Có một chuyến về nguồn

Chiến dịch K.8 (tiếp theo sau đó là K.10-K.15) diễn ra trên đất thép Vĩnh Linh đã trôi qua hơn nửa thế kỷ nhưng ký ức K.8 không bao giờ mờ phai trong cõi lòng sâu xa của những người từng tham gia. 50 năm đã trôi qua, nhiều người con Quảng Trị vẫn luôn muốn tìm về quê hương thứ 2 - nơi đã chở che, bao bọc và nuôi lớn mình trong những năm tháng chiến tranh.

Ra mắt cuốn sách “Măng non trong bão đạn” viết về học sinh K.8 ở Vĩnh Linh -Ảnh: TÚ LINH

Mới đây, anh Nguyễn Văn Bài - nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cùng bạn bè lứa K.8 ở làng Liêm Công Đông, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, đã tổ chức một chuyến hành hương “về nguồn” mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Chuyến đi được các anh lấy tên “50 năm ngày trở về kết thúc chiến dịch K.8 (1973-2023)” nhằm tri ân, thăm hỏi các cấp chính quyền, Nhân dân, cán bộ, trường học, các thầy cô giáo đã chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ con em K.8 trong 6,7 năm trời.

Anh Nguyễn Văn Bài nói: Do chưa có điều kiện tổ chức rộng rãi nên chúng tôi chỉ tổ chức cho học sinh K.8 làng Liêm Công Đông được di tản ra ở xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ở độ tuổi cấp 1, cấp 2, ra đi từ một vùng quê chiến tranh ác liệt, trải qua hơn 2 tháng trời vượt quãng đường sáu bảy trăm cây số trên bom dưới đạn, mùa thu năm 1967, học sinh chúng tôi đến được xã Yên Lợi trong sự đùm bọc, che chở đầy tình yêu thương của chính quyền, Nhân dân nơi đây.

Từ đó chúng tôi được chăm sóc, nuối nấng, ăn học cho đến năm 1973 Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng mới trở về lại quê nhà. 50 năm trước, từ một nơi ở mà chúng tôi coi như quê hương thứ hai trở về quê mẹ Vĩnh Linh, nay lại từ quê mẹ Vĩnh Linh đưa nhau tìm về vùng quê đã cưu mang, nuôi dạy mình khôn lớn, thì đây là một chuyến “trở về” vô cùng ý nghĩa với chúng tôi.

Trong chiến dịch K.8, các tỉnh Bắc Trung Bộ đều góp phần tham gia phục vụ. Ở mỗi tỉnh có một trạm dừng chân để tiếp thêm sức hành quân cho K.8. Hà Tĩnh có một trạm ở huyện Kỳ Anh, Nghệ An có một trạm ở huyện Thanh Chương, Thanh Hóa có Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Chỉ có tỉnh Quảng Bình được coi như vùng đệm, vùng hậu phương của Vĩnh Linh, hầu như đã dốc hết nhân tài vật lực phục vụ K.8 và một số huyện các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình đảm trách công việc nuôi dạy và đã trở thành quê hương thứ hai của con em K.8.

Anh Nguyễn Văn Bài chia sẻ thêm: Học sinh K.8 làng Liêm Công Đông thời ấy khá đông nhưng nay sinh sống tản mác nhiều nơi chưa liên lạc được hết, lần này mới tổ chức được 27 người. Chủ trương về nguồn được ban liên lạc báo cáo nội dung, xin ý kiến các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương và được sự đồng tình, ủng hộ nhiệt tình. Không những thế, lãnh đạo xã cũng tham gia làm thành viên trong đoàn.

Một sáng cuối tháng 9, đoàn vừa xuống xe đã được đại diện UBND, các đoàn thể và bà con nhân dân xã Yên Lợi túc trực sẵn tại trụ sở UBND xã đón tiếp rất nồng hậu. Thật không thể nào tả xiết nỗi vui mừng của những con người sau quãng thời gian dài xa cách nay gặp lại nhau. Cả 27 thành viên về đây ai cũng có một gia đình riêng.

Tìm nhận được nhau, ôm chầm lấy nhau và sau cuộc hân hoan đón tiếp chung, mọi người kéo nhau về với gia đình mà năm mươi năm trước đây mình từng chia ngọt sẻ bùi, từng sinh sống và lớn lên. Quê hương Yên Lợi nay đã khác xưa nhiều: những con đường liên thôn cao ráo rộng dài thẳng tắp, thôn xóm, nhà cửa, tường vách khang trang... Đây khu trường học, nọ trạm y tế, câu lạc bộ, nhà văn hóa... cuộc sống vui vầy, xe cộ đi lại tấp nập.

