Có một Sài Gòn về đêm rất khác...

Không ồn ào về đêm như mọi người vẫn hình dung về Sài Gòn mà ở đó có thể nghe thấy tiếng côn trùng, có thể ngửi mùi rơm rạ, cỏ cây và hiểu về đặc trưng vùng miền qua mỗi món ăn bản địa.

Hưởng ứng Tuần lễ du lịch TP.HCM lần thứ 3 năm 2023 với chủ đề “Xanh trên mỗi hành trình”, UBND huyện Nhà Bè kết hợp với Công ty Thuyền Nhiêu Lộc tổ chức ra mắt tour du lịch mới, du lịch đêm với chủ đề “Nhà Bè – Ngàn lẻ một đêm”, sau sản phẩm du lịch “Nhà Bè ngày mới”.

Nhà Bè là huyện ngoại thành, cách không xa trung tâm TP.HCM, nằm giữa khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng ở phía Bắc và hệ sinh thái biển - rừng ngập mặn Cần Giờ ở phía Đông Nam. Nhà Bè có điều kiện đặc thù với hệ thống sông, kênh, rạch đa dạng nên có lợi thế phát triển du lịch đường thủy, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

“Nhà Bè – Ngàn lẻ một đêm” khởi phát từ ý tưởng của ông Phan Xuân Anh – Giám đốc Công ty Thuyền Nhiêu Lộc - một người nặng tình với du lịch sông nước Sài Gòn. Ông cũng là “cha đẻ” của nhiều tour đặc sắc như “Du ngoạn sử xanh”, “Lãng mạn trên dòng sông huyền thoại”, “Vọng nguyệt”, “Thắp sáng dưới chân cầu”....

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM trực tiếp trải nghiệm trong hành trình 4 tiếng của “Nhà Bè – Ngàn lẻ một đêm”. Bà Ánh Hoa đánh giá, tour du lịch này rất có ý nghĩa trong bối cảnh TP.HCM đang có chủ trương phát triển kinh tế đêm.

“Điều đặc biệt, nhân tố chính của sản phẩm du lịch này chính là bà con, cộng đồng người dân địa phương và khai thác lối sống, những đặc trưng về văn hóa, ẩm thực, tín ngưỡng của bà con để giới thiệu tới du khách. Đó là điểm nhấn giữa một đô thị sôi động, náo nhiệt như TP.HCM” – bà Hoa nói.

“Nhà Bè – Ngàn lẻ một đêm” được tính toán, xây dựng rất kỹ lưỡng. Trong nhiều tháng liền, ông Xuân Anh đã đi khảo sát từ trung tâm TP.HCM về huyện Nhà Bè để đảm bảo du khách có cung đường đi hợp lý nhất, không bị kẹt xe lúc di chuyển và đảm bảo “trọn gói” 4 tiếng bắt đầu từ cuối giờ chiều ở bến thuyền Nội đô Nhiêu Lộc.

Sau khi di chuyển bằng ô tô về tới UBND xã Hiệp Phước, mọi người sẽ được giao một chiếc xe đạp điện và một chiếc tai nghe để trải nghiệm.

Du khách cảm nhận về làng quê yên ả, thanh bình ngay từ khi bước chân vào làng Rạch Trăng 16. Chuyến khám phá sẽ thật lý tưởng nếu như đi vào hôm rằm. Mọi thông tin về địa điểm du khách ghé thăm và những câu chuyện li kỳ sẽ được truyền tải qua chiếc tai nghe nhỏ xinh để không làm ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người dân địa phương. Du khách cũng có thể lắng nghe được âm thanh về đêm của một huyện ngoại thành.

“Người dân vừa là chủ thể, vừa thụ hưởng những giá trị từ sản phẩm du lịch này” – đó là khẳng định của ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè. Người dân sẽ trực tiếp nấu các món ăn hoặc các loại nước uống địa phương để đãi du khách. Ông Lê Nguyễn cũng chia sẻ, bên cạnh tour du lịch đường bộ, huyện mong muốn phát triển tour du lịch đường thủy do có nhiều thuận lợi, đặc biệt cảnh vật rất thơ mộng, người dân thân thiện, mến khách; hệ thống thủy đạo tốt.

Để thưởng thức ẩm thực địa phương, du khách sẽ ghé vào một người dân, nghe kể chuyện về cuộc đời nông sân thuở xưa và ăn một bát mì “Trường dạ” do chính bàn tay của người nông dân nấu hay thưởng thức bát cháo Cối cùng mắm thắm.

Bà Kim Lan giới thiệu cho du khách về món cháo Cối.

Cháo Cối là món “có một không hai” ở Nhà Bè. Vịt xiêm thui vàng, chặt nhỏ, ướp gia vị cho thấm. Củ sả xắt nhỏ cùng sả khúc được xào lên cùng bột nghệ rắc thêm vào rồi cho vịt xiêm xào săn lại. Sau đó, cho vịt vào nồi cháo đỗ xanh đang sôi. Miếng thịt lúc ăn phải chấm đẫm trong mắm thắm mới đậm vị ngọt của cốt dừa và dậy mùi thơm.

Theo ông Xuân Anh, xưa người dân gọi cháo Cối là vì vịt và các loại gia vị được giã trong cối.

Du khách thắp hương tại Đình thần Long Hiệp và tham quan Thánh thất Cao Đài xã Hiệp Phước.

Du khách tìm hiểu về lịch sử của Thánh thất – nơi từng là căn cứ địa Cách mạng; ngoài ra được thưởng thức bánh chuối, bánh in, uống nước lá nhãn lồng.

Hai địa điểm check-in trong tour là của hai người dân trong ấp hiến đất. Họ tự trồng hoa, phối cảnh để du khách có những bức hình kỷ niệm khi đến với Hiệp Phước, Nhà Bè. Người dân địa phương cũng tặng du khách những bài vọng cổ giữa không gian mênh mang sông nước nên thơ.

Hồng Lĩnh/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/san-tour/co-mot-sai-gon-ve-dem-rat-khac-post1064569.vov