Cơ hội vàng cho ngành sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam

Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip bán dẫn tích hợp trở thành 'xương sống' cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển.

Đón đầu cơ hội

Tại tọa đàm “Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn và kết nối đầu tư” do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Quỹ đầu tư Tập đoàn VinaCapital đồng chủ trì tổ chức ngày 27/9, các diễn giả đưa ra các giải pháp, cơ chế chính sách của nhà nước và Hà Nội cần thực hiện để phát triển ngành, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn…

Lãnh đạo thành phố Hà Nội và đại diện các Sở, ngành, doanh nghiệp tham dự Tọa đàm.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội và đại diện các Sở, ngành, doanh nghiệp tham dự Tọa đàm.

Nói về xu thế của công nghiệp bán dẫn, ông Trần Tuệ Minh, Nhà phân tích chất bán dẫn số 1 châu Á - đại diện đoàn doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, dự báo của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Đài Loan đưa ra, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng lên 551 tỷ USD trong năm 2023, trong khi hiện doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ 2 trên thế giới.

“Các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc ) có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, cam kết chia sẻ kinh nghiệm hoạch định chính sách, cũng như ưu tiên hàng đầu việc nội địa hóa phần mềm, đào tạo chuyên gia sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.”, ông Minh khẳng định.

Cũng tại buổi Tọa đàm, Ông Don Lam, Tổng giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital thông tin, Việt Nam mới đây đã nâng cấp quan hệ ngoại giao đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, sau đó nhiều tập đoàn hai nước đã ký biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực phát triển bán dẫn và công nghệ cao.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ đặc biệt quan tâm đến vị trí của Hà Nội trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao, do đó có thể coi đây là thời cơ lớn nhất từ trước đến nay đối với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, khi thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn trong bối cảnh phát triển chung được toàn thế giới quan tâm.

“Hà Nội có nhiều thuận lợi để phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn, xây dựng hệ sinh thái như tập trung nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu cùng đông đảo nguồn nhân lực trẻ năng động và sáng tạo, sẵn sàng tiếp cận và phát triển lĩnh vực chip bán dẫn khi được đầu tư và chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài.”, ông Don Lam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Don Lam cũng cho rằng, việc phát triển chip bán dẫn không chỉ đơn thuần là xây 1 nhà máy. Bởi quá trình này đòi hỏi một hệ thống sinh thái đi kèm gồm các thành phần như cơ sở hạ tầng, nguồn điện lưới, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, các cơ sở nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn đủ lớn, trong đó có sự tham gia của các quỹ đầu tư… mới xây dựng và hình thành hệ sinh thái ổn định và bền vững.

Định hướng thu hút vốn đầu tư FDI

Chia sẻ về định hướng thu hút vốn FDI thời gian tới, ông Vũ Duy Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, Hà Nội đã quan hệ hợp tác với 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, số dự án có hiệu lực là 7.226 dự án, với tổng vốn đăng ký là 62,5 tỷ USD (đứng thứ 2 cả nước). Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỷ USD.

Đặc biệt, Hà Nội hướng đến việc thu hút vốn đầu tư FDI có chọn lọc, chủ yếu tập trung vào: Dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường; sản phẩm, dịch vụ có giá trị thương mại cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Để thu hút đầu tư nước ngoài, ngoài việc ban hành các chính sách toàn diện và hạ tầng đồng bộ, Hà Nội cũng sẽ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong khu công nghiệp, như: Ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi về thuế nhập khẩu, ưu đãi về đất đai, ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về phát triển thị trường…”, ông Vũ Duy Tuấn nhấn mạnh.

Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, giao các Sở, ngành, đơn vị của thành phố Hà Nội triển khai một số nhiệm vụ cơ bản nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn, gồm:

Thứ nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Danh mục dự án xúc tiến đầu tư làm cơ sở kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu; thường xuyên kết nối với Quỹ VinaCapital và các công ty, tập đoàn có nhu cầu đầu tư tại Hà Nội để tiếp thu các đề nghị, giải đáp vướng mắc, hỗ trợ thủ tục và các điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư sớm xem xét, triển khai các hoạt động đầu tư tại Hà Nội.

Thứ hai, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất, cơ chế đầu tư và các điều kiện cần thiết khác phục vụ thu hút đầu tư các dự án nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn; đảm bảo tuân thủ đúng mục tiêu, tôn chỉ của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thứ ba, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP. Hà Nội nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn.

Thứ tư, đề nghị các trường Đại học, Cao đẳng quan tâm nghiên cứu thúc đẩy hợp tác, mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng cho Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Thứ năm, giao Trường Cao Đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội nghiên cứu, xây dựng đề án/chương trình/kế hoạch liên kết, hợp tác đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Thứ sáu, giao các Sở, ngành liên quan chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất, thực hiện thủ tục triển khai dự án với sự quan tâm cao nhất.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-hoi-vang-cho-nganh-san-xuat-chip-ban-dan-tai-viet-nam-d199578.html