“Đi trên những con đường mới, chúng tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những lối mòn lầy lội xưa kia trong những ngày nghỉ học chăn trâu, cắt cỏ, lao động giúp đỡ gia đình, những ngày mưa rét lặn lội đến trường cách nhà 5,7 cây số... Bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về trong ký ức. Các bậc cha mẹ ngày xưa nuôi nấng con em K.8 một số đã qua đời.

Các bác, anh chị lớn tuổi, bạn bè cùng lứa thì còn lại khá đông. Một số nhập ngũ kháng chiến chống Mỹ hy sinh, tên tuổi các anh khắc trên những tấm bia nằm ngoài nghĩa trang; số trở về xây dựng cơ nghiệp ở quê nhà, số học lên, công tác đủ ngành nghề nay cũng đã nghỉ hưu... Chúng tôi chuyện trò thăm hỏi lẫn nhau, không khí tươi vui, ấm cúng. Không chỉ trong gia đình mà cả bà con xóm giềng xung quanh cũng sang chia vui, mừng rỡ hỏi han, tình cảm như đối với con cháu mình đi xa lâu ngày mới về vậy” ông Bài kể.

Buổi trưa, các thành viên trong đoàn ai nấy đều được quây quần ngồi ăn bữa cơm trưa với gia đình như 50 năm về trước, có bố mẹ nuôi, có anh chị em. Có khác là trên mâm cơm hôm nay không phải chỉ có bát mắm cua đồng hay bát cá rô đồng kho nghệ, đĩa rau muống luộc, tô canh rau lang nấu suông với tí bột ngọt... mà thật thịnh soạn như một bữa tiệc tiếp khách quý ở khách sạn, nhà hàng ngoài phố.

Ngay chiều hôm đó, UBND xã Yên Lợi tổ chức buổi gặp mặt đoàn K.8 rất trang trọng, đại biểu có đầy đủ các thành phần lãnh đạo đương nhiệm và qua các thời kỳ; cán bộ phụ trách K.8 trước đây, các thầy cô giáo đã dạy học sinh K.8, các gia đình, thân nhân nuôi con em K.8. Trên tấm phông trang trí màu đỏ nổi bật dòng chữ vàng tươi “Hội nghị gặp mặt đoàn học sinh K.8”.

Tất cả các thành viên trong đoàn đều có chung cảm nghĩ đây không còn là một cuộc gặp mặt thông thường mà chứa đựng nội dung nghĩa tình rất sâu đậm. Ở đây, ai cũng được gặp lại khá đầy đủ những con người đã tận tâm chăm lo mình từng miếng cơm, tấm áo, từng cuốn sách, ngòi bút hay những viên thuốc lúc ốm đau cũng như mọi vui buồn trong cuộc sống. Để từ đó, học sinh K.8 đã lớn khôn để có một ngày trở về quê mẹ Vĩnh Linh, trở thành người hữu ích. Cuộc họp mặt trong bầu không khí vô cùng thân mật, kéo dài tưởng chừng không có điểm kết thúc. Những bầu tâm sự, những mẫu ký ức, những kỷ niệm quá khứ 50 năm về trước được khơi dậy, mới mẻ như vừa hôm qua... Tuy thời gian chỉ có hai ngày nhưng đoàn cựu học sinh K.8 Liêm Công Đông đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa. Đoàn đã tri ân, thăm hỏi đầy đủ các gia đình và ân nhân K.8 trước đây, thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Yên Lợi, thăm lại những ngôi trường xưa, tặng quà cho Quỹ khuyến học xã Yên Lợi...

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi nhưng nghĩa tình những con người K.8 một thời chẳng bao giờ phai mờ sau lớp bụi thời gian. Mối quan hệ thân tình không chỉ ngày càng tươi tắn, bền chặt trong mỗi tấm lòng, trong mỗi trái tim những con người K.8 một thời mà nó đã kết nối qua không gian, thời gian nghĩa tình sâu nặng giữa những miền quê.

Nguyễn Trung Hữu

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/co-mot-chuyen-ve-nguon/180558.htm