Cơ hội thâu tóm doanh nghiệp

Giá cổ phiếu (CP) về sát mệnh giá, nhiều cổ đông lớn và cổ đông nội bộ tăng cường bán ra. Đây chính là cơ hội mua vào để gia tăng sở hữu tại các doanh nghiệp (DN) có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Hàng loạt CP các công ty chứng khoán (CTCK) đang niêm yết trên hai sàn đang có giá xấp xỉ bằng mệnh giá như ORS - CTCK Phương Đông, AVS - CTCK Âu Việt, CTS - CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam, VDS - CTCK Rồng Việt… Bên cạnh đó, nhiều CTCK khác cũng đang giao dịch ở giá dưới 20.000 đồng/CP và đây đều là những công ty đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong thời gian qua. Theo ông Lê Văn Thanh Long, Trưởng phòng Kinh doanh CTCK SME, chi phí để thành lập một CTCK mới cũng khoảng 20% trở lên. Như vậy, nếu tính ra chi phí cho một CP phải ở mức 1,2 lần so với mệnh giá (12.000 đồng/CP). Trong khi thời gian tới các quy định để thành lập CTCK mới sẽ được siết chặt hơn, đồng nghĩa với việc được cấp phép khó khăn hơn. Do đó, việc mua gom CP của các CTCK hiện nay để thâu tóm DN là một ý tưởng không tồi. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy xu hướng mua bán sáp nhập DN sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn trên TTCK Việt Nam. Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC, cho rằng bên cạnh giá CP đang ở mức thấp, việc các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ đua nhau bán ra cũng là cơ hội cho người khác mua lại. Đặc biệt trên thị trường hiện có nhiều DN mà giá CP đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách khá xa. "Đây sẽ là dịp thuận tiện để cho những công ty cùng ngành khác có thể mua lại DN khác nhằm mở rộng thị phần với khoản chi phí hợp lý", ông Huỳnh Anh Tuấn nói. Thông thường, các DN Việt Nam khi chính thức công bố việc mua lại công ty khác cũng là lúc DN đó đã hoàn tất việc đàm phán hoặc đã nắm giữ tỷ lệ lớn CP tại công ty được mua lại. Do đó, hiện nay có thể những thương vụ mua bán chưa được công bố rầm rộ nhưng không có nghĩa là sẽ không có những trường hợp âm thầm mua gom CP như câu chuyện của Công ty dược Viễn Đông mua CP của Công ty dược Hà Tây (DHT) vừa qua. Một số lĩnh vực được dự báo sẽ diễn ra các thương vụ mua bán DN sôi nổi trong thời gian tới như nhóm công ty có dự án (đa số là dự án bất động sản lớn), nhóm ngành nguyên nhiên vật liệu, nhóm ngành tài chính - ngân hàng… Một trong những yếu tố quan trọng để các thương vụ mua bán DN trên TTCK thành công là tính thanh khoản của CP đó. Nhiều DN khó bị mua lại vì cổ đông lớn hoặc ban điều hành của công ty đang nắm giữ số lượng lớn CP và không có ý định bán ra. Thế nhưng thời gian vừa qua, nhiều cổ đông nội bộ các công ty đang niêm yết đã thông báo liên tục bán ra số CP mình đang nắm giữ. Theo ông Lê Văn Thanh Long, việc các cổ đông nội bộ thi nhau bán sẽ tạo cơ hội thâu tóm DN nếu có những người khác đang âm thầm mua lại". Không ít người nghĩ rằng bán ra sau đó chờ mua lại với giá thấp. Tuy nhiên, diễn biến của TTCK thường gây bất ngờ ngoài dự báo của nhiều người. Vì vậy, đôi khi các cổ đông nội bộ này vô tình tiếp tay bán đi chính công ty của mình", ông Long nói. Sau cơn bão tài chính vừa qua, nhiều DN gặp khó khăn khiến giá CP đi xuống vì nhà đầu tư chán nản. Nhưng cũng có nhiều công ty vững vàng vượt qua khó khăn và họ sẽ tìm cách mở rộng thị phần, tăng năng lực cạnh tranh. Và việc mua DN khác là một trong nhiều giải pháp nhanh nhất với chi phí vừa phải. Đặc biệt, trong khi khung pháp lý cho hoạt động mua bán sáp nhập DN của Việt Nam còn chưa đầy đủ thì sẽ có nhiều hành động âm thầm thâu tóm mà DN bị mua khó biết để đối phó. Vì vậy những cổ đông nội bộ của các DN nếu không cẩn thận và mang CP ra "lướt sóng" sẽ có thể bị "mất ván". Mai Phương

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201040/20100927001406.aspx