Có một Điện Biên Phủ bất diệt trong thơ ca, nghệ thuật

Lần đầu tiên, những người con của các văn nghệ sĩ nổi tiếng - những người đã đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại, đã để lại những dấu ấn, những tác phẩm bất hủ về Chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước ở các lĩnh vực văn học- nghệ thuật gặp nhau, ôn những kỷ niệm về thế hệ cha anh mình. Họ cũng là những tên tuổi tài danh, thế hệ kế tiếp những người cha của mình.

Đó là những cặp cha - con: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận; Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, con gái họa sĩ Ngô Mạnh Lân; Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ báo Nhân dân, con trai nhà văn Hữu Mai…

Từ trái sang: Nhà thơ Hữu Việt, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan, 3 người con của 3 văn nghệ sĩ Điện Biên Phủ.

Một "tinh thần Điện Biên" bất diệt qua tranh vẽ

Cầm trên tay cuốn sách tranh "Nét thời gian" - nơi lưu giữ các bức họa của cha mình, trong đó phần lớn là các bức vẽ về chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, con gái của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân nhắc lại niềm đau đáu khi ông còn sống: "Đây là cuốn sách tập hợp các tác phẩm ký họa của bố tôi, là công trình cuối cùng trước khi ông ra đi. Tâm điểm của "Nét thời gian" là những bức ký họa về chiến dịch Điện Biên Phủ. Cha tôi tham gia chiến dịch khi ông vừa tốt nghiệp khóa học mỹ thuật do các danh họa Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… là những người thầy trực tiếp đào tạo. Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là một họa sĩ, một chiến sĩ, một người lính, có những ngày tháng ăn cùng, ở cùng với bộ đội, cũng khoét núi, ngủ hầm.

Có lẽ đây là thời gian ông có nhiều cảm xúc nhất, nạp được nhiều thực tế chiến đấu nhất cho mình. Ông chưa có nhiều thời gian để hoàn thành các bức ký họa về Điện Biên Phủ, với gần 100 bức họa có những bức còn là những nét phác thảo nhanh; có những bức ký họa đã trở thành những tác phẩm độc lập. Cha tôi nói ông còn mắc nợ Điện Biên vì chưa có cơ hội biến những bức ký họa của mình thành những tác phẩm hoàn chỉnh. Bởi, sau khi chiến dịch kết thúc, năm 1955, cha tôi được cử đi tu nghiệp ở Liên Xô, về nước trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh phim hoạt hình thiếu nhi ở Việt Nam".

Tiến sĩ Ngô Phương Lan chia sẻ, làm công việc nghiên cứu, phê bình điện ảnh, bà đã lấy chính những bộ phim do cha mình sản xuất để làm đề tài nghiên cứu, như bộ phim “Truyện Ông Gióng” - một tác phẩm phim hoạt hình của Việt Nam được nhiều giải thưởng cao nhất trong nước và quốc tế. Dù là thể loại phim hoạt hình nhưng tinh thần Điện Biên được ông mang vào trong phim và gửi gắm ở hình ảnh Ông Gióng.

"Ông Gióng trong phim hội tụ tất cả những mong ước, sức mạnh của dân tộc trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước; có tinh thần đoàn kết, sự giúp sức của nhân dân khi góp cho Ông ba nong cà, bảy nong cơm để Gióng có sức mạnh phi thường. Đó cũng chính là sự chung tay của toàn dân tộc cùng hướng về Điện Biên Phủ. Hay như những khó khăn, gian nan trong chiến dịch, bộ đội ta phải nhiều lần kéo pháo vào, kéo pháo ra cũng giống như việc thợ rèn đúc Ông ngựa để Thánh Gióng cưỡi ra trận, phải nhiều lần đúc đi đúc lại mới có thể thành".

Tiến sĩ Ngô Phương Lan và cuốn sách tranh “Nét thời gian” của họa sĩ Ngô Mạnh Lân.

