Cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Cuối tháng 1/2024, UBND thành phố Đà Nẵng chính thức công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng. Đây là một trong ba trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia được quy hoạch lộ trình xây dựng từ nay đến năm 2030, cùng với các trung tâm đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tạo nền tảng để phát triển Mạng lưới Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia.

Bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng ngày 26/1/2024. Ảnh: THANH TÙNG

Bên cạnh đó còn có 5 cơ sở đào tạo trọng điểm về nhân lực bán dẫn, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học FPT, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh chuỗi giá trị bán dẫn có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển ngành công nghiệp này. Không chỉ có lợi thế về đất hiếm, sức hút của Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn còn đến từ nhiều yếu tố khác.

Trong ba công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn gồm thiết kế; sản xuất; kiểm thử; đóng gói, Việt Nam chỉ mới có hoạt động ở công đoạn đầu và công đoạn cuối, chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn. Trong công đoạn thiết kế mới chỉ có một vài doanh nghiệp Việt Nam tham gia, còn lại thị trường chủ yếu do hơn 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khai thác.

Tương tự, trong công đoạn kiểm thử, đóng gói cũng là phân khúc thị trường của các doanh nghiệp FDI. Riêng ở khâu thiết kế, Việt Nam có lợi thế nhờ nguồn nhân lực trẻ dồi dào, am hiểu công nghệ và cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển. Đây chính là lý do để Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo khoảng 50 nghìn kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển đang rất cấp bách của ngành này.

Hơn nữa, công nghiệp chíp bán dẫn là lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi liên kết toàn cầu hết sức chặt chẽ. Do đó, những thành tựu nổi bật của ngoại giao kinh tế năm 2023 vừa qua, nhất là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc bán dẫn trên thế giới cũng là yếu tố khiến Việt Nam có thêm sức hút đối với dòng đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực quan trọng này. Có nhà đầu tư ngay lần đầu tiên đến Việt Nam đã bày tỏ mong muốn biến các cơ hội hợp tác đầu tư thành hiện thực, sớm đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của mình; hoặc nói như các nhà đầu tư Mỹ: Người Mỹ hiểu rằng chuỗi cung ứng bán dẫn cần có sự hợp tác quốc tế, trong đó có Việt Nam…

Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần lựa chọn chiến lược phù hợp cho phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn dựa trên các lợi thế quốc gia và tận dụng được lợi thế của người đi sau. Trong đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính đặc thù để thu hút đầu tư, gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-hoi-phat-trien-nganh-cong-nghiep-ban-dan-post798500.html