Cơ hội phát triển thương mại, dịch vụ ở các khu công nghiệp

“Phố lên đèn là anh em lên đồ” – Đây gần như là Slogan của những công nhân lao động ở gần các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh hiện nay, bởi nhu cầu ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí sau một ngày làm việc mệt mỏi hiện nay đã được đáp ứng gần như đầy đủ. Thật vậy, hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) ở các KCN hiện nay sôi động không kém những khu đô thị sầm uất ở trung tâm thành phố.

Khách hàng lựa chọn các mặt hàng thiết yếu tại cửa hàng Mini mart Huyền Trang, thôn Quảng Thiện, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Chu Kiều

Việc nhiều khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn dần được lấp đầy, kéo theo đó là lượng dân số cơ học tăng cao đã mở ra nhiều cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cũng như phát triển ngành TMDV ở các địa phương trong tỉnh.

Sự phát triển của các loại hình TMDV cũng đã tạo diện mạo mới, góp phần thu hút các nhà đầu tư. Công nghiệp của tỉnh hiện nay không chỉ tập trung ở những khu vực trung tâm như thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và huyện Bình Xuyên mà còn trải đều ở các huyện khác nên nhiều địa phương cũng được hưởng lợi từ hoạt động TMDV phục vụ các KCN.

Theo ông Nguyễn Hồng Phương, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Xuyên, nhiều năm qua, các loại hình TMDV trên địa bàn phát triển mạnh tại các KCN, tạo điều kiện tốt hơn cho đời sống sinh hoạt của công nhân.

Nhiều siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải… được hình thành; hệ thống ngân hàng thương mại cũng bắt kịp xu thế để mở phòng giao dịch, lắp đặt hệ thống rút tiền ATM gần các KCN để kinh doanh cũng như phục vụ cho doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ).

Dịp gần đây, dẫn anh bạn ở Hà Nội đi tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản ở xã Thiện Kế (Bình Xuyên), chúng tôi không khỏi bất ngờ vì giá đất ở đây khá cao so với mặt bằng chung.

Tìm hiểu được biết, do địa phương có nhiều KCN nên “Tấc đất, tấc vàng”. Những hộ dân có đất ở đây nếu không cho thuê thì cũng mở dịch vụ kinh doanh bởi cơ hội kiếm tiền luôn rộng mở với họ, nên dù có tiền chưa chắc đã có đất mà mua.

Theo quan sát của phóng viên, tại các đường trục chính cũng như khu dân cư của xã, hệ thống cửa hàng, khu nhà trọ mọc lên san sát, hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi suốt ngày đêm, đáp ứng tốt nhu cầu của công nhân lao động (CNLĐ) và người dân địa phương.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết: Mấy năm gần đây, nhờ ở cạnh các KCN nên loại hình TMDV ở địa phương phát triển mạnh. Lượng CNLĐ đến sinh sống và làm việc luôn tăng cao, là cơ hội lớn để phát triển kinh tế địa phương.

Vì vậy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để người dân xây dựng và mở rộng các loại hình dịch vụ như nhà trọ, khách sạn, nhà hàng. Xã cũng vận động người dân tận dụng thế mạnh về hạ tầng giao thông thuận tiện để phát triển dịch vụ vận tải.

Hiện nay, toàn xã có gần 400 hộ kinh doanh cá thể, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 500 lao động địa phương. Mô hình cho thuê nhà trọ tăng nhanh, nếu như năm 2021, toàn xã chỉ có 2.150 phòng trọ, thì đến nay đã có trên 4.000 phòng trọ luôn kín người thuê; riêng việc cho thuê nhà trọ cũng cho thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có hàng chục DN tư nhân và hợp tác xã dịch vụ đang hoạt động hiệu quả cũng đem lại nguồn thu nhập và việc làm đáng kể cho địa phương. Theo ước tính, năm nay thu nhập bình quân của người dân địa phương phấn đấu sẽ đạt gần 70 triệu đồng/người.

Chị Kim Thị Oanh, Quản lý cửa hàng Mini mart Huyền Trang, thôn Quảng Thiện cho biết: Tiềm năng phát triển dịch vụ kinh doanh hàng tạp hóa ở đây rất tốt do lượng công nhân ở các KCN luôn tăng. Cùng với đó, thu nhập hằng tháng của người dân địa phương cũng cao nên nhu cầu mua sắm một số hàng hóa thiết yếu rất lớn. Có thời điểm, cửa hàng không kịp nhập hàng về để bán; doanh thu đạt từ 4 – 6 triệu đồng/ngày.

Có cùng địa lợi như Thiện Kế, các loại hình TMDV phục vụ các KCN ở thị trấn Bá Hiến cũng phát triển không kém khi tiếp giáp với xã Ngọc Thanh, Cao Minh của thành phố Phúc Yên và các xã trong huyện là Trung Mỹ, Thiện Kế, Tam Hợp, Sơn Lôi; có 3 KCN lớn đang hoạt động, trên 4.000 người đăng ký lưu trú đã tạo cơ hội lớn cho địa phương phát triển các loại hình TMDV.

Chính quyền địa phương tích cực, người dân có tư duy nhanh nhạy nên các khu nhà trọ, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng mọc lên ngày một nhiều; hoạt động buôn bán luôn diễn ra tấp nập.

Theo ông Vũ Văn Chức, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng – Thương mại và Điện lực Bá Hiến, những năm qua, do số lượng khách hàng tăng nhanh nên đơn vị đã phải đầu tư thêm một số hạng mục lưới điện cần thiết mới có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ở địa phương hiện nay.

Đây cũng là cơ hội để đơn vị từng bước đầu tư hệ thống điện thông minh, đảm bảo đường truyền ổn định, an toàn trong vận hành và sử dụng điện, góp phần phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn…

Tuy nhiên, các loại hình dịch vụ vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa quy mô, chưa thu hút được nhiều DN lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, thời gian tới, các địa phương cần có giải pháp đẩy nhanh cơ sở hạ tầng, trung tâm thương mại và chợ truyền thống; khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN hoạt động trong lĩnh vực TMDV vào đầu tư.

Cùng với đó, cần quyết liệt xử lý những vi phạm về đất đai, tránh tình trạng người dân lấn chiếm đất, tự dựng lều lán để kinh doanh, gây phản cảm và tạo bộ mặt nhếch nhác ở các KCN.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77501/co-hoi-phat-trien-thuong-mai-dich-vu-o-cac-khu-cong-nghiep.html