướng dẫn học viên về tập luyện, chế độ dinh dưỡng.

Bài và ảnh: Đào Tùng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/co-mot-ti-phu-le-van-cong-20171021204716258.htm