Có một Sài Gòn sống động trong những ngày binh lửa

Bằng ký ức và lối biên khảo ấn tượng tượng, luật sư Triệu Quốc Mạnh đã mang đến một Sài Gòn khác lạ, trải dài từ Hòa ước Giáp Tuất 1874 dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, đến khi đất nước thống nhất...

Sinh năm 1941 tại Trà Vinh, luật sư Triệu Quốc Mạnh đã từng tham gia vào các phong trào Thanh niên, nhân sĩ trí thức phản đối chiến tranh. Ông chính là một trong số những người tiên phong thành lập Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, góp phần thúc đẩy một nền hòa bình.

Tháng 4.1975, ông được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đương thời là Dương Văn Minh bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng Sài Gòn – Gia Định. Trong những ngày cuối của mùa hè đó, ông đã lập tức trả lại tự do cho tất cả tù nhân chính trị, giải thể bộ phận Cảnh sát đặc biệt, cũng như ra lệnh “Cấm nổ súng trước!” và “Cấm di binh!”. Do đó ông là chứng nhân của giai đoạn lịch sử đặc biệt này, và qua tập sách Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh, những gì trung thực và thú vị nhất về một đô thị quan trọng đã được tái hiện.

Một đô thị đa dạng

Chân dung luật sư Triệu Mạnh Trường. Ảnh: Hải Duyên

Chân dung luật sư Triệu Mạnh Trường. Ảnh: Hải Duyên

Sinh ra vào đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, nên Sài Gòn trong giai đoạn từ Hòa ước Giáp Tuất 1874 đến Mùa thu 1945 được ông ghi lại bằng sự tìm tòi qua nhiều khía cạnh, từ tôn giáo, tín ngưỡng, ẩm thực cho đến nghệ thuật. Trong phần đầu này, ông đã chứng minh cho nhận định rằng Sài Gòn là thành phố mở, đa sắc tộc và đa tôn giáo.

Đi sâu vào từng thành phần, ta sẽ thấy nhiều phát hiện mới lạ về những tầng lớp thị dân cùng nhau chung sống. Theo tác giả, có bốn thành phần đã từng hòa trộn vào đô thị này, là người Ấn, người Chà, người Hoa và người Việt nguyên gốc. Mỗi nhóm đều có những đặc trưng riêng, và đều góp phần hình thành nên bản sắc chung của đô thị đa dạng.

Theo đó, nếu như người Ấn có mặt từ sớm và chủ yếu kinh doanh vải vóc sang trọng dọc đường phía đông của chợ Sài Gòn thì người Chà Bombay lại nắm nghề thầu thu thuế, ngành nhập khẩu vải sợi, cho vay tiền góp… Khác với phân nhánh thuộc hệ Java, người Chà Châu Giang (từ Châu Đốc, An Giang) lại thường từ các tỉnh lỵ đến với Sài Gòn để buôn bán vải và các thảo dược, với các bao hàng được khoác trên vai và bán di động theo từng nhóm lớn.

Sự đa dạng chủng tộc của Sài Gòn trong những năm đầu người Pháp chiếm đóng. Nguồn: belleindochine.fr

Sự đa dạng chủng tộc của Sài Gòn trong những năm đầu người Pháp chiếm đóng. Nguồn: belleindochine.fr

Ẩm thực của người Ấn Độ cũng đã cho thấy sự phân hóa lớn. Bởi lẽ ở thời bấy giờ, cà ri với giá khá cao vẫn thường được xem như là món ăn của lớp trung lưu và người sành ăn, do phải nhập khẩu từ bản xứ. Ngược với điều đó, bánh rế, bánh cay lại là những thức khoái khẩu của rất nhiều người, từ trẻ con cho đến người lớn… và vẫn tồn tại dù là ít ỏi cho đến ngày nay.

Bên cạnh người Ấn, người Chà tương đối thân thiện thì đô thị này cũng có người Hồi với nhận dạng riêng là không để râu (để phân biệt với khu vực Trung Đông) hiền hòa, thường không va chạm… Thế nhưng họ sống tương đối khép kín và chỉ giao thiệp với những người cùng dòng. Họ cũng không quá cực đoan với các lề luật có phần hà khắc, mà được điều chỉnh sao cho hợp lý.

