Cơ hội đẩy mạnh các chính sách trung và dài hạn

Vượt qua các yếu tố bất lợi, tăng trưởng kinh tế quý III-2017 vẫn đạt 7,46% nhờ những giải pháp kịp thời và hiệu quả của Chính phủ. Theo các chuyên gia kinh tế, với đà tăng trưởng này, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của cả năm sẽ được hoàn thành. Đây là cơ hội để Chính phủ đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Tập trung vào các chính sách trung và dài hạn

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý III-2017 đạt 7,46%, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2017 đạt mức 6,41%. Sự tăng trưởng và phục hồi tích cực của cả ba khu vực (dịch vụ; nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và xây dựng); tác động của lĩnh vực đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài (FDI) là những yếu tố giúp cho kinh tế quý III tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định và mặt bằng lãi suất có dấu hiệu giảm là những kết quả tích cực đạt được trong quý III, tạo dư địa cho các hoạt động kinh tế trong quý IV. Đây là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.

Mới đây, tại Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III-2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng VERP Nguyễn Đức Thành đánh giá, mức tăng trưởng cao này là kết quả của hàng loạt các biện pháp và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận tín dụng đối với cả hộ gia đình và các doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực.

Công nhân Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) may hàng xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Gia Minh

Tại buổi tọa đàm của VERP, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý III cao (7,46%), theo tính toán, GDP quý IV của Việt Nam chỉ cần đạt 7,31% là tăng trưởng cả năm đạt 6,7%. Và mục tiêu này đang ở rất gần, bởi từ trước đến nay, ở nước ta tăng trưởng quý IV thường cao hơn quý III. Tuy nhiên, các biện pháp thời gian qua mới chỉ mang tính ngắn hạn, vì chưa hướng đến các nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế như năng suất lao động hay sức sản xuất thực sự của nền kinh tế. Theo PGS, TS Phạm Thế Anh, Giảng viên cao cấp về kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trên thực tế, về cơ cấu tăng trưởng, xuất siêu của khu vực FDI đang phải bù đắp cho nhập siêu của khu vực trong nước, cho thấy sự lệ thuộc về xuất khẩu vào khu vực FDI. Ngoài ra, số việc làm tạo mới trong quý III giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, kéo dài chuỗi suy giảm kể từ tháng 4-2017. Tín hiệu này đặt ra yêu cầu đánh giá toàn diện chất lượng tăng trưởng, vì mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng vẫn là tạo việc làm, chứ không phải nằm ở con số. Do đó, theo nhiều ý kiến, nếu mục tiêu tăng trưởng đã đạt được thì cần tập trung vào chính sách trung hạn, dài hạn của nền kinh tế. Trước mắt, Chính phủ cần xem xét lại chính sách đẩy tín dụng lên 21-22% trong năm 2017.

Vẫn còn những rủi ro từ hệ thống tài chính

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tương đối tốt, song các chuyên gia kinh tế cũng chỉ rõ các thách thức có thể phải đối mặt. Cụ thể, trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng, bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng. Bên cạnh đó, các nỗ lực gần đây nhằm giảm thâm hụt ngân sách đang hạn chế dư địa ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong khi đó chi thường xuyên vẫn tăng mạnh. Tính tới thời điểm ngày 20-9, tăng trưởng tín dụng đạt mức 11,02% so với tháng 12-2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 21-22% do Chính phủ đề ra thì mức tăng trưởng trong quý III vẫn còn một khoảng cách khá xa (khoảng 10 điểm phần trăm). Khoảng cách này sẽ đặt ra thách thức cho quý IV trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm. Đồng thời, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15-9 ước đạt 851,5 nghìn tỷ đồng, bằng 61,2% dự toán; trong đó, chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước tính đạt 153 nghìn tỷ đồng, tương đương với 42,8% dự toán năm và chỉ chiếm 18% tổng chi. Trong đó, phần lớn tổng chi (khoảng 73%) vẫn là dành cho chi thường xuyên.

Đưa ra giải pháp trong lĩnh vực tài khóa, mới đây trao đổi với báo chí, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam kiến nghị, để quản lý các rủi ro trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay. “Việt Nam nên duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể thấp hơn nhưng bền vững. Chỉ tiêu phát triển tín dụng không phải quan trọng nhất, đặc biệt là khi nợ xấu ngân hàng chưa giải quyết tốt”-ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.

Gợi ý các chính sách phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, ông Nguyễn Đức Thành nêu rõ, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thể chế, bảo vệ quyền sở hữu và nhà đầu tư, tạo môi trường phát huy sự sáng tạo. Về cơ bản, chính sách cần hướng tới khai thác những tiềm năng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Nếu thành công, cải cách đó sẽ góp phần tạo ra một khu vực kinh tế tư nhân năng động, hướng tới giảm sự phụ thuộc quá cao của tăng trưởng kinh tế vào khu vực FDI, giúp Việt Nam vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Còn theo ông Phạm Thế Anh, việc cải thiện cơ cấu chi tiêu theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên là một trong những biện pháp quan trọng để tăng đầu tư cho phát triển, giảm nợ công, góp phần đưa nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Trong đó, để giảm chi thường xuyên, không có cách nào khác là cần phải làm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường kiểm soát nguồn chi. Đồng thời, cần công khai minh bạch hơn nữa trong việc chi tiêu ngân sách.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/co-hoi-day-manh-cac-chinh-sach-trung-va-dai-han-520792