Những bài ca viết trên trận địa

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - tác giả của rất nhiều ca khúc viết về chiến dịch Điện Biên Phủ - tự hào nói về thế hệ cha anh, trong đó có người cha tài danh - nhạc sĩ Đỗ Nhuận. "Âm nhạc về Điện Biên không chỉ là những bài ca, ca khúc. Nó đã biến thành những hợp xướng, giao hưởng, trở thành một "binh chủng âm nhạc" hùng hậu. Điện Biên vẫn luôn là đề tài muôn thuở của nền âm nhạc cách mạng".

"Cha tôi có kể lại rằng, đúng ngày 7/5/1954, khi ông cùng với tốp văn công Tổng cục Chính trị đang làm đường, san đường ở ngay Mường Phăng thì có một chiến sĩ giao liên đi xe đạp ngược lại vẫy tay và hô rất to: "Mường Thanh giải phóng rồi, chúng ta đã chiến thắng rồi". Tất cả đoàn ôm nhau nhảy vòng tròn, và không biết nhảy điệu gì. Riêng nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong đầu đã xuất hiện những ca từ về một bài ca chiến thắng. Và thế là, ngay tại Mường Phăng, ngay dưới ngọn đèn dầu trong chiếc lán lợp mái lá, cha tôi đã sáng tác cả đêm, và từng câu, từng câu một cứ thế xuất hiện. Trong đầu ông khi đó có cả những làn điệu chèo, những giai điệu dân ca cổ truyền của dân tộc, nó được hòa trộn để hình thành ca khúc "Chiến thắng Điện Biên"…

Âm hưởng dân ca cùng với khí thế hào hùng thắng trận đã chắp cánh cho những ca khúc hùng tráng về Điện Biên Phủ ra đời, và hầu hết đó đều là những "siêu tác phẩm" bất hủ, sống mãi với thời gian. Chất liệu dân ca đã chảy trong những ca khúc sáng tác về Điện Biên Phủ, cũng giống như "Hò kéo pháo" của nhạc sỹ Hoàng Vân. Khi đoàn quân kéo pháo vào, kéo pháo ra, rất gian nan, gian khổ, có những đồng chí lấy thân mình chèn pháo như đồng chí Tô Vĩnh Diện và nhiều đồng chí khác, thà mình hy sinh nhưng khẩu pháo phải được bảo vệ an toàn.

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tạo ra một điệu hò mới, đó là hò kéo pháo. Trước đây chỉ là hò lao động: hò sông mã, hò kéo thuyền, hò kéo củi… Ông đã vận dụng sức mạnh tập thể trong một câu hò, trở thành hò kéo pháo… Tất cả các ca khúc đều được sinh ra trên chiến trận, cùng với một "ngọn hải đăng" dẫn đường, đó là tinh thần tất cả vì một Điện Biên, tất cả vì thắng lợi cuối cùng nên các nhạc sỹ cùng nhau chung một phương hướng, ý chí, chung một cảm hứng. Ở đây, bên cạnh đó đương nhiên phải nói về tài năng của các nhạc sĩ chiến trường, có mặt tại chiến trận. Các ca khúc của thế hệ các nhạc sĩ đi trước đều chứa đựng trong đó một hồn dân tộc, một kho tàng âm nhạc dân gian và cảm xúc tức thì, để từ đó có được những ca khúc sống mãi với thời gian", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Nhận xét về những giá trị của những tác phẩm âm nhạc ra đời trong kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân khẳng định: "Đối với chiến thắng Điện Biên Phủ, ngoài các lực lượng trực tiếp cầm súng chiến đấu, người dân cả nước góp công, góp của, góp sức, thậm chí góp cả máu…, bên cạnh những binh chủng đó có một binh chủng đặc biệt, đó là những văn nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ… ra trận và đã cắm một ngọn cờ chói lọi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những thắng lợi tinh thần đã tạo nên một niềm tin tất thắng trong tư tưởng, tâm lý, đấy là một trong những yếu tố thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân. Tôi nghĩ rằng, chúng ta tri ân, tôn vinh cả một thế hệ văn nghệ sĩ đã đồng hành cùng đất nước. Đối với âm nhạc không chỉ dừng lại ở Điện Biên 70 năm qua, mà sau đó còn rất nhiều tác phẩm đã đi vào thơ ca, phim ảnh…, đó vẫn là âm nhạc.