Ngoài ra không thể nhắc đến những người Hoa – lớp người tin rằng “phi thương bất phú”, từ đó ý chí làm giàu bằng nghề buôn bán luôn được chú trọng. Tác giả cuốn sách cũng tiết lộ thêm những điều đặc biệt, như chữ “hối lộ” vốn được khởi nguồn từ chính người Hoa, khi họ thường nhờ “Ma Txin” (tiếng Quảng) – nghĩa là “Má Chín” – để làm trung gian cho việc thương lượng với các cán bộ ở trong triều đình, vì thường khá ngại những chuyện “đụng chạm”.

“Mụ Xẩm” cũng gắn liền với những yếu tố khác, như Nhà thương mụ Xẩm là nơi có giấy chứng sanh (sinh) thường được tin tưởng tuyệt đối, khi ngày giờ sinh, tên cha tên mẹ đều được xác nhận kỹ càng. Phụ nữ gốc Hoa cũng là “chủ chứa” cho những nhà thổ ở ngay mặt tiền, và vì lẽ đó cũng còn được gọi là những “nhà số”.

Kinh doanh ngành này cũng có những điều kiện riêng, như người hành nghề sẽ phải khám bệnh chuyên về hoa liễu ở Nhà thương Bạc Hà một cách định kỳ. Và, khi đã được chứng nhận không mang bệnh phong tình thì họ mới được tiếp tục làm việc. Hành động đi khám bệnh đó vẫn thường được gọi là “đi lục xì”…

Hình ảnh người Hoa làm thương nhân và lục lộ do tác giả minh họa. Ảnh trích từ sách.

Hình ảnh người Hoa làm thương nhân và lục lộ do tác giả minh họa. Ảnh trích từ sách.

Cũng trong đô thị đầy đông đúc ấy, người Việt vẫn luôn “độc quyền cho sự cơ cực”, khi người đô thị cũng như nông thôn vẫn luôn mù chữ, quanh năm trồng lúa để rồi lời lãi lại về người Hoa – những người thu mua và rồi chuyển tiếp bán buôn. Trong tình hình đó, người Pháp làm trầm trọng thêm với chứng độc quyền buôn bán á phiện, nấu rượu cũng như kiểm soát muối hột, sản xuất muối bọt… làm cho dân chúng thêm quỵ lụy vào “tứ đổ tường”, khiến cho đời sống thêm phần khó khăn.

Có thể thấy rằng bằng những chấm phá ấn tượng, luật sư Triệu Quốc Mạnh đã tái hiện lại đô thị Sài Gòn tưởng quen mà lạ với các khía cạnh ta chưa từng biết. Đây là cách làm có phần đặc biệt, vừa mang tính chất cá nhân nhưng cũng đồng thời mở ra cách tiếp nhận khác, tạo sự lý thú cho độc giả trẻ.

Ký ức những ngày binh lửa

Nếu như phần trên được khắc họa lại từ nguồn thông tin đa dạng, thì từ giai đoạn 1945 trở đi, tác giả dẫn dắt người đọc bằng chính câu chuyện của bản thân mình. Khi Nhật đầu hàng và Pháp trở lại với chính sách khủng bố, thì cũng là lúc tác giả từ quê Trà Vinh lên định cư tại Sài Gòn cùng bố mẹ mình. Trong ký ức của ông thì phố Bà Đội Lào với bốn khu nhà gần trung tâm vẫn rất đậm nét và được kể lại thông qua đôi mắt đời thường.

Ký ức đậm nét là khu phố ấy có những người “thầy” chạy trên xe đạp và thường được gọi là “thầy lễ mắt cá” – những nhà phẫu thuật bình dân lưu động, chữa vết thương là những vết chai làm thốn bàn chân khi ta di chuyển, do người thời ấy hay đi chân trần đạp vào miểng chai. Khu phố nhỏ đó cũng có những người làm nghề da thuộc, mỹ nghệ từ chiếc sừng trâu... thế nhưng lại sống hài hòa và rất hòa hợp, khi không tọc mạch và tôn trọng nhau.

Đời sống tinh thần ở giai đoạn ấy cũng được tái hiện với sự đối lập của hai địa điểm. Trong khi rạp Thành Xương nơi ông và mẹ cùng đến xem diễn là chỗ của lớp trung lưu, bình dân Sài Gòn với việc hát bội và hát cải lương; thì Nhà hát Lớn lại như “thánh địa” dành cho tầng lớp thượng lưu, mê văn hóa Tây. Đường phố lúc đó cũng có những tuyến xe lửa điển (điện) với dây trên cao, tạo nên độc đáo cho riêng đô thị.

