Cơ hội vàng quảng bá sản phẩm OCOP

Là vùng nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh, với hơn 62.000 ha, mỗi năm, sản lượng thủy sản của huyện Ðầm Dơi cung ứng ra thị trường hơn 100 ngàn tấn, trong đó tôm trên 50 ngàn tấn. Ðể chuẩn bị cho Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ÐBSCL 2023, ngay từ tháng 9, địa phương tích cực tuyên truyền và vận động các chủ thể sản phẩm OCOP đăng ký theo nội dung phù hợp.

Theo đó, đối với Hội thi bao bì, mẫu mã và câu chuyện OCOP, có 3 chủ thể, với 9 sản phẩm OCOP tham gia; về trưng bày, triển lãm, có 7 chủ thể đăng ký với 20 sản phẩm OCOP.

Ông Huỳnh Nhật Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Ðịa phương sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia sự kiện Festival Tôm và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ÐBSCL. Hoạt động này không chỉ góp phần quảng bá thế mạnh của địa phương đến với các tỉnh, vùng miền trong nước, cả ngoài nước mà còn giúp các cơ sở tham gia học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, kỳ vọng sự kiện lớn lần này sẽ là cơ hội, tạo đòn bẩy để huyện Ðầm Dơi tiếp tục phát triển ngành tôm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như lượng khách biết đến sản phẩm đặc trưng của địa phương".

HTX Trúc Thương chuẩn bị tốt các điều kiện để tham gia Festival Tôm sắp tới với kỳ vọng các sản phẩm sẽ được nhiều khách hàng biết đến.

Hợp tác xã (HTX) Trúc Thương, xã Tân Dân, đăng ký tham gia trưng bày 4 sản phẩm, gồm tôm khô, tôm ép, tôm chà bông và mắm tôm tại sự kiện. Hiện tại, HTX đã hoàn tất các công đoạn lên mẫu mã và thiết kế bao bì sản phẩm, trong đó ưu tiên làm nổi bật sự tươi ngon, hấp dẫn của các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu tôm. Ngoài ra, các thông tin về nguồn gốc nguyên liệu và chỉ dẫn địa lý cũng được chú trọng, để khách hàng yên tâm khi lựa chọn sản phẩm.

Chị Trần Xuân Oanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Trúc Thương, chia sẻ: “HTX rất vui vì được vinh dự góp mặt với 4 sản phẩm chủ lực, được công nhận 3 sao OCOP năm 2022. Sân chơi OCOP đã mang lại nhiều giá trị cho HTX, ngoài khẳng định thương hiệu, uy tín, còn giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trong vùng, sản phẩm cũng được nâng lên. Kỳ vọng từ festival, sản phẩm của HXT sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, được khách hàng các tỉnh, thành khác biết đến nhiều hơn nữa”.

Chị Mã Thị Thêm, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Huy Thịnh, xã Tân Duyệt, cho biết: “HTX hiện có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, gồm mắm tôm, ba khía muối, ba khía trộn, khô cá phi và chả cá phi. Ðể chuẩn bị cho lễ hội tôm, HTX đã điều chỉnh lại bao bì sản phẩm. Nền phông chủ đạo là màu vàng đặc trưng, thể hiện rõ các thông tin về nguồn gốc, thành phần nguyên liệu, hướng dẫn cách dùng cụ thể, hạn sử dụng... và đính kèm mã QR để người dùng dễ tìm hiểu khi có nhu cầu. Chúng tôi không ngại thay đổi, cải tiến để thành công, luôn lắng nghe tâm tư của khách hàng để có được những sản phẩm ngon và đạt chuẩn nhất”.

HTX nuôi trồng thủy sản Huy Thịnh háo hức chuẩn bị các mặt hàng, nâng cấp thiết kế bao bì để tham gia trưng bày sản phẩm trong lễ hội tôm sắp đến.

Ông Huỳnh Văn Quốc, Phó chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Nam, thông tin: “Chuẩn bị cho Festival Tôm, UBND xã xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng hộ dân có nuôi tôm quảng canh và siêu thâm canh, đặc biệt là những cơ sở có quy mô lớn. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại đã có 56 ha thả tôm để phục vụ lễ hội”.

“Vụ mới này tôi thả hơn 100 ngàn con giống, riêng cua khoảng 5 ngàn con. Mong rằng ngành chức năng định giá tôm, cua cao hơn vụ trước để người nuôi được mùa, được giá, vì sau lễ hội cũng cận kề với Tết”, ông Tạ Văn To, ấp Tân Bình, xã Tạ An Khương Nam, chia sẻ.

Nhiều hộ nuôi tôm thả giống vụ ngoài cung ứng nguồn nguyên liệu cho lễ hội tôm thì còn chuẩn bị cho Tết nguyên đán sắp tới.

Không chỉ là sân chơi về quảng bá du lịch, ẩm thực văn hóa, Festival Tôm và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ÐBSCL 2023 còn là cơ hội vàng để con tôm nói riêng, ngành tôm nói chung, có những bước tiến vượt bậc./.

Ngô Nhi

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/co-hoi-vang-quang-ba-san-pham-ocop-a29915.html