Cơ hội tái đầu tư

Đầu tháng 8, hàng loạt các bệnh viện tại Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội thực hiện tăng viện phí với đối tượng không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT). Ở các bệnh viện Đà Nẵng, người dân trong và ngoại tỉnh vẫn tiếp tục lựa chọn thăm khám dịch vụ, khám trái tuyến ở nhiều bệnh viện có uy tín, chất lượng. Rõ ràng, mục tiêu cuối cùng của mọi chính sách đều quay về hai chữ chất lượng và đó cũng là mong chờ của người bệnh.

Người khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM (ảnh M.P)

Đà Nẵng hiện có 96% người dân đang tham gia BHYT. Việc điều chỉnh viện phí chỉ tác động đến gần 4% dân số còn lại. Tuy nhiên, mỗi năm Đà Nẵng có khoảng 20% người dân ngoại tỉnh đến thăm khám. Con số này có thể cao hơn với các TP.Hà Nội, TPHCM. Và nguồn thu cũng sẽ phụ thuộc vào việc các bệnh viện có thu hút được lượng khách hàng này hay không. Bên cạnh đó, với người dân, nếu không muốn viện phí trở thành gánh nặng, họ hoàn toàn có thể tham gia BHYT ngay từ bây giờ.

Riêng với Đà Nẵng, BHXH thành phố cho biết, đơn vị này đang triển khai đăng ký BHYT bằng một bước đơn giản. Đặc biệt, việc thông tuyến BHYT quận, huyện từ năm 2016 đã và đang tạo điều kiện cho người dân có nhiều lựa chọn trong việc khám chữa bệnh. Dự kiến hết năm 2020, BHYT sẽ thông tuyến tỉnh, thành phố, mở ra sự cạnh tranh đầy thách thức và cũng nhiều cơ hội khác cho các bệnh viện trên cả nước.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cúc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà - cho hay, mỗi tháng hiện nay bệnh viện quận Sơn Trà đang có 70-80 triệu đồng được trích lại từ nguồn thu để tái đầu tư, từ những việc rất nhỏ như thực hiện in đơn thuốc, áp dụng kỹ thuật quản lý hồ sơ bệnh án bằng phần mềm,...

“Sắp đến đây chúng tôi sẽ mở dịch vụ đăng ký khám qua mạng, người dân ở nhà có thể lấy số mà không mất thời gian chờ đợi. Bằng những thay đổi nhỏ đó, chúng tôi hy vọng sẽ có được sự tin tưởng của người dân, họ cũng không mất công đi xa để thăm khám, nguồn thu bệnh viện ngày càng lớn, nguồn tái đầu tư cũng lớn hơn. Để rồi quay ngược lại, người bệnh cũng sẽ nhận được sự chăm sóc ngày càng tốt hơn từ sự đầu tư đó của các bệnh viện”.

Năm 2020, dự kiến nhiều bệnh viện trên cả nước sẽ được phép tự chủ về tài chính, tự thu chi. Như vậy, khi không còn tình trạng ỷ lại vào nguồn “khách hàng” cố định (do đã thông tuyến BHYT) và chờ đợi sự đầu tư từ nhà nước, các bệnh viện sẽ có cơ hội tự chuyển đổi mình khi đứng trước thách thức phải cạnh tranh với các bệnh viện khác.

THÙY TRANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/co-hoi-tai-dau-tu-548768.ldo