Nhà văn đi qua chiến tranh đã cảm hóa các nghệ sỹ khác

Nói về cha mình - nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hữu Việt xúc động: "Tài sản lớn nhất cũng là mối quan tâm đầu tiên trong gia đình mỗi khi có mưa bão xảy ra, là sẽ cất ngay những chồng bản thảo của cha. Khi đi học ở Liên Xô trở về, tôi mua tặng cha tôi cái máy chữ đầu tiên. Từ khi có chiếc máy chữ đó, sức làm việc của ông càng phi thường hơn thời kỳ viết tay những trang bản thảo. Mỗi đêm, từ trong căn phòng nhỏ, tiếng ông gõ máy chữ lạch cạch kéo dài đến rất khuya, tới mức hàng xóm thắc mắc chạy sang hỏi: "Không biết có tiếng động gì cứ lạch cạch cả đêm". Sau đó, tới khi có máy tính, tôi tiếp tục sắm tặng ông một chiếc thuộc thế hệ máy tính đầu tiên mà đến bây giờ chúng ta không còn nhìn thấy nữa. Thế mà ông tự tìm hiểu, mày mò rồi sử dụng thành thục các phần mềm không kém gì dân văn phòng chúng ta ngày nay".

Năm 1994, tiểu thuyết "Hoa ban đỏ" của nhà văn Hữu Mai được đạo diễn Bạch Diệp chuyển thể thành kịch bản cho bộ phim cùng tên. Tiểu thuyết nói về những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên. Đó là cuộc tấn công vào cứ điểm 206, Tiểu đoàn trưởng Phương bị trọng thương, đã được sự cứu chữa tận tình của cô y tá Tấm. Khi vết thương lành, họ tạm biệt nhau giữa cánh rừng nở đầy hoa ban đỏ. Tình yêu thầm lặng thời khói lửa. Thế nhưng, Tấm vẫn không nguôi nhớ về Phương. Trong tiếng hát chiến thắng, Tấm chạy khắp cánh đồng Mường Thanh để tìm Phương…

Nhà thơ Hữu Việt nhìn nhận, tác phẩm điện ảnh "Hoa ban đỏ" là sự bổ sung bằng ngôn ngữ, lợi thế của điện ảnh để góp phần hoàn chỉnh hơn kịch bản "Hoa ban đỏ" và tiểu thuyết "Hoa ban đỏ" của cha mình. Nhà thơ chia sẻ, kịch bản văn học "Hoa ban đỏ" có trước tiểu thuyết "Hoa ban đỏ", nghĩa là nhà văn Hữu Mai viết kịch bản trước khi viết tiểu thuyết văn học. Điện ảnh với những lợi thế về hiệu ứng âm thanh, hình ảnh… đã làm cho những tác phẩm văn học được lan truyền và tạo ra những hiệu ứng về thị giác, những cảm xúc của con người. Hai ngôn ngữ khác nhau nhưng đó là sự bổ sung hoàn chỉnh cho nhau".

Những giá trị mà các thế hệ nhà văn - chiến sĩ trải qua hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là thế hệ các văn nghệ sĩ giai đoạn Kháng chiến chống Pháp là minh chứng cho vai trò của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ, để từ đó hình thành chủ trương của Đảng: đưa các văn nghệ sĩ vào chiến trường. Vai trò của văn hóa nghệ thuật với đặc thù của mình đã góp phần thổi bùng lên khát vọng về độc lập, tự cường, tự do, đoàn kết, về tình yêu hòa bình. Những gì chúng ta được chứng kiến các tác phẩm văn học nghệ thuật của chiến dịch Điện Biên là một minh chứng hào hùng cho điều đó", nhà thơ Hữu Việt xúc động nói.

Thái Bình

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/co-mot-dien-bien-phu-bat-diet-trong-tho-ca-nghe-thuat-i730773/