Rạp Thành Xương ngày xưa. Ảnh tư liệu

Rạp Thành Xương ngày xưa. Ảnh tư liệu

Lệnh tản cư và tái định cư những năm 1950 cũng đã chứng kiến những trận mất mùa cũng như thiếu đói trên toàn miền Nam. Tuy vậy trong giai đoạn đó, tác giả cũng đã nói về “vùng tự trị” Bình Xuyên như mảnh ký ức không dễ bắt gặp trong tác phẩm khác. Ở đó khi mới chỉ là đứa trẻ, ông đã nhìn thấy những người gia nhập Lính Thợ Bình Xuyên có tay nghề cao trong ngành cơ khí, kỹ thuật… vì không muốn theo phe phái Bảo Đại, bởi lẽ thứ chờ đợi họ là lên Cao Bằng, Lạng Sơn… yểm trợ quân Pháp.

Có mối quan hệ tương đối đặc biệt với thực dân Pháp, nên đây cũng là “địa bàn” của những sòng bạc, trường gà; cũng như trở thành trung tâm cho mạng lưới đề đóm, bài bạc lan tỏa rộng khắp. Tuy vậy tác giả cũng cho ta thấy nơi này lại đầy thiếu sót khi không có đủ trường học, thuốc men, nước uống… dù cho kinh tế tương đối khá giả. Chính trong “ốc đảo” tưởng bình yên này khi Mỹ “nhảy” vào, thì sự thay đổi mang tính triệt để bắt đầu diễn ra.

Nói về giai đoạn xây dựng chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm từ năm 1954 – 1963, luật sư Triệu Quốc Mạnh cũng cho ta thấy những điểm mới mẻ trong phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc, cũng như chính sách chấn hưng trong toàn đất nước. Đó là phong trào thể dục thể thao và việc đưa người giỏi về với quê hương. Ở đây ta sẽ gặp lại lực sĩ Nguyễn Công Án chuyên về thể hình, lực sĩ Nguyễn Thành Nhơn dạy lặn, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tái xây dựng lại Dinh Độc Lập... và còn nhiều yếu nhân nữa. Ngoài ra chính sách ổn định hộ tịch người Hoa, dẹp từng đảng phái, bài trừ quân đội giáo phái… cũng được thực hiện một cách rốt ráo.

Tuy vậy sinh viên cũng như những người có tư tưởng lớn cũng đã đứng lên phản đối chiến tranh kéo dài sau đó, đến khi nó dần dần leo thang và lên đỉnh điểm 10 năm tiếp theo. Đó chính là việc tái thiết văn hóa để tránh làn sóng hippy, yippy làm lu mờ đi giá trị dân tộc, với đỉnh cao của vở cải lương Đàn chim sắt (của đoàn cải lương Bảy Cao) hay dựng mới vở Đường lên Tây Trúc, khi Tề Thiên “phiên bản Việt” sẽ phải đối đầu với bọn yêu quái là cowboy Mỹ…

Cuốn Hồi ức Sài Gòn trong thời chiến. Ảnh: Minh Anh

Những năm tháng đó, phong trào “ký giả ăn mày” cũng đã nổ ra nhằm để phản đối chính sách “hốt, cắt, đục” kiểm duyệt báo chí, bên cạnh thực trạng bình định văn hóa, xét xử nhà làm văn hóa… của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng đã diễn ra vô cùng khốc liệt. Trong đó luật sư Triệu Quốc Mạnh cũng đã tiến hành tranh cử chính trị, dù biết bầu cử trong giai đoạn này toàn là gian lận, nhưng cũng từ đó ông có cơ hội lợi dụng chính luật tự do, tiến hành rải các truyền đơn nâng cao tinh thần…

Từ những điều trên có thể thấy rằng, Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh không hẳn là một nghiên cứu mang tính học thuật, mà chỉ đơn thuần là sự giãi bày, là những ghi chép một cách trung thực hình ảnh, sự kiện có thể chưa từng nhìn thấy của đô thị này trong chiến tranh 50 năm trước. Qua đó người đọc dù ở độ tuổi hay thế hệ nào cũng được trải nghiệm một thời đại khác, và rồi hiểu thêm về một Sài Gòn là “tuyến đầu vĩ đại, là công sự vĩ đại […] để cuối cùng có được một thành quả cũng thật vĩ đại, một Sài Gòn tuyệt đẹp, lẫy lừng.”

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/co-mot-sai-gon-song-dong-trong-nhung-ngay-binh-lua-40074.html