Co Mạ phát triển thương mại, dịch vụ

Là trung tâm cụm 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu, những năm qua, xã Co Mạ đã khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn xã và các xã lân cận.

Bà con mua sắm tại chợ phiên xã Co Mạ ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh: Nguyễn Thư.

Hiện nay, xã Co Mạ có gần 100 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, tập trung chủ yếu một số lĩnh vực, như: Hàng khô, thực phẩm tươi sống, quần áo; hàng tiêu dùng, tạp hóa; dịch vụ xay xát, sửa chữa xe máy, xây dựng, quán ăn, cơ sở lưu trú... tại khu vực ngã ba bản Pha Khuông, bản Co Mạ. Định kỳ thứ 5 hằng tuần, tại khu vực trung tâm xã diễn ra chợ phiên, các thương lái vận chuyển đủ loại hàng hóa đến phục vụ bà con. Nhân dân trong xã cũng mang theo các loại nông sản đến trao đổi, mua bán…

Thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển, xã đã tuyên truyền, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các tiểu thương mở rộng đầu tư kinh doanh. Tuyên truyền, vận động các hộ dân kinh doanh tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông làm nơi kinh doanh. Tổ chức tập huấn, phòng cháy chữa cháy; tạo điều kiện cho các hộ tham gia kinh doanh tại khu vực đông dân cư, khu vực có lợi thế trên trục tỉnh lộ 108.

Bà con bản Cửa Rừng mua điện thoại tại cửa hàng khu trung tâm xã.

Ông Thào A Súa, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hằng năm, xã đã tuyên truyền các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định pháp luật kinh doanh hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao nhận thức cho nhân dân về nhận biết hàng giả, hàng nhái và tác hại của sử dụng hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành quy định về sản xuất, kinh doanh, chế biến; kiểm tra chất lượng hàng hóa vào các dịp cao điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa.

Gia đình anh Lò Văn Đức, bản Pha Khuông, xã Co Mạ, kinh doanh các thiết bị đồ gia dụng. Anh Đức cho biết: Chúng tôi nhập hàng tại các đại lý phân phối chính hãng của công ty, doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật mẫu mã mới, đảm bảo chất lượng, không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Khách hàng mua đồ dùng gia đình tại trung tâm xã Co Mạ.

Đa dạng các loại hình kinh doanh, dịch vụ đã thu hút đông đảo nhân dân các xã Long Hẹ, É Tòng, Mường Bám, Co Tòng, Pá Lông đến mua sắm, vui chơi vào các ngày lễ, tết, Quốc khánh 2/9… Từ đó, giúp các hộ kinh doanh nâng cao thu nhập, doanh thu bình quân đạt từ 70 triệu đồng - 300 triệu đồng trở lên/hộ/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Gia đình chị Vừ Thị Tùng, bản Pha Khuông, sản xuất và kinh doanh đồ thổ cẩm dân tộc Mông để phục vụ nhu cầu mua sắm và sử dụng của phụ nữ. Chị Tùng cho biết: Gia đình có 6 máy may, thực hiện may các họa tiết, hoa văn, áo, váy, trang phục… theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi năm, gia đình bán hơn 1.000 sản phẩm thủ công, thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương, với mức tiền công là 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Còn chị Vàng Thị Xế, bản Cửa Rừng, cho biết: Trước đây, khi sửa chữa điện thoại hoặc mua phân bón, ngô giống, gia đình tôi thường phải về trung tâm huyện cách nhà gần 40km. Những năm gần đây, trung tâm xã có nhiều cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp và sửa chữa điện tử, điện lạnh, gia đình tôi lựa chọn mua tại đây, vì giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo, quãng đường đi ngắn và thuận tiện hơn.

Hiện nay, xã Co Mạ tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, như đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, nâng cấp chợ, thu hút tiểu thương, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Phát triển thêm các loại mặt hàng điện tử, điện lạnh, xe máy quy mô lớn; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ mở rộng kinh doanh, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/co-ma-phat-trien-thuong-mai-dich-vu-lE7XkGvSg.html